| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Sửa chữa đập, hồ thuỷ lợi cần hàng trăm tỷ đồng

Thứ Sáu 05/11/2021 , 09:19 (GMT+7)

Trong số 107 đập, hồ thuỷ lợi tại Lào Cai có nhiều công trình cũ, hư hỏng nặng và phải cần đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.

Hồ thuỷ lợi Tả Xín (huyện Bát Xát, Lào Cai) được đầu tư sửa chữa bằng nguồn WB8. Ảnh: H.Đ

Hồ thuỷ lợi Tả Xín (huyện Bát Xát, Lào Cai) được đầu tư sửa chữa bằng nguồn WB8. Ảnh: H.Đ

Các công trình nhỏ chiếm đa số

Trong số 107 đập, hồ chứa nằm rải rác ở các huyện miền núi của tỉnh Lào Cai thì đa số đều thuộc diện vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Trong đó, các đập, hồ chứa được xây dựng tập trung ở huyện Văn Bàn (18 hồ), Bảo Thắng (37 hồ), Mường Khương (17 hồ). 3 huyện còn lại là Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai mỗi huyện chỉ có 2 hồ chứa. 

Toàn bộ đập, hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều có tràn tự do, không có cửa van điều tiết. 

Khai thác, quản lý các công trình này đều do UBND cấp xã quản lý bằng hợp đồng với tổ thuỷ lợi cơ sở và cá nhân thực hiện.

Qua rà soát của Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, thực tế tại địa phương, nhân lực trực tiếp quản lý, khai thác đập, hồ chứa đa phần là người dân bản địa sống gần công trình, mới được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình do sở tổ chức hằng năm. Đối chiếu quy định về yêu cầu năng lực tối thiểu tại Điều 8 của Nghị Định 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuỷ lợi thì hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu, ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho hay.

Trong số 107 đập, hồ thuỷ lợi tại Lào Cai thì có tới 30 đập, hồ chứa rất nhỏ có chiều cao đập dưới 5m và dung tích toàn bộ dưới 50.000m3, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ. 

Ngoài ra, kiểm tra cơ bản số đập, hồ đảm bảo nghị định 114 nêu trên, 77 đập, hồ nằm trên địa bàn các địa phương đã chấp hành tốt các quy định về phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn đập, không xảy ra tình trạng xả lũ, vỡ đập gây thiệt hại ở hạ lưu đập. Các chủ đập cơ bản đã triển khai thực hiện đúng theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa theo nghị định này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa thực hiện được như kiểm định an toàn đập, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước. Một số nội dung thực hiện lồng ghép như xây dựng quy trình vận hành đập, hồ chứa nước lồng ghép trong quy chế hoạt động của tổ chức thuỷ lợi cơ sở; xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp lồng ghép trong phương án phòng chống thiên tai của UBND cấp xã...

Xây dựng từ lâu, hồ đập xuống xuống cấp

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 56 đập, hồ chứa nước mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp được đánh giá đảm bảo an toàn. Tuy nhiên còn 51 hồ chứa khác do đầu tư xây dựng từ lâu, chưa được sửa chữa, nâng cấp nên hiện trạng hư hỏng, xuống cấp.

“Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã có kế hoạch thực hiện khắc phục, sửa chữa nâng cấp những đập hồ hư hỏng xuống cấp. Trong đó có 16 đập hồ chứa hư hỏng nặng cần sửa chữa cấp bách. Giải pháp trước mắt là các tổ chức quản lý, khai thác chủ động hạ thấp mực nước hồ, khơi thông đường tràn xả lũ đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Về lâu dài, đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu kinh phí là 290 tỷ đồng”, ông Tạ Công Huy cho biết. 

Cụ thể, trong số 16 đập, hồ nêu trên có 8 đập, hồ chứa với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng được đề nghị đầu tư bằng nguồn vốn vay WB thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Hiện nay đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong tháng 12/2021. 

