Đó là luật tục của tộc người Chơro ở rừng Mã Đà, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tập tục ấy vẫn đang được lưu giữ đến ngày nay.
Lưu truyền bao đời
Từng có nhiều dịp đến với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thấy chuyện lấy vợ, lấy chồng là người cùng dòng họ, thậm chí cận huyết, là khá phổ biến. Vì thế, khi nghe già làng Tơ Tơ (già làng Nguyễn Văn Nổi, hay Năm Nổi), pho từ điển sống về đồng bào Chơro, nói, đó là điều tối kỵ của người Chơro ở Phú Lý này, tôi không khỏi ngạc nhiên.
Già làng bảo: “Hai người cùng họ, thì cách bao nhiều đời cũng không thể lấy nhau. Nếu lấy nhau sẽ bị trời đánh. Đó là một trong những luật tục có từ bao đời nay của người Chơro rồi. Khi đến tuổi kết hôn, con trai Chơro phải đi rất xa, đến các bản làng khác để tìm người phụ nữ cho mình. Còn con gái, chịu nhiều thiệt thòi hơn vì đôi chân không khỏe như con trai, không thể đi, mà đợi con trai nơi khác tìm đến".
Chỉ vào bà Hồng Thị Lịch, vợ mình, già làng cười bảo: “Ngày xưa tôi phải đi rất xa mới bắt được bà ấy về đấy”.
“Già làng có biết nguồn gốc của luật tục này không?”, tôi tò mò hỏi. “Biết chứ”, già làng Tơ Tơ đáp và kể tiếp: “Người Chơro có 2 họ lớn là Chrau Lun (Chrau là Chơ ro, còn Lun là cá sấu) và Bi Cu (cây gõ mật). Ngoài ra còn một số họ khác ít người, sống ở nhiều nơi khác như Chư La, Bô Glao, Chư Giá… Mỗi họ là một gia đình.
Già làng Tơ Tơ (Năm Nổi), pho từ “điển sống” của người Chơro ở rừng Mã Đà đang kể chuyện tập tục xưa của người Chơro
Nói về nguồn gốc của họ Chrau Lun, già làng kể, theo truyền thuyết thì ông bà tổ của người Chơro xưa, trong một lần đi rừng, bị một dòng nước lạ bất ngờ phun trào giữa rừng thành con sông lớn, cuốn cả 2 người trôi đi mãi, ra tận biển lớn mênh mông nước.
Sau đó, một con cá sấu đã thành tinh, nổi lên, kêu họ ngồi lên lưng, rồi bơi dọc dòng sông về tận nơi ông bà bị nước dâng lên cuốn đi. Trước lúc chia tay, hai ông bà cảm ơn cá sấu, nói lời từ biệt và hứa không bao giờ quên ơn. Cá sấu nói: “Từ nay, chúng ta kết nghĩa anh em, ông bà và con cháu ông bà không được ăn thịt chúng tôi. Nếu không, cả dòng họ của ông bà sẽ chết hết”.
Kể từ đó, con cháu người Chơro không ai được ăn thịt cá sấu nữa. Đồng thời, để tỏ lòng biết ơn con cá sấu, người Chơro lấy họ mình là Chrau Lun.
Họ Chrau Lun là cùng một cha mẹ sinh ra, vậy làm sao lấy nhau được. Để biết có thể lấy nhau được hay không, khi lớn lên, trai gái gặp nhau chỉ cần hỏi nhau có ăn thịt cá sấu không, nếu một trong 2 người nói không, thì họ có thể lấy nhau được, vì không cùng họ.
Luật tục của người Chơro rất nghiêm khắc, nó vẫn được lưu truyền từ xa xưa qua nhiều đời con cháu. Nó cấm tất cả con trai con gái cùng dòng họ không được lấy nhau. Chính vì thế, người Chơro có thói quen, mỗi khi đi đến nơi xa lạ, họ hay hỏi về dòng họ của nhau.
Người Chơro theo chế độ mẫu hệ, người đàn ông phải về nhà vợ ở, khi đi, chỉ mang theo cây ná, cây xà gạc, chiếc gùi và con dao đi rừng. Nếu như người vợ chẳng may qua đời thì người chồng phải trở về nhà mình. Nếu không chịu về thì nhà vợ có quyền đuổi người con rể này ra khỏi nhà. Và khi trở về cũng sẽ chỉ mang theo những dụng cụ làm rẫy, săn bắn mà mình đã mang tới.
“Bây giờ, việc kết hôn, cưới xin của người Chơro đã thay đổi nhiều so với trước đây, nhờ tiếp xúc với văn hóa tiến bộ của người Kinh, rồi con cháu người Chơro ra ngoài nhiều nên tiến bộ rồi, không còn nhiều hủ tục nữa. Nam nữ tìm hiểu nhau dễ dàng hơn trước. Ngày xưa, chẳng bao giờ có chuyện bỏ nhau, vì những cặp vợ chồng không muốn chung sống với nhau phải nộp phạt rất nặng, ngoài khả năng của họ, nên chẳng ai dám. Ngày nay, chỉ cần không hợp nhau là chia tay, chẳng phải nộp đồng nào. Nhưng riêng chuyện lấy người cùng họ thì vẫn là điều cấm kỵ đối với người Chơro”, ông Nguyễn Đình Biên, Trưởng ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý. |
Người Chơro không cho phép vợ chồng bỏ nhau, nhưng nếu một người mất thì người kia được phép đi lấy người khác. Chỉ có điều những năm trước đây, khi bộ tộc này còn sống khép kín giữa rừng sâu, một thanh niên Chơro muốn tìm “một nửa” của mình cũng không hề đơn giản, huống chi là kết hôn lần thứ hai.
Vẫn "vượt rào"
Ngày xưa, người Chơro ở đây chỉ có mấy chục nóc nhà, cũng là từ một cha mẹ sinh ra, cùng dòng họ nên không thể lấy nhau. Khi đó, không có điều kiện đi ra ngoài để tìm vợ tìm chồng, nên nhiều người phải ở vậy suốt đời.
Người Chơro quan niệm rằng, nếu ai phạm luật lấy người cùng họ thì thì sẽ bị trời đánh, và bị dân làng phạt rất nặng bằng cách ăn cơm chung máng với heo. Già làng sẽ là người chủ trì buổi tế phạt này cùng hội đồng già làng, trước sự chứng kiến của gia đình đôi trai gái và dân làng. Họ chọn một bãi đất bằng phằng, đôi nam nữ bị trói, quỳ trước một đống lửa đang cháy, rắc ớt vào bắt họ hít cho sặc.
Sau đó, họ bị bắt ăn cám chung máng với một con heo, không được dùng tay. Khi hai người và con heo đang ăn, già làng dùng con dao sắc, cầm bằng tay không thuận chặt đôi con heo. Nếu con heo đứt làm hai nửa thì coi như hai người sẽ không còn tiếp tục quan hệ với nhau.
Nếu hai nửa con heo không đứt hẳn thì người dân cho rằng, dẫu chia rẽ thì họ vẫn có thể dan díu với nhau. Vì vậy, họ sẽ bị đuổi đi khỏi làng, mãi mãi không được quay về nữa.
Do có nhiều nam nữ không thể tìm được vợ chồng, nên từng có lúc, dân làng cố tình “làm ngơ” cho đôi trai gái cùng họ lấy nhau. Nhưng, sau đó, trong họ chẳng may xảy ra nhiều chuyện không hay. Nên nhiều người làng cho rằng, nguyên nhân là do đôi trai gái cùng họ lấy nhau nên bị tổ tiên, ông bà, thần linh quở phạt. Thế là, cặp vợ chồng lấy nhau cùng dòng họ sẽ bị lôi ra trị tội và bắt buộc phải chia tay nhau.
Nhờ có sự giao thoa mọi mặt với các vùng miền và sự quan tâm của Nhà nước, người Chơro hiện không còn hủ tục, lạc hậu như xưa nữa
Giọng trầm buồn, già làng Tơ Tơ kể, từng có không ít những đôi trai gái Chơro phải ngậm ngùi xa nhau vì không dám vượt qua luật tục, dù họ từng tìm hiểu rồi say đắm nhau. Còn có những cặp khác trong làng, bất chấp luật tục, đến với nhau. Sau khi chấp nhận “thi hành” hình phạt, họ dắt nhau đi khỏi làng sinh sống.
Sau này, người làng đi xa cũng từng gặp những cặp bỏ làng đi và đã sinh nhiều con và khỏe mạnh, không bị “trời đánh” như lời nguyền.
“Bây giờ, những tục này không còn “linh” như hồi trước nữa. Vì trai gái Chơro đi thoát ly nhiều, chúng nó học hỏi bên ngoài. Rồi về tác động đến dân làng, nên luật tục này đang dần mất đi. Cho nên, việc lấy vợ, lấy chồng bây giờ cũng dễ hơn rồi. Nhưng nói như thế không có nghĩa là trai gái Chơro cùng họ có thể lấy nhau. Truyền thống cha ông của người Chơro vẫn phải giữ”, già làng nói.