| Hotline: 0983.970.780

Lợi nhuận tăng nhờ quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp

Thứ Hai 25/12/2023 , 08:29 (GMT+7)

Mô hình quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp trên cây ngô (IPM/IPHM) tại Phú Thọ, Đồng Nai lợi nhuận cao hơn so với tập quán địa phương từ 3 - 9,3 triệu đồng/ha.

Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam”, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng mô hình quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp trên cây ngô (IPM/IPHM) tại Phú Thọ và Đồng Nai (mỗi mô hình quy mô 5ha).

Trong đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như trồng xen đậu; sử dụng giống kháng; xử lý hạt giống; dùng bẫy pheromone, bẫy bả chua ngọt thu hút sâu trưởng thành; áp dụng kỹ thuật canh tác để tạo cây trồng khỏe; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học. Kết quả thu được rất khả quan.

Mô hình quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp trên cây ngô (IPM/IPHM) tại Phú Thọ và Đồng Nai cho lợi nhuận cao hơn so với tập quán canh tác địa phương từ 3 - 9,3 triệu đồng/ha. Ảnh: MH.

Mô hình quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp trên cây ngô (IPM/IPHM) tại Phú Thọ và Đồng Nai cho lợi nhuận cao hơn so với tập quán canh tác địa phương từ 3 - 9,3 triệu đồng/ha. Ảnh: MH.

Cụ thể, thực tế cho thấy việc trồng xen cây họ đậu sẽ giúp làm giảm mật độ sâu gây hại trên ruộng ngô do cây tiết ra một loại hóa chất có tác dụng xua đuổi sâu keo mùa thu trưởng thành đến đẻ trứng.

Đối với thí nghiệm dùng bẫy bả chua ngọt, mật độ sâu và tỉ lệ cây bị hại ở mô hình bả chua ngọt tuy cao hơn so với đối chứng nhưng mức chênh lệch không nhiều, khả năng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Bên cạnh đó, trưởng thành sâu keo mùa thu vào bẫy trung bình 2,9 - 10,5 con/bẫy/ngày đêm. Mật độ sâu bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn ngô từ 4-5 lá, sau đó giảm dần. Đến giai đoạn ngô bắt đầu xoáy nõn thì trưởng thành sâu keo mùa thu xuất hiện, sau đó giảm dần về cuối vụ.

Sử dụng bẫy bả chua ngọt trong phòng chống sâu keo mùa thu là biện pháp đem lại hiệu quả rất cao, dễ làm, dễ áp dụng, giá thành rẻ, nguyên vật liệu dễ kiếm. Bên cạnh việc thu hút, tiêu diệt trưởng thành đực và cái của sâu keo mùa thu, bẫy còn thu hút được một số loài trưởng thành của sâu hại khác như sâu xám, đục thân. Tuy nhiên, bẫy bả chua ngọt cũng thu hút cả ong (thiên địch), nhưng mật độ vào bẫy thấp.

Đối với thí nghiệm ứng dụng bẫy pheromone, kết quả theo dõi cho thấy, khi sử dụng bẫy bả pheromone giới tính thu hút trưởng thành đực của sâu keo mùa thu rất hiệu quả. Sau 7 ngày, trung bình trưởng thành đực vào bẫy trên 23 con/bẫy/đêm. Đến tuần thứ 2 trưởng thành đực vào bẫy trung bình 14 con/bẫy/đêm. Sau khi ngô được 7-8 lá trưởng thành sâu keo mùa thu vào bẫy đã giảm dần về cuối vụ.

Sử dụng bẫy bả chua ngọt trong phòng chống sâu keo mùa thu là biện pháp đem lại hiệu quả rất cao, dễ làm, dễ áp dụng, giá thành rẻ, nguyên vật liệu dễ kiếm. Ảnh: MH.

Sử dụng bẫy bả chua ngọt trong phòng chống sâu keo mùa thu là biện pháp đem lại hiệu quả rất cao, dễ làm, dễ áp dụng, giá thành rẻ, nguyên vật liệu dễ kiếm. Ảnh: MH.

Bẫy pheromone giới tính có hiệu quả rất cao để thu hút và diệt trưởng thành đực sâu keo mùa thu ngay từ khi gieo. Hiện tại bẫy có bán trên thị trường nhưng mồi bả chưa được bán thương mại, do đó nông dân muốn sử dụng rất khó, nhất là giá bán của bẫy cao.

Đối với thí nghiệm dùng thuốc sinh học Metarhizium, ở thời điểm 7-14 ngày sau gieo, mô hình dùng nấm Metarhizium và đối chứng có mật độ sâu tương đương nhau (0,0-0,2 con/m2 và 0-1%). Ở thời điểm 21 ngày sau gieo, mật độ sâu của mô hình tăng 1,7 con/m2 và tỉ lệ hại tăng 14%, trong khi ở đối chứng mật số sâu và tỉ lệ cây bị hại thấp hơn 1,3 con/m2 và 9%.

Thời điểm 28 và 35 ngày sau gieo, mật độ sâu ở mô hình từ 0,4-0,7 con/m2, tỉ lệ cây bị hại tương ứng 3-6%. Lô đối chứng có mật độ sâu từ 0,5-0,7 con/m2, tỉ lệ cây bị hại 5-6%. Đến thời điểm 42 ngày sau gieo, mật độ sâu của mô hình và đối chứng tăng tương đương nhau (1,3 con/m2), tỉ lệ hại 9-10% (thời điểm này mô hình phun nấm Metarhizium lần thứ hai, trong khi đối chứng nông dân đã phun thuốc 5 lần).

Từ thời điểm 49-70 ngày sau gieo, mật độ sâu ở mô hình giảm 0,1-0,5 con/m2, tỉ lệ cây bị hại 1-5% (tuy cao hơn so với đối chứng nhưng chưa thấy ảnh hưởng nhiều đến năng suất). Như vậy, phun nấm Metarhizium có hiệu quả làm giảm mật độ sâu keo mùa thu gây hại, tuy hiệu quả thấp hơn so với thuốc hóa học nhưng ít tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường…

Phun nấm Metarhizium có hiệu quả làm giảm mật độ sâu keo mùa thu gây hại, tuy hiệu quả thấp hơn so với thuốc hóa học nhưng ít tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Ảnh: MH.

Phun nấm Metarhizium có hiệu quả làm giảm mật độ sâu keo mùa thu gây hại, tuy hiệu quả thấp hơn so với thuốc hóa học nhưng ít tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Ảnh: MH.

Về hiệu quả kinh tế, mô hình tại Phú Thọ cho thấy khi áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hơp sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) cho lợi nhuận cao hơn so với tập quán địa phương trên 9,3 triệu đồng/ha (hơn 334.000 đồng/sào).

Tại Đồng Nai, mô hình cho hiệu quả kinh tế tăng 3 - 4,6 triệu đồng/ha. Riêng mô hình trồng xen đậu khá tốn kém (giống và công gieo hạt 3,6 triệu đồng/ha). Bên cạnh đó, do đặc thù mật độ trồng ngô ở địa phương khá dày 75.000 - 85.000 cây/ha (ngô sinh khối) nên khi gieo trồng cùng thời gian cây đậu không phát triển kịp với ngô, dẫn tới không thu hoạch được đậu. Vì vậy, không có hiệu quả kinh tế so với tập quán địa phương.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.