| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai khó khôi phục rừng do địa thế hiểm trở

Thứ Tư 16/10/2024 , 04:07 (GMT+7)

Sạt lở khiến những cánh rừng ở Lào Cai bị đứt gãy loang lổ. Việc khắc phục diện tích rừng đã mất gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, lớp đất mặt không còn.

Các mảng rừng bị sạt lở ở A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: HĐ.

Các mảng rừng bị sạt lở ở A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: HĐ.

Tại huyện Bát Xát (Lào Cai), sạt lở đã khiến nhiều cánh rừng chỉ còn trơ trọi đất đá. Tại nhiều xã sạt lở đã xóa sổ nhiều diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của người dân. Công sức của bà con trồng rừng bao năm chăm sóc đã "đổ xuống sông, xuống biển". Trong số những diện tích rừng này, có nhiều điểm không thể trồng lại, đặc biệt là ở các xã Mường Hum, Trịnh Tường, A Lù, Nậm Chạc...

Theo ông Trần Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Bát Xát, qua đo đếm sơ bộ, bão số 3 gây thiệt hại 269ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên hơn 260ha. Thiệt hại về rừng xảy ra ở các điểm vùng cao, có nhiều vị trí rất cao, dốc nên rất khó khăn trong việc trồng và phát triển rừng.

"Việc trồng rừng thay thế, chúng tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ diện tích đất ở các địa phương, diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, đất trống để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân trồng vào diện tích đó. Các vị trí sạt lở, cơ bản ở nơi đồi núi dốc, nằm ở gần các khe suối... Sau khi sạt lở cuốn toàn bộ đất ở khu vực đó bị trôi, còn lại là đất đá không thể trồng lại được rừng và nhiều chỗ không thể khôi phục được", ông Trần Văn Hùng chia sẻ.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Lào Cai, bão số 3 gây thiệt hại lớn cho ngành lâm nghiệp. Trong số 1.154ha rừng bị thiệt hại thì có 650 ha rừng trồng, 310 ha rừng tự nhiên và một số diện tích cây lâm nghiệp ngoài gỗ.

"Các diện tích này bị sạt lở do đó thiệt hại gần như là mất trắng. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các đơn vị kiểm lâm cho bay drone (thiết bị bay không người lái) rà soát lại toàn bộ diện tích, thống kê đầy đủ và kể cả hiện trạng để xây dựng phương án khắc phục. Đối với diện tích rừng tự nhiên ở những vùng rất cao, dốc nên việc phục hồi trồng lại, khoanh nuôi rất khó. Chúng tôi đang đề xuất để nguyên hiện trạng, vì rừng tự nhiên có khả năng tự tái sinh rất nhanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất giải pháp có thể bay drone để gieo, rắc hạt cây bản địa lên những điểm sạt lở", ông Vũ Hồng Điệp, Cục phó Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cho hay.

Ngoài ra, 12 vườn ươm của các hộ dân bị hư hỏng, chết khoảng 1,6 triệu cây. Sau khi nước rút đã được ngành kiểm lâm khuyến cáo khôi phục, khử trùng, diệt nấm để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng  năm 2025.

Rừng bao quanh các ngôi làng, song nay chỉ còn là những mảng đất nham nhở. Ảnh: HĐ.

Rừng bao quanh các ngôi làng, song nay chỉ còn là những mảng đất nham nhở. Ảnh: HĐ.

Ông Vũ Hồng Điệp khẳng định, Lào Cai vẫn đủ năng lực cung cấp khoảng 30 triệu cây giống cho năm 2024 và năm 2025 và xuất bán ra các tỉnh lân cận. Do đó, chúng tôi khuyến cáo, cây con khi xuất ra khỏi vườn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng và không nhiễm bệnh, nhất là nhiễm các loại nấm bệnh do bị ngập úng.

Hiện nay, các vườn ươm, các cơ sở sản xuất giống đang khẩn trương sửa chữa, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để khôi phục sản xuất. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật như đảo bầu (loại bỏ cây chết, rửa cây, dọn cỏ rác, bùn đất), phun thuốc phòng chống nấm, bệnh dễ phát sinh sau ngập úng... Đồng thời, triển khai sản xuất cây giống cho vụ mới ngay sau khi đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, số lượng chủng loại cây giống cho công tác trồng, chăm sóc rừng bị thiệt hại cũng như trồng mới năm 2025.

Sau sạt lở, những khu rừng có nhiều điểm trơ trọi đá, khó có thể khôi phục lại được như ban đầu. Ảnh: HĐ.

Sau sạt lở, những khu rừng có nhiều điểm trơ trọi đá, khó có thể khôi phục lại được như ban đầu. Ảnh: HĐ.

Về kinh phí hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, hỗ trợ 809,662 ha rừng sản xuất bị thiệt hại với tổng nhu cầu kinh phí gần 3 tỷ đồng...

Về việc tận thu, chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu, sau khi khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.

Đối với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng thì tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại, ước tính giá trị lâm sản tận thu; phương thức, điều kiện khai thác, tận thu cụ thể. Sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi...

Với rừng tự nhiên thì tiến hành vệ sinh rừng; thu gom, xử lý vật liệu cháy, sửa chữa các đường băng cản lửa giảm nguy cơ cháy rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.