| Hotline: 0983.970.780

Long bong, long bong...

Thứ Hai 01/03/2010 , 13:15 (GMT+7)

Đã bao đời nay người dân ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) dùng cách gõ long bong để đánh cá, tiếng long bong cứ truyền từ đời cha sang đời con, rồi tới đời cháu...

Những người đi đánh cá ở thôn Tân Lập thường vợ chồng đi làm với nhau, chồng chèo đò còn vợ bủa lưới. Cái nghề long bong này được truyền từ đời này sang đời khác

Đó là tiếng mái chèo vỗ vào mạn thuyền để xua cá chạy vào lưới. Đã bao đời nay người dân ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) dùng cách đó để đánh cá, tiếng long bong cứ truyền từ đời cha sang đời con, rồi tới đời cháu...

Nghề gia truyền

Trời chạng vạng tối, hai vợ chồng anh La Hợi và chị Trần Thị Hiền xách chiếc đèn pin cùng mái chèo, xô và một ít nước uống xuống đò chuẩn bị đi bủa lưới dọc theo con phá phá Tam Giang. Căn nhà chỉ còn lại bốn đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất mới 16 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi thay cha mẹ chúng ở lại giữ nhà. Từ khi họ lấy nhau, chỉ trừ những ngày mưa to gió lớn, lễ Tết, còn ngày nào sau bữa cơm chiều là hai vợ chồng cùng nhau đi bủa lưới như thế.

Chống chiếc ghe lướt nhẹ ra khỏi con kênh nằm ở bên làng, chỉ trong tích tắc chiếc ghe đã nằm lọt thỏm giữa mênh mong sóng nước. Chèo chiếc ghe ra gần tới của biển Thuận An, anh Hợi châm thuốc rít một hơi thật dài trong khi chờ chị Hiền chuẩn bị ngư cụ. Anh Hợi chèo ghe chầm chậm ngược dòng nước đổ ra cửa biển, chị Hiền ngồi phía trước bắt đầu bủa lưới. Chưa đầy 20 phút tấm lưới dài hơn 50 sải tay đã được họ bủa xong.

Châm thêm một điếu thuốc rồi rít mạnh vài hơi, vợ chồng anh lại chèo ghe lượn quanh nơi bủa lưới, vừa chèo họ vừa dùng mái chèo gõ mạnh vào mạn ghe. Tiếng long bong vọng ra giữa đêm mịt mùng nghe rõ mồn một. “Phải mần (làm) như rứa để cá sợ chạy vô lái (lưới). Mình ở trên ni nghe rứa chứ ở dưới nước nghe to lắm”, anh Hợi giải thích. Vòng quanh lưới để xua bầy cá chạy vào lưới cũng mất khoảng 30 phút, hai vợ chồng anh lại tạm nghĩ để chiếc đò tự trôi lững lờ theo dòng nước.

Gần 10 giờ đêm, giữa sóng nước manh mong gần cửa biển, tiếng long bong của những người đánh cá ở Tân Lập cùng lúc càng lớn hơn. Hàng chục chiếc đò đánh cá như thế của người dân thôn này tạo ra một âm thanh rất rõ giữa màn đêm tối. Khi việc bủa lưới và gõ vào đò đuổi cá xong, trong khi chờ gỡ cá họ lại chèo đò tới neo đậu ở một cái lăng nằm giữa phá để tạm nghỉ ngơi, nhiều người tranh thủ ngủ một giấc, có người lại hút một điếu thuốc để trò chuyện với nhau cho qua cơn buồn ngủ.

Nhiều người cứ gọi đùa ông Trần Văn Hồng là “lão cụt” vì ông bị cụt tay phải. Ông năm nay đã 53 tuổi, đi bủa lưới từ hồi 15 tuổi với cha mẹ, khi lập gia đình thì lão cùng vợ lại tiếp tục làm nghề này. "Lão cụt" một tay nên chỉ chèo đò, việc bủa lưới do vợ lão làm. “Tui cụt tay từ năm 22 tuổi, nhưng từ khi lập gia đình chỉ những ngày mưa bão chứ còn những ngày khác vợ chồng tui đều đi bủa. Mần rứa mới có cơm nuôi lớn 9 đứa con”. Nói rồi “lão cụt” rít một hơi thuốc thật sâu, ngửa cổ nuốt ực một ngụm nước thật to rồi chèo đò đi tới chỗ bủa lưới.

Chị Trần Thị Ngò (43 tuổi) làm nghề bủa lưới từ lúc mới 16 -17 tuổi. “Lúc trước cả nhà tui sống trên đò, cứ đếm mô cha mẹ đi bủa lưới là cả nhà đi theo. Đi mãi cũng biết nghề, đến khi lấy chồng thì hai vợ chồng lại làm cái nghề ni để nuôi con”, chị Ngò kể. Cả bốn lần mang thai nhưng lần nào trở dạ chị mới chịu ở nhà, đẻ xong chưa tới một tháng chị lại cùng chồng đi đánh cá. Chị kể: “Khi mang thai đứa con thứ hai được 7 tháng tui may chết ngoài cửa biển. Đêm đó hai vợ chồng đi bủa lưới gặp sóng biển to, gió mạnh, chiếc đò chèo đến kiệt sức cũng không vô (vào) đến bờ mà cứ trôi ra biển. Khi đò sắp chìm hai vợ chồng đánh liều cột phao quanh người rồi để trôi trên mặt biển. May mắn sóng biển đẩy hai vợ chồng trôi vô bãi ngang. Vì rứa nên chừ thằng con tui 18 tuổi rồi mà nhỏ lắm, như đứa 14-15 tuổi chứ mấy”.

