| Hotline: 0983.970.780

Lúa mùa tái sinh + ớt đông sớm

Thứ Sáu 26/07/2013 , 09:52 (GMT+7)

Để cho hiệu quả cao đối với cây ớt đông, nông dân các vùng trồng ớt ở Quỳnh Phụ thường để lúa chét, cuối tháng 8 thu hoạch đã có quỹ đất trồng ớt đông sớm.

Ở Thái Bình, trong khi hầu hết các địa phương khẩn trương hoàn thành gieo cấy lúa mùa thì nông dân huyện Quỳnh Phụ lại tiến hành thu hoạch lúa chét (lúa tái sinh sau khi gặt lửng cây) để chuẩn bị quỹ đất cho vụ đông sớm ưa ấm.

VỤ SX CHÍNH

Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) Nguyễn Xuân Trường cho biết, nông dân trong xã  luôn vụ đông là vụ SX chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với lúa mùa, nhất là cây ưa ấm như ớt, ngô ngọt, rau các loại. Chính vì vậy, để sớm tạo quỹ đất SX, bà con đã để lúa chét sau khi gặt vụ xuân. Thời gian sinh trưởng, phát triển của lúa chét chỉ từ 45 - 50 ngày.

Ớt là cây ưa ấm, thời vụ trồng cho năng suất cao nhất khoảng 25/8 - 5/9 khi cây con đã được 25 - 30 ngày tuổi. Ở thời vụ này, ớt không những thu hoạch cho năng suất cao mà giá bán rất ổn định.

Vụ lúa xuân thường cho thu hoạch vào trung tuần tháng 6, nếu cấy vụ mùa phải chiếm đất từ 110 - 120 ngày mới cho thu hoạch, tức là cuối tháng 9 đầu tháng 10 mới trồng được ớt, song năng suất ớt chỉ bằng 50 - 60% so với vụ sớm và giá bán cũng thấp hơn.

Vì vậy, để cho hiệu quả cao đối với cây ớt đông, nông dân các vùng trồng ớt ở Quỳnh Phụ như Quỳnh Minh, An Ấp, Quỳnh Hội... thường để lúa chét, cuối tháng 8 thu hoạch đã có quỹ đất trồng ớt đông sớm.


Bón đạm cho lúa tái sinh 

Chị Mai Thị Thu Hương, Trung tâm Khảo nghiệm, Khuyến nông Thái Bình chia sẻ, Quỳnh Hội là một trong những địa phương có truyền thông trồng ớt đông và các cây màu có giá trị kinh tế cao.

Với tổng diện tích cấy lúa 400 ha, hằng năm xã có hơn 100 ha cây vụ đông là ớt. Trồng ớt kim (ớt quả nhỏ) trung bình thu được 4 - 5 tạ/sào, giá rẻ cũng được 20.000 đ/kg, trừ mọi chi phí cũng thu được 6 - 7 triệu đ/sào trong khoảng thời gian 100 ngày. Với mục tiêu hơn 100 ha trồng ớt mỗi năm và tính toán hiệu quả kinh tế, nông dân nơi đây đã chủ động để lúa chét từ năm 2011.

Tuy nhiên, cách làm lúa chét của các hộ nông dân ở Thái Bình không giống nhau và năng suất còn phụ thuộc vào thời tiết từng năm. Nếu sau gặt có mưa như vụ mùa 2012 ruộng cắt sát gốc rạ năng suất cao hơn hẳn.

Hộ anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Phụng Công (Quỳnh Hội) chia sẻ: Sau khi gặt lúa xuân, để lại gốc rạ cao 35 - 40 cm (tính từ mặt ruộng), bón 3 - 4 kg đạm; 2 kg kali cho 1 sào vụ mùa 2012 trên 3,5 sào lúa BT7 thu được 4,5 tạ thóc. Cùng thôn, anh Nguyễn Duy Việt lại gặt lúa xuân cắt sát gốc rạ (cao khoảng 10 -15 cm), sau đó bón 6 kg đạm; 3 kg kali cho 1 sào thu được tới 172 kg thóc.

Trước thực tế trên, vụ mùa năm 2013 Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Phụ đã tiến hành theo dõi thí nghiệm các phương thức cắt gốc rạ cao thấp khác nhau: Cắt sát gốc rạ, cắt cao 20 -25 cm, cắt cao 35 - 40 cm và bón các công thức phân bón khác nhau để xác định hiệu quả của từng công thức.

