Ngày 24/4, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ (MDA) đưa ra đề nghị mời thầu cho Thiết bị đánh chặn thế hệ tiếp theo (Next Generation Interceptor-NGI).
Đề nghị mời thầu đặt mục tiêu chọn ra hai công ty, sau đó hai công ty này sẽ cạnh tranh để giành quyền chế tạo tên lửa đánh chặn.
Đây là loại tên lửa sẽ tạo thành nòng cốt của hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hoa Kỳ trong tương lai.
Các đề xuất có thời hạn vào ngày 31/7, nhưng MDA lưu ý rằng có thể có một thay đổi trong lịch trình đó do đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Cơ quan này đã yêu cầu 664,1 triệu USD trong năm tài chính 2021 cho chương trình NGI, là một phần của kế hoạch ngân sách 4,9 tỷ USD kéo dài trong 5 năm.
Mark Wright, người phát ngôn của MDA, gọi đề nghị mời thầu là một bước tiến quan trọng trong việc thiết kế, phát triển và bảo vệ các khả năng tốt nhất của cả ngành công nghiệp và Bộ Quốc phòng Mỹ vì mục đích cực kỳ quan trọng - bảo vệ lãnh thổ Mỹ.
“Đáng chú ý là, ý định trao hai hợp đồng để đồng thời phát triển nỗ lực NGI nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai nhóm nhà thầu giúp tạo ra NGI tốt nhất trong thời gian ngắn nhất khả thi”, ông Wright nói thêm.
Vào tháng Tám năm ngoái, Lầu Năm Góc từng đưa ra quyết định bất ngờ khi hủy bỏ chương trình Redesigned Kill Vehicle. Người phụ trách nghiên cứu và cố vấn kỹ thuật của chương trình phát triển thế hệ đạn tên lửa đánh chặn mới RKV (Redesigned Kill Vehicle) Mike Griffin nói rằng ông không muốn tiếp tục ném tiền vào một chương trình với các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng không thể giải quyết.
RKV giúp nâng cấp tên lửa đánh chặn trong hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ chống lại các đe dọa tên lửa đạn đạo.
Lầu Năm Góc quyết định hủy bỏ chế tạo tên lửa đánh chặn mặt đất cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ - GMD. Đồng thời đưa yêu cầu tất cả các tên lửa đánh chặn trong tương lai được đưa vào tích hợp hoạt động trong hệ thống GMD sẽ là phải là loại đánh chặn thế hệ mới – giống như chương trình NGI.
Những chỉ trích về quyết định hủy bỏ RKV và bắt đầu lại với một thiết kế mới đã làm dấy lên mối lo ngại về thời hạn chương trình, có thể kéo dài đến năm 2030.
Thiếu tướng Hải quân Jon Hill, Phó Giám đốc MDA, tuyên bố trong tháng Ba rằng mất thời gian dài chờ đợi khả năng mới là “không thể chấp nhận được từ quan điểm của một chiến binh” cũng như “không thể chấp nhận đối với tôi với tư cách là người quản lý chương trình”.
Thiếu tướng Hill cho biết một khi giá thầu được đưa ra, cơ quan này sẽ có thể xem xét kỹ hơn về lịch trình. Nếu hợp đồng được ký, MDA phải có trách nhiệm đảm bảo cơ sở chế tạo đáp ứng tất cả các đòi hỏi. Do đó, lịch trình có thể bị trì hoãn.