Gần 12h đêm, mọi người bắt đầu di tản đi gỡ cá. Lần bủa cá đầu tiên hai vợ chồng anh Hợi thu được gần 5kg cá đuối, cá mú. Thu gọn xong, họ lại chống chèo tìm chỗ khác tiếp tục bủa lưới. Đêm khuya, tiếng long bong phát ra từ các con đò càng nghe rõ mồn một, át đi cả tiếng sóng vỗ rì rào ở ngoài cửa biển.

Phải điểm chỉ

Sau khi bủa lưới, họ tranh thủ nghỉ ngơi chờ gỡ cá

Gần 5h sáng, những người đánh cá từ đêm hôm qua mới bắt đầu trở về nhà cho kịp mang cá ra chợ bán. Trong khi đó, những người đi bủa cá ngày ở thôn Tân Lập bắt đầu một ngày làm việc. Ai ai cũng cơm đùm nước bới mang theo để bủa lưới cho tới chiều tối mới về nhà. Anh Hợi cho biết: “Nghề ni làm ngày hay đêm chi cũng được, người làm ngày thì đêm về ngủ, người làm đêm thì ngày ngủ. Cái nghề ni lúc có lúc không rứa đó, có cá thì được vài chục ngàn đồng, có khi bủa không được một con về kho ăn”.

Đứa con gái đầu La Thị Viền (16 tuổi) học chưa xong lớp một đã bỏ ở nhà giữ em. Chị Hiền trầm ngâm: “Nó nói cho nó ở nhà giữ em để ba mẹ đi làm, nhà nghèo quá nên nó không thích đi học”. Hơn 10 tuổi, Viền đi ở thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị Hiền bảo rằng thời gian tới Viền sẽ vào Đà Nẵng bán hàng thuê cho một người bà con.

Nhưng đó là đứa con duy nhất của vợ chồng anh chị Hợi được đến trường, 3 đứa còn lại, đứa thứ hai 15 tuổi, đứa thứ ba 12 tuổi chưa từng được đi học, còn đứa con cuối (7 tuổi) năm nay chỉ mới học mẫu giáo. “Mấy bữa trước thằng Só (đứa thứ 3) cũng đi học lớp một, đi được mấy bữa thì nó bỏ vì không chịu học với những đứa nhỏ 5-6 tuổi. Còn thằng Vời (đứa con cuối) ngày mô cũng đòi ở nhà. Trường học gần nhà nhưng buổi trưa không đón nó về vì sợ buổi chiều nó không chịu đi học lại. Hai thằng con trai lớn thất học chắc cũng theo cha mẹ làm nghề bủa lưới, còn thằng út thôi gắng cho nó học được chữ mô hay chữ đó”, chị Hiền kể.

Còn gia đình ông Trần Văn Hồng có 9 người con nhưng chỉ có 3 đứa được đi học, đứa học cao nhất chỉ mới hết lớp 4 đã bỏ. “Nhà nghèo nên con cái ít được đi học lắm, mấy đứa lớn lập gia đình giờ cũng làm nghề bủa lưới hết rồi. Mấy đứa nhỏ thì cũng đòi vô Sài Gòn làm thuê kiếm sống”, ông Hồng kể.

Trong 4 đứa con chị Trần Thị Ngò thì 3 đứa học chưa hết lớp 6 đã bỏ học, hiện còn đứa con gái cuối đang học lớp 6. “Ra Tết đến chừ ngày mô nó cũng đòi bỏ học để theo mấy đứa bạn trong xóm vô Sài Gòn làm nghề may. Nó thích vô đò vì mấy đứa bạn đi làm mỗi năm được 5-6 triệu, có tiền cho cha mẹ và mua sắm áo quần. Vợ chồng tui không biết chữ đã khổ rồi nên động viên cho nó học đến mô được đến đó, để cuộc đời nó đỡ khổ hơn”, chị Ngò tâm sự.

Ông Huỳnh Văn Ngợi, Trưởng thôn Tân Lập cho biết, toàn thôn có 167 hộ với 875 khấu, hơn 70% dân số làm nghề bủa lưới, số ít làm nghề đi biển. “Trước đây, người dân trong thôn đều sống trên đò, họ làm nghề sông nước, được nhà nước đưa về đây tái định cư từ năm 1999. Nghề bủa lưới của họ làm như là nghề cha truyền con nối, con cái 15-16 tuổi đã biết theo cha mẹ đi bủa lưới, biết lấy mái chèo gõ vào ghe xua cá vào lưới rồi”.

Theo ông Ngợi, ở thôn Tân Lập những người từ 25 tuổi trở lên hiếm có người nào biết chữ, mỗi lần làm giấy tờ đều phải điểm chỉ. “Nhiều người làm cha làm mẹ không nhớ nổi cả tên tuổi của con mình, có người đi làm giấy khai sinh cho con mà không phân biệt nổi chữ lót giữa nam với nữ, con mình là nam mà đặt chữ lót là “thị". Hiện làng có hơn 100 người vào nam làm thuê, đa số là bọn trẻ đang tuổi đi học. Vì nghèo khó nên nhiều đứa mù chữ, học cao lắm cũng lớp 6-7 thôi”.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.