| Hotline: 0983.970.780

'Ma nữ' và già làng

Chủ Nhật 30/08/2015 , 07:24 (GMT+7)

Đồng Nai Thượng có gần 100% dân là người Mạ, Stiêng..., trước đây là vùng căn cứ kháng chiến rất nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng. 

Ở đó có một nhân vật nữ du kích là dũng sỹ diệt Mỹ rất lẫy lừng tên là Điểu Thị Lôi mà kẻ địch từng gắn cho bà cái biệt danh “ma nữ”.

Ở đó còn có một già làng người Kinh chính hiệu tên là K’Quy do dân làng đặt cho (còn tên thật của ông là Nguyễn Văn Quy).

Xã Đồng Nai Thượng nằm phía tận cùng của huyện Cát Tiên - huyện tận cùng của tỉnh Lâm Đồng, giáp với tỉnh Bình Phước. Từ Đà Lạt muốn đến được Cát Tiên phải vượt gần hai trăm cây số theo quốc lộ 20 đến đoạn thị trấn Madaguoil (huyện Đạ Huoai) rồi rẽ trái hơn 40km.

Từ trung tâm huyện Cát Tiên, tiếp tục rẽ trái thêm một lần nữa và đi khoảng 40km tiếp theo với vòng vèo qua nhiều cánh rừng già mới đến được xã Năm (Đồng Nai Thượng) anh hùng.

Chuyện trong kháng chiến

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị Điểu Thị Lôi (Năm Lôi). Chị năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng trông vẫn còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát... và đặc biệt là vẫn còn đủ sức để “nhu rnơm” (uống rượu cần) với khách đến “chếnh choáng men rừng” mới thôi.

07-41-52_dsc01495
Nhu rnơm - uống rượu cần

Buổi trưa, lúc dân làng làm lễ đón khách, chị Năm Lôi mặc bộ quân phục trên ngực áo lấp lánh những tấm huân huy chương. Chiếc áo với những tấm huân huy chương đó tôi biết chị chỉ mặc trong những buổi lễ trọng. Hơn hai mươi năm trước, lần đầu tiên gặp chị, tôi chỉ được chị mở tủ lấy chiếc áo ra... khoe chứ không mặc.

Bữa đó, chị bảo: “Mình là du kích nữ, theo kháng chiến từ hồi còn con gái vừa mới lớn, chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi thôi. Ở xã Năm, nhiều người cũng như mình làm cách mạng để đánh đuổi Mỹ, để dân làng bình yên. Chuyện cũng bình thường thôi mà. Có điều, thằng Mỹ thằng ngụy lại gọi mình là ma nữ...”.

Trong bữa tiệc đón khách, chị Năm Lôi ngồi kề bên Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu (vừa về hưu) và nguyên Bí thư Đồng Nai Thượng Nguyễn Văn Quy (anh Hai Quy, “già làng” K’Quy). Tôi ngồi ở bàn kế bên.

Chị Năm Lôi đứng dậy sang bàn bên cạnh, đặt tay lên vai tôi và hỏi han nhiều thứ, rồi bảo tôi chuyển lời thăm hỏi của chị đến một vài người là dân báo chí đã từng đến với Đồng Nai Thượng.

Tôi cất lời: “Trông chị mặc bộ quân phục lúc này chẳng khác nào lúc hai chị em mình đi Gia Lai (hồi năm 2005). Chị chẳng già đi chút nào hết!”. Chị cười và vung tay đập mạnh lên vai tôi: “Nhưng mà hồi con gái mười sáu cái mùa rẫy thì khác đấy!”.

Tôi hiểu, ý chị muốn nói cái thời lặn lội giữa rừng sâu ở xứ sở thần linh của người Mạ Đồng Nai Thượng để nuôi cán bộ, để cùng với cán bộ đánh Mỹ.

Câu chuyện về chị Năm Lôi cùng du kích Điểu K’Lôi (nay là già làng K’Lôi) lọt vào ổ phục kích của địch hồi gần năm mươi năm về trước cứ như là một huyền thoại vậy! Bữa đó, Năm Lôi cùng Điểu K’Lôi từ rừng về buôn tổ chức dân đưa gạo tiếp tế, xong nhiệm vụ, cả hai cùng trở lại rừng thì lọt thẳng vào ổ phục kích của địch.

