| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay triển khai bảo hiểm chăn nuôi

Thứ Hai 28/08/2023 , 20:20 (GMT+7)

Tại Bình Định, chính sách bảo hiểm chăn nuôi của Chính phủ có hiệu lực thi hành đã hơn 1 năm nay, thế nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.

Hơn 1 năm vẫn chưa thể triển khai

Chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24/6/2022 và sẽ được duy trì đến hết ngày 31/12/2025. Các loại cây trồng được bảo hiểm gồm lúa, cà phê, tiêu, điều; vật nuôi được bảo hiểm gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trâu, bò, heo trên địa bàn 28 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo người chăn nuôi lợn, họ muốn mua bảo hiểm đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, song bệnh này lại không nằm trong danh mục được hỗ trợ bảo hiểm. Ảnh: V.Đ.T.

Theo người chăn nuôi lợn, họ muốn mua bảo hiểm đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, song bệnh này lại không nằm trong danh mục được hỗ trợ bảo hiểm. Ảnh: V.Đ.T.

Trong đó, Bình Định được Chính phủ chọn thực hiện bảo hiểm chăn nuôi cho 3 loại vật nuôi là trâu, bò, heo. Các đối tượng vật nuôi nói trên đều có giá trị kinh tế cao, đang được Bình Định phát triển theo hướng tăng chất lượng gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Hiện đàn trâu trên địa bàn Bình Định gần 16.300 con, giảm hơn 1.160 con so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò đạt trên 306.300 con, tăng gần 9.800 con so cùng kỳ; đàn heo (tính cả heo con theo mẹ) khoảng 1,1 triệu con, riêng heo lứa, heo nái đạt trên 667.800 con, tăng hơn 1.500 con so với cùng kỳ năm 2022. Theo đánh giá của ngành chức năng, chăn nuôi gia súc là nghề nhiều rủi ro bởi dễ bị ảnh hưởng dịch bệnh. Do đó, chính sách bảo hiểm chăn nuôi của Chính phủ là giải pháp hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt hại cho người chăn nuôi nếu chẳng may gặp rủi ro.

Theo quy định, những hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi năm được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm chăn nuôi; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%. Khi vật nuôi tham gia bảo hiểm chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận (như bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh, nhiệt thán…) sẽ được doanh nghiệp bán bảo hiểm chăn nuôi bồi thường thiệt hại.

Nghề chăn nuôi gia súc luôn có nhiều rủi ro bởi dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Nghề chăn nuôi gia súc luôn có nhiều rủi ro bởi dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp cận với chính sách bảo hiểm chăn nuôi, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, ngày 12/8/2022, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với Công ty Bảo Minh Bình Định - đơn vị được UBND tỉnh Bình Định chọn thực hiện bảo hiểm chăn nuôi cùng chính quyền các địa phương triển khai Quyết định số 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nhưng đến nay, chính sách bảo hiểm chăn nuôi vẫn chưa được thực hiện trên địa bàn.

Khó tìm khách hàng bảo hiểm

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, sau khi Sở NN-PTNT Bình Định phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản chỉ đạo triển khai chính sách bảo hiểm chăn nuôi, đến tháng 9/2022, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành văn bản đề nghị Công ty Bảo Minh Bình Định và các địa phương cùng phối hợp triển khai thực hiện.

Đầu năm 2023, Sở NN-PTNT đã liên hệ với Công ty Bảo Minh Bình Định đặt lịch hẹn làm việc để bàn bạc việc triển khai chính sách bảo hiểm chăn nuôi, nhưng Công ty Bảo Minh Bình Định khất hẹn với lý do chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và của cơ quan bảo hiểm cấp trên.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi luôn rình rập đàn heo, người chăn nuôi cần được bảo hiểm bệnh này. Ảnh: V.Đ.T.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi luôn rình rập đàn heo, người chăn nuôi cần được bảo hiểm bệnh này. Ảnh: V.Đ.T.

Công ty Bảo Minh Bình Định cho biết, trước khi bán bảo hiểm chăn nuôi phải được Bộ Tài chính phê duyệt quy tắc và biểu phí bảo hiểm chăn nuôi, sau đó Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh chỉ đạo thì Công ty Bảo Minh Bình Định mới có cơ sở triển khai xuống địa phương. Đến khi ấy, Công ty Bảo Minh Bình Định mới liên hệ, kết nối với địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tìm kiếm khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm chăn nuôi.

Theo người chăn nuôi, các bệnh gia súc được bảo hiểm theo quy định như lở mồm long móng, tai xanh, nhiệt thán… những năm qua trên địa bàn Bình Định đã được khống chế bởi năm nào UBND tỉnh Bình Định cũng chi ngân sách hàng chục tỷ đồng mua vacxin để cấp cho các địa phương tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Thế nên bây giờ, Công ty Bảo Minh Bình Định tìm kiếm khách hàng bảo hiểm các bệnh nói trên sẽ không dễ. Nếu trong quy định có bảo hiểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì sẽ có rất nhiều khách hàng tham gia, bởi bệnh này đang rình rập đàn heo của người chăn nuôi nhiều địa phương.

Đến nay, chưa địa phương nào ở Bình Định gửi danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia bảo hiểm chăn nuôi. Ảnh: VĐT.

Đến nay, chưa địa phương nào ở Bình Định gửi danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia bảo hiểm chăn nuôi. Ảnh: VĐT.

“Khi địa phương và Công ty Bảo Minh Bình Định gửi danh sách các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm chăn nuôi cho Sở NN-PTNT Bình Định, đến lúc này Sở NN-PTNT và Sở Tài chính mới có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định xem xét, phê duyệt danh sách và bố trí kinh phí hỗ trợ bảo hiểm chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay chưa địa phương nào gửi danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia bảo hiểm chăn nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất