| Hotline: 0983.970.780

Lúa gạo vào mùa bất ngờ 'sôi' giá

Thứ Ba 14/02/2023 , 08:26 (GMT+7)

Lúa đông xuân thu hoạch rộ cùng lúc thị trường bất ngờ tăng giá, trên cánh đồng lớn liên kết doanh nghiệp, lúa tốt và chất lượng được săn đón, cạnh tranh ráo riết.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang Ảnh Hữu Đức

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn của Công ty Trung An ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Ở ĐBSCL vừa thu hoạch xong mùa lúa sớm ở vùng ven biển tránh được mặn xâm nhập, bán được mùa gạo ra chợ Tết. Nông dân bán lúa trúng giá, nhất là nhóm giống lúa thơm, cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến gạo đóng túi bán ra thị trường nội địa để ăn tết.

Hai giống lúa ST24, ST25 canh tác vùng lúa-tôm, lúa ra hạt giá cao hàng đầu, trên mức 7.500 đ/kg. Tại một HTX lúa-tôm ở huyện Thới Bình (Cà Mau) gạo trắng ST24 xay xát đóng 5kg/túi giá 26.000 đ/kg chở  về Cần Thơ bán 30.000 đ/kg. Trong nhóm gạo thơm đang xây dựng thương hiệu như Gạo Ông Cua, với loại gạo ST25 thông dụng, trồng theo truyền thống, nhiều vụ trong năm đóng túi 5kg, giá 34.000 đ/kg.

Một số nông dân ở Sóc Trăng và các tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau sản xuất lúa thơm ST25 qua nhiều vụ trong năm cho biết, chỉ cần giá ổn định trên mức 7.000 đ/kg là đảm bảo có lãi khá, cao hơn so với các giống lúa khác. Thế nhưng cuối mùa lúa tết của một số nông dân xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) kém vui.

Sau 2-3 vụ trước làm ăn liên kết ngon lành với một doanh nghiệp chuyên làm hàng gạo thơm ST24, đột nhiên cuối vụ thu hoạch phía nhân viên báo lúa không đạt các chỉ số thuốc BVTV theo yêu cầu nên không thu mua. Trong khi lúa chín rộ buộc phải gặt nằm đồng, lại gặp mưa trái mùa. Tình thế buộc nông dân bán ra thương lái bên ngoài, so với giá thỏa thuận ban đầu giảm mất 1.000-2000 đ/kg.  

Dù vậy nông dân nhắm theo mùa gạo tết, dự đoán lúa đông xuân ở vùng phù sa ngọt vào vụ thu hoạch chính vụ giá cả có thể còn biến động. Đây là vùng lúa chuyên canh lớn nhất vùng và lúa vụ này mùa màng thời tiết thuận lợi, và cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất trong năm. Tuy nhiên hằng năm lúa đông xuân tăng hay giảm giá còn tùy theo sức hút thị trường xuất khẩu.

Từ sau Rằm tháng giêng đến nay trên khắp các cánh đồng lớn TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… lúa đông xuân (2022-2023) lần lượt vào mùa thu hoạch rộ. Nhưng khoảng một tháng trước đó dân cò lúa, thương lái đã chộn rộn rảo quanh các cánh đồng lúa chín gạ giá, đặt cọc, kể cả lúa trong vùng có hợp đồng ký liên kết cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Do thị trường đang “sôi giá” cao, nên hiện trên một số cánh đồng liên kết đã có doanh nghiệp cho biết khó đua tranh với thương lái và doanh nghiệp bên ngoài đang cần thu mua để xuất theo hợp đồng đã ký. Hơn nữa, vì doanh nghiệp tuy đã hợp tác liên kết sản xuất-tiêu thụ, nhưng do điều khoản cuối vụ thu mua theo giá thị trường nên đành chấp nhận để nông dân lựa chọn, bán lúa theo giá có lợi cho mình.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng: Trong tuần qua, giá lúa ở ĐBSCL hầu như chỉ có tăng. Một vài giống lúa cung hàng xuất khẩu phổ biến, thu mua từ sau tết đã tăng dần như: OM5451 vượt trên mức 6.600-6.600 đ/kg, lúa Đài Thơm hơn 6.800-6.900 đ/kg…

Đến nay, tuy mới khởi đầu mùa thu hoạch, nông dân càng được lợi khi giá lúa gạo tăng cao bình quân 300-500 đ/kg so với thời điểm tháng giáp tết. Còn một số  doanh nghiệp có thể gặp khó nếu các hợp đồng xuất khẩu đã ký nhưng trong kho chưa đủ lượng hàng cần xuất. Mặt khác, trong tình hình vốn vay tăng lãi suất, thị trường xuất khẩu sắp tới chịu tác động bởi tình trạng suy thoái kinh tế thế giới, diễn biến lúa gạo vào mùa sẽ khó đoán.

Hoạt động xuất khẩu gạo của công ty Trung An tại Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ Ảnh Hữu Đức

Hoạt động xuất khẩu gạo của công ty Trung An tại Quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.  Ảnh: Hữu Đức.

Trong hơn 10 năm qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những doanh nghiệp điển hình trong ngành hàng lúa gạo bền bỉ thực hiện liên kết sản xuất với HTX ở một số địa phương trong vùng.

Doanh nghiệp này xác định mục tiêu tập trung chuyên sâu vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại gạo thơm và chất lượng. Trong đó, Trung An chú trọng sản xuất lúa an toàn, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hướng hữu cơ và Organic đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gạo không có dư lượng hóa chất.

Công ty Trung An hiện dành riêng 800ha lúa tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ để đáp ứng khách hàng khó tính về chất lượng tại thị trường Mỹ, Nhật Bản. Trong đó có 200 ha đã được cấp chứng chỉ Organic của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Năm 2023, Trung An dự kiến xuất khẩu vào thị trường Mỹ 500 container gạo giá trị cao và kỳ vọng cùng nông dân thực hiện liên kết sản xuất bền chặt theo chương trình 1 triệu ha lúa ứng dụng công nghệ cao  xuất khẩu, do Bộ NN-PTNT khởi xướng.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.