Ngay khi tiếng súng đầu tiên phát ra từ một nòng AR15, cả hai du kích Năm Lôi và Điểu K’Lôi nhanh như hai con sóc rừng lặn xuống bên một tảng đá lớn rồi nhanh chân luồn qua một triền đồi và bọc lên trên, phía sau toán biệt kích. Kẻ địch mất dấu mục tiêu, nổ vu vơ vài tiếng M16.

Bỗng từ phía sau của kẻ địch, đồng loạt hai họng súng AK nổ giòn. Mấy tên giặc ngã khụy. Rồi, bỗng im bặt. Mấy tên địch còn sống xông lên, men theo hướng vừa phát ra tiếng súng. Mùi thuốc súng AK vẫn còn vương vất nhưng không thấy cộng sản đâu cả, toán địch ngơ ngác nhìn quanh.

Đúng vào lúc ấy, bỗng đồng loạt hai họng súng AK nhả đạn từ hai phía chênh chếch theo thế gọng kìm. Dăm tên địch lại gục xuống. Và sau đó là im bặt! Năm Lôi và Điểu K’Lôi đã nhanh chân rút xa lên núi.

Về sau, kẻ địch nhiều lần tổ chức hành quân với mục đích “tiêu diệt trọn ổ nhóm Việt cộng Đồng Nai Thượng nhưng không thành công. Lúc thì dân làng “tiêu thổ kháng chiến”, lúc thì chỉ có người già và trẻ nhỏ nên kẻ địch không làm gì được.

Cũng có lúc địch huy động cả máy bay từ Đồng Nai, Bình Phước sang để tìm diệt nhưng núi rừng Đồng Nai Thượng, xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng chở che một cách chắc chắn những dấu chân trần của những du kích xứ này.

Nữ du kích Điểu Thị Lôi ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng được phong dũng sỹ diệt Mỹ tự những năm đó! Và, chị Năm Lôi của xứ sở Mạ thần linh trở thành “ma nữ” giữa rừng già trong mắt kẻ thù là vậy!

Múa võ bằng xà beng

Mấy hôm ở Đồng Nai Thượng, tôi có nhiều lần đến nhà anh Hai Quy. Cứ rảnh tí là anh Sáu Đẩu Bí thư Huyện ủy Cát Tiên lúc ấy lại rủ tôi đến nhà anh K’Quy ở gần trụ sở UBND xã Đồng Nai Thượng.

Ngôi nhà anh Hai Quy bây giờ được xây kiên cố rồi chứ không còn tranh tre nứa lá như cách nay hơn hai chục năm tôi vào. Anh Hai Quy còn bảo với tôi, hôm nào rảnh, vào đây ở lại nhiều ngày mà câu cá. Cá trong hồ nhà anh bây giờ nhiều loại lắm, cứ thả cần xuống là giật.

Tôi cười: “Thế thì chỉ cần vác rổ xuống mà xúc chứ câu làm gì cho... mang tiếng!”. Anh cũng cười: “Biết làm sao được, cá mẹ đẻ cá con, cá lớn cá bé cứ gọi là nhóc cả ao mà!”.

Anh Sáu Đẩu nói vui: “Cá nhà ông Hai Quy nặng đến năm, bảy chục ký, chỉ để chưng thôi!”. Nghe anh Sáu Đẩu nói vui, tôi giật mình nhận ra mái đầu anh Hai Quy mới đó mà đã trắng phếu.

07-41-52_dsc01492
Già làng K’Quy (Nguyễn Văn Quy) - người ngoài cùng bên trái

Hồi lần đầu tiên tôi vào xứ sở thần linh của người Mạ Đồng Nai Thượng, Hai Quy vẫn còn sung trẻ lắm. Dạo đó, chắc anh chỉ mới trên dưới bốn mươi.

Chuyện của K’Quy (tên thân mật được dân làng đặt cho anh Nguyễn Văn Quy) ngày cũ hiện về trong tôi: Sau khi định cư nhóm dân miền Trung vào Cát Tiên, anh Hai Quy lội rừng vào với thôn Năm (Đồng Nai Thượng) rồi lập trại xây nhà và... làm Bí thư xã.