Qua theo dõi kết quả bước đầu cho thấy, lúa chét tuy bông bé nhưng số bông/khóm cao hơn nhiều so với lúa cấy. Lúa cắt sát gốc rạ đẻ khỏe, có tiềm năng năng suất cao hơn các công thức khác. Trạm tiếp tục theo dõi, lấy số liệu chính xác để hoàn thiện qui trình cho nông dân các vùng có nhu cầu giải phóng quỹ đất sớm trồng cây màu vụ đông sớm có giá trị kinh tế cao.

MỘT HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI

Hiện tại, Thái Bình mới chỉ có một số xã đưa lúa chét vào để tạo qũy đất sớm trồng ớt, lạc, ngô, khoai lang... vì vẫn còn một số tồn tại như năng suất bấp bênh, sâu bệnh lây lan cho lúa mùa, việc điều tiết nước, công tác bảo vệ SX còn nhiều khó khăn....

 Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nếu để lúa chét cần quy hoạch vùng, điều tiết nước và bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để thuận tiện cho quản lý và chỉ đạo SX.

Nếu làm được như vậy, đây cũng là một hướng đi theo mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành, cụ thể chuyển các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây như ớt, ngô, khoai... tăng thu nhập cho nông dân.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, người từng là PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình thì cho rằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực trồng trọt là một chủ trương có ý nghĩa và đúng hướng trong bối cảnh hiệu quả SX ngành trồng trọt ngày càng giảm thấp; đặc biệt là lĩnh vực SX lúa gạo khi thị trường tiêu thụ khó khăn, giá thấp, đầu vào cao, lãi mà nông dân thu được từ SX lúa gạo không còn hấp dẫn.

Mâu thuẫn nội tại trong bản thân ngành nông nghiệp đó là gạo thì thừa, xuất bán khó trong khi các sản phẩm khác (ngô, đậu tương..). lại phải nhập nội. Tuy nhiên, áp lực từ việc duy trì 3,8 triệu ha đất lúa khiến ngành trồng trọt trở nên cứng nhắc. Vậy làm gì vẫn đảm bảo duy trì đất lúa đảm bảo an ninh lương thực, nhưng không ảnh hưởng đến việc thực thi Nghị quyết của Quốc hội?

“Chúng ta nên hình thành khái niệm về chuyển đổi mềm trong lĩnh vực trồng trọt. Làm sao đất lúa vẫn giữ và gieo cấy 1 -2 vụ nhưng hiệu quả tăng lên nhiều lần. Để lúa chét, hiệu quả cao hơn vụ lúa mùa, nhưng chuỗi vụ đông kế tiếp mới là mấu chốt.

Quỹ đất có sẵn cho việc chủ động đưa các tiến bộ về cây có giá trị kinh tế cao vào, thu nhập của nông dân tăng cao gấp 5 - 10 lần so với cấy lúa mùa. Tạo dựng vùng nguyên liệu (ngô, đậu tương..) với cơ hội đưa các giống dài ngày hơn, tiềm năng cao hơn, áp dụng kỹ thuật mới (trồng dầy...) đưa năng suất lên mức cao nhất... Đó sẽ là giải pháp thuyết phục với nông dân để họ tự nguyện nguyện chuyển đổi.

Việc cần làm hiện nay là các viện nghiên cứu, các nhà khoa học nông nghiệp, cơ quan chuyển giao phải làm gì, làm thế nào để chính sách đó nhanh chóng đi vào thực tiễn”, ông Định nêu ý kiến.

“Lúa tái sinh có thể phát triển ở những vùng đất trũng, vụ HT thường bị ngập lụt vào thời kỳ thu hoạch (khoảng từ ngày 10/9 trở đi), nếu diện tích thường bị ngập lụt gieo cấy không ăn chắc, có thể sử dụng biện pháp để lúa tái sinh.

Tuy nhiên, diện tích làm lúa tái sinh cần quy hoạch vùng tập trung, liền vùng và quy mô ít nhất từ 5 ha trở lên để thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Viện Di truyền nông nghiệp đang nghiên cứu, chuyển giao các giống lúa có khả năng tái sinh cao, năng suất đạt 4 - 5 tấn/ha (140 - 170 kg/sào), gạo ngon vào các năm tới, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, tăng hiệu quả SX”, PGS.TS Mai Quang Vinh, Viện Di truyền nông nghiệp.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất