| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích kép từ những thứ bỏ đi

Thứ Hai 13/12/2021 , 15:25 (GMT+7)

Với hàng chục tấn phụ phẩm nông nghiệp thải ra mỗi năm, một đơn vị đã dùng ủ phân vi sinh bón cho cây trồng và cho ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Với tiêu chí “sản xuất gắn với bảo vệ môi trường”, tại công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm Đồng Tháp (Ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình), nguồn phụ phẩm này được tận dụng toàn bộ để ủ phân vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư và cho ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Anh Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm Đồng Tháp cho biết, Ecofarm thành lập năm 2007, với định hướng chính là phát triển mô hình sản xuất và dịch vụ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Toàn bộ quy trình sản xuất được học hỏi từ các mô hình hiện đại nhất của Israel. Trong đó, chú trọng sản xuất bền vững, cho ra sản phẩm đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Và việc xử lý các loại phế phụ phẩm nông nghiệp đã được đầu tư ngay từ những ngày đầu mới thành lập Ecofarm.

Sau khi thành công với mô hình đầu tiên tại Đảo Ngọc Phú Quốc, hiện Ecofarm đã phát triển thêm các mô hình ở Kiên Giang, Long An. Riêng Ecofarm Đồng Tháp thành lập năm 2015, có diện tích gần 11ha. Đây là mô hình tiên phong về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm ở Đồng Tháp với nhiều loại cây trồng. Trong đó, 5ha vườn trồng cây ăn trái các loại như xoài cát Hoà Lộc, bưởi da xanh, quýt Lai Vung…đang cho thu hoạch.

Giám đốc công ty CP Ecofarm Đồng Tháp Trần Văn Sơn kiểm tra phân vi sinh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Giám đốc công ty CP Ecofarm Đồng Tháp Trần Văn Sơn kiểm tra phân vi sinh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, anh Sơn phân tích: Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng mỗi năm, người ta ước tính lượng phế phụ phẩm từ nông nghiệp ngang bằng hoặc hơn sản phẩm thu hoạch được. Đây là một con số cực lớn. Nếu biết tận dụng, thì mỗi nhà, mỗi doanh nghiệp sẽ tiếp kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ cho phân bón. Đặc biệt, việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp còn giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường rất lớn.

Với tổng diện tích 11ha, nhiều loại cây trồng ngắn ngày như rau củ quả, dưa lê, dưa lưới, mỗi năm trang trại cần hàng chục tấn phân bón các loại. Song song đó, sẽ có hàng chục tấn phế phẩm từ cây trồng các loại thải ra môi trường. “Nếu số lượng phế phẩm này không được xử lý đúng cách, thì sẽ gây ra nguồn ô nhiễm nặng cho môi trường. Chỉ cần để mấy đống than, lá, gốc cây trồng đó vài ngày không xử lý, là bốc mùi hôi thối chịu không nổi. Trong khi đó, đây là nguồn nguyên liệu ủ phân cực tốt”, anh Sơn cho biết.

Phân hữu cơ vi sinh có thành phần chính là các loại phụ phế phẩm nông nghiệp bỏ đi như thân, gốc, rễ dưa lê, dưa lưới, trái xoài non, các loại rau, củ quả, giá thể dưa lưới trong nhà màng, bã bia, bã đậu nành, xương cá, các phế phẩm chế biến tôm, cá kết hợp với men vi sinh. Các loại phụ phẩm này được trộn đều, rải xuống nền tấm vải bạt, cứ mỗi lớp phụ phẩm dày khoảng 20cm, lại rắc một lớp chế phẩm sinh học, men vi sinh để dung hoà và làm mục hỗn hợp. Sau đó, toàn bộ đống hỗn hợp này được che kín bằng vải bạt, ủ trong thời gian từ 2 tháng trở lên là có thể sử dụng.

“Với 3000m2 nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới trên giá thể, mỗi vụ dưa kéo dài khoảng hơn 2 tháng, sau khi thu hoạch, cây dưa chưa thể tiêu thụ hết chất dinh dưỡng bên trong giá thể. Nên sẽ được tận dụng bằng cách trộn chung với các phế phụ phẩm khác để ủ làm phân vi sinh hữu cơ. Sau đó, số phân này tiếp tục được sử dụng làm giá thể trồng dưa vụ tiếp theo. Nếu tính ra, mỗi năm tiết kiệm được khoảng ¾ chi phí phân bón nhờ mấy thứ bỏ đi này”, anh Sơn nói.

Vườn dưa lưới dùng phân vi sinh, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Ecofarm Đồng Tháp. 

Vườn dưa lưới dùng phân vi sinh, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Ecofarm Đồng Tháp. 

Tại khu vực ủ phân, anh Sơn lại đống phân ủ hơn 2 tháng, giở tấm bạt che lên. Phía dưới là phân vi sinh có màu nâu cánh gián đậm, tơi xốp. Anh Sơn dùng tay bốc, đưa lên sát mũi, sau đó đưa cho chúng tôi xem và nói: “không còn mùi gì”. Tôi ghé sát mũi ngửi và gật đầu thừa nhận. Theo anh Sơn, từ khi sử dụng loại phân ủ này, các cây trồng phát triển tốt hơn các sản phẩm đóng bao mua từ doanh nghiệp. “Theo kết quả kiểm nghiệm, mỗi kg phân hữu cơ vi sinh chứa 140 thành phần dinh dưỡng khác nhau để nuôi cây trồng. Trong đó, số lượng, chủng loại vi sinh để phục vụ quá trình lên men chuyển hóa dinh dưỡng rất quan trọng”, anh Sơn nói.

Hiện tại, Ecofarm Đồng Tháp đang liên kết với các Hội quán nông dân Sa Đéc phát triển ứng dụng các công nghệ nhà màng, tưới nhỏ giọt, chế phẩm sinh học, phân vi sinh hữu cơ chuyên bón cho cây hoa.

“Để tăng lợi nhuận, tăng giá trị trên cùng một diện tích, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực hiện ngay việc sản xuất sạch, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao. Từ đó mới xây dựng được thương hiệu nông sản. Muốn vậy, người nông dân phải kiên trì áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng sinh thái hữu cơ. Quá trình này cần có thời gian, và không thể thiếu sự tham gia của chính quyền, nhà khoa học, các doanh nghiệp. Ecofarm đang từng bước tham gia tích cực vào quá trình liên kết này”, Anh Trần Văn Sơn, Giám đốc công ty CP Ecofarm Đồng Tháp.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.