Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc diễn tập đổ bộ. Ảnh: ECNS. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/1 tuyên bố không từ bỏ biện pháp dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Chỉ vài ngày sau, ông Tập tiếp tục yêu cầu quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực, làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ phát động một chiến dịch quân sự để thu hồi Đài Loan trong thời gian tới.
Lo ngại này không phải là không có cơ sở, bởi giới quan sát cho rằng ông Tập luôn coi mục tiêu thống nhất Đài Loan sẽ là thành tựu lớn nhất của mình, giống như những người tiền nhiệm đã đạt được khi thu hồi Hong Kong, Macau.
"Ông Tập có lập trường càng cứng rắn hơn với Đài Loan sau khi Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh thất bại trong cuộc bầu cử năm 2016 ở hòn đảo này", Wendell Minnick, chuyên gia phân tích quân sự ở Đài Loan, nhận định. "Chủ tịch Trung Quốc coi 2020 là hạn chót để đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa quân đổ bộ chiếm Đài Loan hoặc quay lại bàn đàm phán".
Lực lượng phòng vệ Đài Loan gần đây cũng phải đưa ra những chiến thuật mới để tiến hành một loạt cuộc tập trận nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc tiến hành chiến dịch đổ bộ quy mô lớn. Cuộc tập trận mô phỏng tình huống quân đội Trung Quốc tiến đánh thành phố Đài Trung sẽ được Đài Loan tổ chức vào ngày 17/1.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng dù ông Tập ngày càng đề cập nhiều hơn đến việc dùng biện pháp quân sự để thu hồi Đài Loan, năng lực phòng thủ của hòn đảo cùng sự hỗ trợ của Mỹ có thể khiến chiến dịch đổ bộ qua eo biển của Trung Quốc thất bại thảm hại, theo Asia Times.
Michael Beckley, phó giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ.
Thiết giáp Trung Quốc rời tàu đổ bộ trong cuộc diễn tập năm 2015. Ảnh: ENCS. |
"Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan", Beckley nhận định.
Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc.
Theo đó, thay vì tìm cách chiếm ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc.
Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất.
Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực.
"Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển", Beckley đánh giá.
Tên lửa diệt hạm Đài Loan khai hỏa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: CNA. |
Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương.
Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc.
Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân. Ngay cả Mỹ cũng không thể làm được điều đó khi phát động tấn công các đối thủ yếu hơn nhiều như Iraq năm 1991 hay Serbia năm 1999.
Quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc.
Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sâu bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro lớn về con người và vũ khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo.
Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.
"Dù có giọng điệu cứng rắn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không dùng vũ lực với Đài Loan do tính rủi ro lớn của chiến dịch. Thay vào đó, Bắc Kinh dường như sẽ tiếp tục chiến lược thống nhất hòa bình trong thời gian tới", Beckley nhấn mạnh.