
Lớp song ngữ Việt - Khmer của thầy giáo làng Thạch Kên - nơi nuôi dưỡng khát khao con chữ của bà con Khmer. Ảnh: Kim Anh.
Trong một góc nhỏ miền quê huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, có một lớp học đặc biệt được mở đều đặn mỗi chiều. Không bảng đen, phấn trắng trang trọng như trường lớp chính quy, nhưng nơi đây lại ấm áp bởi sự sẻ chia tình yêu thương và khát khao truyền dạy con chữ của một người thầy không chuyên mang tên Thạch Kên (ấp An Phú, thị trấn Kế Sách).
Chiều ngả bóng, dưới mái hiên nhà anh Thạch Kên lại rộn ràng tiếng học bài. Nền gạch trở thành chỗ ngồi, vách nhà là nơi treo bảng. Từng con chữ song ngữ Việt - Khmer được nắn nót viết lên, mở ra thế giới tri thức cho những người chưa từng có cơ hội cắp sách đến trường.
Dù chưa qua trường lớp sư phạm, nhưng với lòng nhiệt huyết, anh Thạch Kên đã trở thành người thầy đặc biệt của bà con. Thầy giáo làng quê ấy không chỉ dạy chữ mà còn tận tâm chỉ bảo kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giúp các em nhỏ lễ phép, biết cách hòa nhập với cộng đồng.
Lớp học được mở vào năm 2022 và được duy trì đều đặn từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, bắt đầu lúc 17h30 và 21h kết thúc. Anh Kên hiểu rằng hầu hết học trò của mình là con em gia đình nghèo, ban ngày phải phụ giúp cha mẹ mưu sinh.
Những đôi mắt háo hức dõi theo bảng chữ là mong muốn thay đổi cuộc sống từ những điều tưởng như đơn giản nhất – biết đọc, biết viết, biết giao tiếp tự tin hơn.

Ngoài học ngôn ngữ, lớp học của thầy giáo làng quê Thạch Kên còn tạo không gian vui chơi, giao lưu, giúp các em nâng cao kỹ thuật giao tiếp. Ảnh: Kim Anh.
Không chỉ dạy chữ cho trẻ em, lớp học còn chào đón cả những cô chú lớn tuổi. Chị Thạch Thị Ni (38 tuổi) bộc bạch, thuở nhỏ nhà nghèo chị chỉ học hết lớp 2. Suốt ngày làm ruộng, không rành tiếng Việt nên đi chợ hay đám tiệc gặp bà con người Việt chị rất ngại. Nhờ lớp học này mà chị Ni tự tin hơn, không còn rụt rè khi giao tiếp.
Còn em Thạch Hoàng Phúc (11 tuổi) hồn nhiên khoe rằng, trước đây em chỉ biết nói tiếng Khmer, nhưng đọc và viết thì không. Nhờ thầy Kên mà em đã có thể viết chữ của dân tộc mình.
Dành trọn tâm huyết, lớp học nhỏ của anh Thạch Kên đã thay đổi cuộc đời của nhiều người, giúp họ vượt qua rào cản ngôn ngữ, xóa đi sự ngại ngùng, tự ti để hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Anh Thạch Kên tâm sự, anh từng tốt nghiệp Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ. Dù không được đào tạo sư phạm nhưng anh đã tự mày mò giáo án, học hỏi từ các diễn đàn dạy học để mang đến những bài giảng dễ hiểu, gần gũi nhất.
Những ngày đầu mở lớp, anh gặp không ít khó khăn, số học trò chỉ đếm trên đầu ngón tay vì bà con còn e ngại. Nhưng chính sự kiên trì vận động, đến từng nhà trò chuyện, thuyết phục, dần dần người này truyền tai người kia, lớp học ngày một đông hơn.

Qua 2 năm qua, lớp học đã giúp hàng trăm học trò, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, tự tin hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Kim Anh.
Để duy trì lớp học, anh Thạch Kên đã làm nhiều nghề – từ nhận thầu xây dựng nhỏ đến đầu tư máy cắt lúa làm dịch vụ. Công việc vất vả là vậy nhưng mỗi buổi chiều, anh vẫn gác lại tất cả để trở thành người thầy của bà con.
“Giờ dạy học như niềm vui sau một ngày làm việc. Được nhìn học trò tiến bộ, thấy bà con tự tin hơn trong giao tiếp, tôi quên hết mệt mỏi,” anh Kên bộc bạch.
2 năm qua, lớp học của anh đã chắp cánh cho hàng trăm học trò, giúp các em người Khmer thông thạo tiếng Việt, còn những em người Việt cũng hiểu thêm về văn hóa Khmer. Nhờ đó, khoảng cách giữa hai cộng đồng ngày càng xích lại gần hơn.