Tuy nhiên, 8 đập, hồ chứa còn lại với tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng, đề nghị đầu tư sửa chữa bằng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

"Khi chưa có nguồn kinh phí Trung ương, trước mắt các tổ chức thuỷ lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác, hạ thấp mực nước (không tích nước do không đảm bảo an toàn) và sử dụng kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên, nguồn xã hội hoá để thực hiện sửa chữa, khắc phục tạm các hư hỏng", ông Tạ Công Huy nêu giải pháp. 

Bảo Thắng là huyện có số đập, hồ bị hư hỏng nhiều nhất trong số các huyện của tỉnh Lào Cai. Trong đó, một số đập, hồ bị thấm, mái đập bị sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu nên có nguy cơ mất an toàn cao. Tuy nhiên, trong số 8 đập, hồ được sửa chữa, nâng cấp đợt này thì huyện Bảo Thắng cũng có 7 công trình đã được rà soát ưu tiên và đưa vào danh mục cần sửa chữa cấp bách.

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo cho biết, nhiều đập, hồ trên địa bàn huyện được xây dựng từ lâu, có những hồ được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước nên đã xuống cấp như đập hồ Đồng Tâm, hồ An Tiến… Các hồ này có dung tích nhỏ dưới 500m3 nước, trước đây đập dâng đắp bằng đất, nên sau hơn 40 năm khai thác và sử dụng, hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn hồ đập.

Mặc dù nhiều công trình xuống cấp nhưng Lào Cai vẫn duy trì được tưới tiêu cho các địa phương. Ảnh: H.Đ

Mặc dù nhiều công trình xuống cấp nhưng Lào Cai vẫn duy trì được tưới tiêu cho các địa phương. Ảnh: H.Đ

Hiện tại tỉnh Lào Cai đang giao cho UBND cấp xã tổ chức khai thác, quản lý; UBND cấp xã lựa chọn các cá nhân, tổ chức thuỷ lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác, rất khó khăn để lựa chọn được cá nhân, tổ chức đảm bảo năng lực tối thiểu theo quy định tại Điều 8, Nghị định 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuỷ lợi.

Thiếu quản lý chuyên nghiệp

Số lượng đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lào Cai tương đối lớn trong khi chủ yếu là đập, hồ nhỏ và rất nhỏ. Vị trí xây dựng phân tán ở nhiều nơi, nằm sâu trong các thôn bản không có đường quản lý, vận hành hoặc đi lại rất khó khăn. 

Trong khi, nhiệm vụ của các hồ chứa chủ yếu là cung cấp sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi công ích (cấp nước tưới cho cây trồng), không có nguồn thu sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi khác, thiếu kinh phí thực hiện các quy định về quản lý đảm bảo an toàn đập. Do vậy, tới thời điểm này tại Lào Cai không có doanh nghiệp nào mặn mà, sẵn sàng nhận quản lý. 

“Lào Cai là số ít trong các tỉnh không có đơn vị quản lý chuyên nghiệp như ở những tỉnh đồng bằng, nhiều nơi có công ty thuỷ nông. Với đặc thù của Lào Cai, công tác chỉ đạo, quản lý, hay lập kế hoạch sửa chữa hằng năm gặp khó do các công trình nhỏ, lại do tổ hợp tác thuỷ lợi quản lý. Chưa kể những khi mưa lũ thiên tai, mưa lũ ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành các công trình này, ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai cho biết.

Cũng theo ông Ngọc, xét tiêu chí thuỷ lợi đối với các xã nông thôn mới đều đạt do chủ động tưới tiêu đạt trên 80% diện tích. Tuy nhiên, với xã về đích nông thôn mới nâng cao tiêu chí này rất khó khi chưa được đầu tư, nâng cấp nhiều.      

Đặc thù của tỉnh Lào Cai, các đập, hồ chứa đều là đập đất, được xây dựng từ lâu, đến nay chưa được đầu tư kiên cố. Trong quá trình sử dụng khai thác, các mái đập có hiện tượng sạt lở, sụt lún; cống lấy nước bị sập; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, mưa lũ bất thường gây hư hỏng, mất an toàn công trình...

Được biết, trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp cấp bách một số đập hồ chứa, tuy nhiên chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, tỉnh Lào Cai hiện vẫn chưa là tỉnh tự cân đối được ngân sách, do vậy thiếu kinh phí trong đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai. 

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.