Hai thập kỷ dốc tiền cải tạo đầm hoang
Vốn dĩ là khu đầm bị bỏ hoang nhiều năm tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão ít người để ý nhưng qua bàn tay, khối óc và sự bền bỉ của lão ông Bùi Minh Họa, Đảo Bầu hiện đang là điểm sáng nhất về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại TP Hoa Phượng Đỏ.
Ông Họa vốn xuất thân là con nhà nông, có sở thích nuôi cá tử nhỏ và từng có biệt danh là Họa cá. "Tôi mê đào ao thả cả nên cứ mỗi sáng, tôi thường dậy sớm 2 tiếng trước khi đến cơ quan để có thời gian kéo cá bán. Còn buổi tối, sau khi cơm nước xong, tôi cũng dành 2 tiếng để chăm sóc cá. Đến nay, làm cá giống vẫn là thế mạnh nhất của tôi”, ông Họa mở đầu.
Vì tình yêu nông nghiệp đã ăn vào máu, năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông xin thuê lại của người dân khu ruộng cấy lúa không hiệu quả ven sông Đa Độ để đầu tư xây dựng trang trại vừa nuôi cá vừa nuôi lợn.
Bắt tay vào khai phá đầm hoang, để biến những vựa lau sậy thành vùng đất màu mỡ tốt tươi, những ngôi nhà, thửa đất, xe cộ và cây xăng có được trong làm ăn với trị giá gần 1 nghìn tỷ đồng được bán đi để lấy vốn đầu tư.
Mất hơn nửa năm để vớt bèo, nạo vét mới thành hình khu ao đầm, con sông được ông “thuần phục”, nắn thành hình chữ C uốn lượn như hình quả Bầu, và Đảo Bầu xuất hiện từ đó.
“Đất lành chim đậu”, từ sự tươi tốt, trong lành của vùng Đảo Bầu mà nhiều năm qua, đàn cò trắng hàng nghìn con đã về đây cư ngụ và sinh sản, mỗi ngày, ông cung cấp 4 tạ cá để làm thức ăn cho các loài chim trời.
Qua đó, đã tạo môi trường thuận lợi để cho đàn chim trú ngụ, ngày một đông hơn, là một trong những thế mạnh cạnh tranh về du lịch sinh thái, du lịch nông thôn mà ít nơi nào có được.
Từ đó đến nay, mỗi năm đầu tư một ít, khu vực đàm hoang đã biến thành mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bậc nhất Hải Phòng với diện tích khu này có 76ha, trong đó có 40ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, 36ha trồng cây cối và chăn nuôi, còn 10ha tôi dành riêng cho chim tự nhiên trú ngụ.
Ông Họa cho hay, hiện nay có 3 phân khu riêng biệt để sản xuất nông nghiệp, gồm khu trồng trọt, khu chăn nuôi Khu nuôi trồng thủy sản, có nơi trồng rau sạch, hoa theo mùa và hàng nghìn cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ.
Với khu chăn nuôi, có hẳn 4 trại chăn nuôi lợn với hơn 8.000 con lợn thịt giống Mỹ áp dụng phương pháp chăn nuôi tự động hóa tối đa 10 trại gà đẻ trứng được nuôi theo mô hình gà nghe nhạc, xuất bán mỗi ngày 3 vạn quả trứng gà.
Còn với khu nuôi trồng thủy sản, món "nghề" thế mạnh của ông Họa, hiện cũng đang nuôi 9.000 con cá bố mẹ, mỗi ngày trang trại có khoảng 20 triệu con cá giống nước ngọt cung cấp ra thị trường. Số lượng cá thịt bán ra khoảng trên 700 tấn.
“Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch là rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hải Phòng theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, sẽ tạo vùng sản xuất giống con vật nuôi đảm bảo chất lượng cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản của Hải Phòng và các địa phương khác. Góp phần tạo mô hình nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả kinh tế tốt gắn với du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái", ông Họa bộc bạch.
Tiên phong về du lịch nông nghiệp, nông thôn
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu du lịch, ông Họa chia sẻ, lúc đầu chỉ nghĩ là làm nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp, quá trình canh tác tôi thấy nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trang trại cũng như bà con nông dân ở Hải Phòng và các tỉnh, thành về thăm quan, nhất là về mô hình cá giống,…
Bên cạnh đó, ông còn có 2 cái được thiên nhiên ban tặng cho đó là, khi nắn khúc sông đã tạo ra hình thù như quả bầu tròn và được thiên nhiên ban tặng cho 1 đàn chim gồm cò, vạc, sáo,… tự nhiên với số lượng hàng vạn con.
Trên cơ sở đó, ông Họa quyết định xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn để phát huy hết giá trị mà thiên nhiên ưu đãi cũng như để chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp mà ông có được với xã hội.
Cũng theo ông Họa, trẻ em hiện nay phụ thuộc vào điện thoại, vào ti vi quá nhiều, điều ảnh hưởng đến sức khỏe, thứ 2 là sẽ thiếu kỹ năng sống, cần hơn sự trải nghiệm. Với mô hình này, ông muốn các cháu nhỏ có chỗ trải nghiệm những ngày nghỉ, các cháu biết các con vật trong tự nhiên sinh ra như thế nào và con người tác động vào nó ra sao.
Ví dụ như con cá đẻ vào giờ nào, con gà con chim sinh nở tự nhiên ra sao, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật vào thì năng suất sẽ thay đổi ra sao hoặc là cây cối, cây nào trồng bằng hạt, cây nào ghép cành, cây nào chiết cành, cây nào ghép mắt.
"Tôi xây dựng mô hình này với 2 mục đích, giúp các cháu trải nghiệm đầy đủ về nông nghiệp từ xưa đến nay, về đồng vật, chim muông, cây cỏ. Thứ 2, là muốn là nơi để gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm của những người yêu nông nghiệp", ông Họa bày tỏ.
Với ông Họa, muốn làm du lịch nông nghiệp thì trước hết phải làm nông nghiệp của mình thật tốt để cho người khác đến thăm cảm thấy xứng đáng, nếu không bằng họ cái này thì phải hơn cái khác.
Trò chuyện với ông Bùi Minh Họa về những khó khăn, vất vả của ngành nông nghiệp, chúng tôi thấy rõ niềm tự hào trong ông bởi từ cái cách nghĩ, cách làm của ông, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 100 lao động suốt gần 20 năm qua.
Ở Hải Phòng, hiện tại du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm và đang xây dựng đề án cụ thể, ngoài Đảo Bầu, mô hình du lịch cộng đồng ở Xuân Đám, Việt Hải… cũng đang là những nhân tố tiên phong trong thực hiện mô hình này.
Bên cạnh đó, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, khang trang sạch đẹp, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đã quan tâm hơn về chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc…, qua đó đã tạo đà thuận lợi cho việc phát triển mô hình du lịch mới, đầy tiềm năng này.