Một già làng thấy bỗng dưng có một Kon Duôn (người Kinh) lừng lững ngạo mạn khẳng định chủ quyền của mình ở xứ sở thần linh đã vác xà gạt đến gặn hỏi: “Kon Duôn kia là ai, ai cho phép đến xứ sở này làm nhà? Kon Duôn này xem ra không sợ cọp beo, cũng không sợ cái xà gạt này?”.

Hai Quy vốn là dân cách mạng nòi và là dân Bình Định võ nghệ đầy mình nên đã múa mấy đường quyền bằng cây xà beng sẵn trong tay rồi hỏi lại già làng: “Tôi vào đây là để giúp bà con mình trồng cái cây điều để đổi lấy gạo, giúp bà con mình đào cái giếng để là lấy cái nước nấu cơm, cọp beo nào dám ăn thịt tôi, cái xà gạt nào dám lia ngang cái đầu tôi?”.

Nhìn Hai Quy đi mấy đường võ, già làng cảm phục. Hôm sau, già làng sai mấy chục thanh niên trong làng đến dựng nhà giúp cho Hai Quy.

Ngày ấy, anh Hai Quy là Bí thư Chi bộ, chị Năm Lôi là Phó bí thư. Công cuộc vận động bà con trồng cây điều gian khó vô cùng. Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Trần Đình Nhung lúc bấy giờ gần như van bà con dân làng rằng hãy trồng lấy cây điều mà cải thiện đời sống chứ cứ bám riết cái nương cái rẫy thì biết đến khi nào mới đủ ăn.

Ban đầu, chẳng mấy ai nghe theo. Anh Hai Quy nói với bà con: “Cái bắp trên nương chỉ là tạm thời. Cái hạt cây điều mới đổi đủ gạo để mà còn nhu rnơm!”. Mà, trồng cây điều là phải bón phân. Ban đầu, tuy có nghe lời ông cán bộ người Kinh K’Quy, bà con có phát đồi dọn nương trồng cây điều nhưng lại không chịu bón phân. Vì, nếu xem cây điều giống như cây lúa thì bón phân sẽ làm dơ bẩn cái cây đổi hạt gạo, nên bà con không được phép làm.

Đã đến lúc chị Năm Lôi “ra tay”: “Cái phân của con bò con trâu cho cây điều cũng giống như thức ăn thức uống hằng ngày cho con người vậy. Kon Chau (người thiểu số) mình hằng ngày phải ăn, phải uống. Cái cây điều đổi gạo cũng thế, nó cũng phải uống, phải ăn hằng ngày chớ!”.

Vừa nói, chị Năm Lôi vừa làm mẫu để bà con noi theo. Và cuối cùng, hơn sáu trăm hecta điều ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng như một phép màu... Rồi, đến lúc đào cái giếng để lấy nước sinh hoạt, dân làng bảo làm như thế thì động đến thần rừng, sợ thần quở phạt.

07-41-52_dsc01544
Chị Điểu Thị Lôi căn dặn lớp cháu con phải biết giữ gìn truyền thống của dân tộc mình

Anh Hai Quy giải thích cho bà con: “Có cái nước gần nhà để đỡ vất vả cho phụ nữ, khỏi phải đi lấy nước ở xa. Có cái giếng, nước ngay sát nhà lúc nào cũng có. Trước khi đào cái giếng, mình làm con gà xin phép thần rừng, thần rừng đồng ý thì không còn gì phải lo lắng cả”.

Có thể nói, cây điều và cái giếng nước ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước thực sự là một cuộc cách mạng. Đó có thể xem như là một huyền thoại trong đời thường nối tiếp những huyền thoại trong chiến tranh của người Mạ, người Stiêng ở xứ sở Đồng Nai Thượng. Và, những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng ấy là những “mũi nhọn” K’Quy, Điểu Thị Lôi...

Tôi bất giác nhìn lên hai mái đầu của hai con người ấy. Mới đó mà tóc trắng đã phủ khắp... Và, đó là nền tảng cơ bản nhất để xứ sở thần linh người Mạ, người Stiêng... Đồng Nai Thượng phát triển đến tận giờ, để đói nghèo thực sự lùi xa...

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm