| Hotline: 0983.970.780

“Ma núi” Hoàng Liên

Thứ Tư 10/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Có người gọi ông là “người rừng”, nhưng tôi thì gọi ông là “ma núi” Hoàng Liên. Bởi không chỗ nào trong Vườn quốc gia Hoàng Liên là không in dấu chân ông…

Và cũng chính ông là người tìm ra con đường ngắn nhất lên đỉnh Phan Xi Păng. 

Tôi không nhớ mình đã vượt đèo Ô Quy Hồ bao nhiêu lần, đây là một trong “Tứ đại đèo” hiểm trở bậc nhất vùng Tây Bắc, nơi quanh năm mây mù bao phủ. Mỗi lần qua đây tôi đều nhớ tới ông Trần Ngọc Lâm, người đã nhiều năm sống trên đỉnh đèo này trồng cây thuốc tự chữa bệnh ung thư theo bài thuốc của nhà sư Tây Tạng.

Rừng là ân nhân của “ma núi”

Cách nay vài năm, trong phóng sự “Người tự chữa bệnh ung thư theo bài thuốc của nhà sư Tây Tạng”, tôi đã viết về ông Trần Ngọc Lâm người sinh ra và lớn lên ở Sa Pa (Lào Cai) vốn là lính lái xe Trường Sơn. 

Năm 1991 sau khi phát hiện bị ung thư phổi, các thầy thuốc đã bảo ông: Nếu thuốc men tốt thì sống được vài năm... Nhưng khổ nỗi ông chẳng có tiền để chữa trị, đành phó mặc cho số phận.

Ông sang Trung Quốc thu mua sắt vụn, trong một lần đụng độ với Lừu Cẩm Sì, một trùm bảo kê khu vực biên giới, ông đã quật gãy cổ hắn rồi ôm đầu máu chạy về Việt Nam. Điều không ngờ Lừu Cầm Sì lại cho người sang tận Lào Cai mời ông sang, hai người kết nghĩa làm anh em rồi giới thiệu ông cho Voòng Lù Pao - trưởng đoàn xe xuyên Á.

Voòng Lù Pao có mấy chục chiếc xe chạy lên phía Bắc qua lãnh thổ Mông Cổ sang Nga, hoặc xuôi xuống phía Nam trả hàng các tỉnh miền bắc Thái Lan rồi qua Miến Điện, Nê Pan hoặc vượt qua sa mạc hay những dãy núi cao chất ngất quanh năm tuyết phủ của dãy Hymalaya tới Ấn Độ, sang Pakistan, Afghanistan…

Trên đường đi ông gặp một nhà sư tên là Uriang Khađa trên dãy núi Tây Tạng, nhà sư đã mời ông lên núi hái lá thuốc chữa bệnh. Tại đây ông đã học được cách chế biến bài thuốc Mỹ nhân thang để chữa trị cho mình.


Vườn quốc gia Hoàng Liên từ thị trấn Sa Pa nhìn lên

Thang thuốc bao gồm: Thúc cốt lam, Bạch xà hoa, Mộc hoàng cô, Giảo thiều kê, Đoái tâm hồng, Giảo cổ lam, Địa tàng thiên, riêng cây thuốc Ngũ trảo long ông phải xin nhà sư Uriang Khađa một ít hạt giống về trồng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên trên độ cao gần 3.000m.

Trở về Việt Nam, ông lên núi Hoàng Liên sống trong hang đá tìm cây thuốc chữa trị bệnh, làm bạn với gia đình nhà gấu. Lo lắng trước việc thu mua cây thuốc ồ ạt từ những thương nhân người Trung Quốc, ông đã thuê người dân Bình Lư (Lai Châu) di chuyển nhiều cây thuốc lên cao để tránh sự khai thác tận diệt.

Sau nhiều năm sống trên núi và tự điều trị cho mình, khối u trong phổi ông đã xẹp chỉ còn lại một vết mờ trên phim.

Ông bảo tôi: Rừng là ân nhân của tôi. Bởi thế, tháng nào ông cũng lang thang trong rừng tìm cây thuốc chữa trị cho mình và nhiều người khác. Bây giờ ông đã phối hợp với một đơn vị quân y di thực nhiều cây thuốc quý trong Vườn quốc gia Hoàng Liên sang khu rừng già Ý Tý của huyện Bát Xát.


Ông Trần Ngọc Lâm lấy cây thuốc trong khu rừng già

Tìm ra con đường ngắn nhất lên đỉnh Phan Xi Păng

Ông Lâm cho biết: Có bốn con đường lên đỉnh Phan Xi Păng, nhưng con đường ngắn nhất đi từ Trạm gác rừng Núi Xẻ, người đi khoẻ chỉ leo một ngày là tới đỉnh. Còn ba lối đi từ thung lũng Mường Hoa ngược lên thì phải 3-4 ngày mới lên tới nơi.

Nhưng các tuyến đường đi đó vô cùng nguy hiểm, phải leo qua những thác nước cao, làn đá dựng đứng. Bởi thế, người leo núi phải thuê dân địa phương thông thạo địa hình và khoẻ mạnh để mang vác đồ đạc.

Sau nhiều ngày tháng sống trong rừng ông Lâm đã tìm ra con đường ngắn nhất lên đỉnh Phan Xi Păng từ gần đỉnh đèo Ô Quy Hồ qua Trạm gác rừng Núi Xẻ. Cho đến nay chưa ai giải thích được tại sao gọi đỉnh núi cao nhất Đông Dương là Phan Xi Păng.

Ông giải thích rằng: Trong đoàn khảo sát Sở địa lý Đông Dương năm 1905 của người Pháp có một người tên là Phan Văn Sơn, đã mang theo dân phu mở đường kiêm ghi chép và phiên dịch. Ông Sơn là một trong số những người đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Những người Pháp trong đoàn đặt tên cho đỉnh núi là PhanVanSon, sau này đọc chệch ra là Phan Xi Păng.

Mới đầu ông Lâm dùng dao vạt vào các vỏ cây để đánh dấu, sau một thời gian cây phát triển, những vết dao đó không còn, ông lại dùng sơn để đánh dấu nhưng cũng không thành. Vì đánh dấu sơn trên thân cây, sau mùa mưa cây lớn lên làm các vết sơn dần bong tróc.


Cây Ngũ trảo long ông Lâm trồng thành công trên núi Hoàng Liên

Theo dõi những đàn trâu, bà con sống dưới chân núi thả rông vào rừng sau mùa cày cấy, chúng đi thành lối ngang dọc trên núi, từ đó ông nghĩ ra việc mở lối đi nhờ đàn trâu thả rông bằng cách mua muối rắc dọc lối đi. Đàn trâu vừa đi vừa liếm những vết muối trên đường, nhờ chúng đi lại nhiều lần như thế đã tạo thành lối đi.

Hồi ấy huyện Sa Pa hứa thưởng cho ai tìm ra con đường ngắn nhất lên đỉnh Phan Xi Păng, ông đã báo cáo với huyện Sa Pa về con đường đã tìm ra, người ta đã đo đạc và công nhận là con đường ngắn nhất, nhưng đợi mãi chẳng thấy ai gọi ông tới nhận phần thưởng.

Cảm động trước câu chuyện của người chiến binh Pháp, ông Trần Ngọc Lâm viết một truyện dài với tựa đề “Lên Cổng Trời sám hối”. Truyện đọc rất cảm động với nhiều tư liệu về cuộc sống của những chiến binh đóng ở nơi cao nhất Việt Nam.
Tôi đã biên tập và gửi đi nhiều cơ quan báo chí, nhưng không nơi nào đăng truyện đó cả, cuối cùng Tạp chí Văn nghệ Phan Xi Păng của Hội Văn nghệ Lào Cai in. Ông Lâm bảo: Đó là tác phẩm văn học đầu tiên cũng là tác phẩm văn học cuối cùng của tôi...

Ông cười mỉa mai: Chắc họ nghĩ chẳng lẽ lại trao phần thưởng cho những con trâu, nên nuốt lời hứa của mình...

Người chiến binh Pháp và vết khắc trên đá núi

Tháng 5/1994 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một đoàn khách nước ngoài đi thăm Điện Biên Phủ trở về họ đã nghỉ lại trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, mà người Pháp gọi là Trạm Tôn.

Trong cuộc chiến tranh với Việt Nam, người Pháp đã xây dựng trên đỉnh đèo một đồn bằng đá lợp tôn nhằm khống chế con đường từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại.

Trong đoàn khách tham quan du lịch đó có một chiến binh người Pháp tên là Giăng-pi-nhong, trước khi bị bắt ông từng là đồn phó đồn Trạm Tôn đã trên 80 tuổi rồi.

Tại đây vị chiến binh người Pháp đã gặp ông Trần Ngọc Lâm đang dựng nhà trồng cây thuốc trên núi Hoàng Liên. Do con đường mở năm 1969 khác xa con đường thời chống Pháp nên vị chiến binh không nhận ra nơi hơn 40 năm trước mình đóng quân ở đỉnh núi nào.

Nhờ ông Lâm nên vị chiến binh đã tìm ra được nền đồn Trạm Tôn cách đỉnh đèo Ô Quy Hồ một đoạn dốc dài. Tại đây ông đã kể cho ông Lâm nghe những kỷ niệm vui buồn trong những năm tháng đồn trú tại đây.

Trong đó có một câu chuyện tình vô cùng cảm động giữa cô gái người Mông tên là Seo Mỷ với người y tá Sênêgan tên là Tôm-mê-bơn. Chính Tôm-mê-bơn đã cứu sống cha của Seo Mỷ bị lợn rừng cắn.

Đồn phó Giăng-pi- nhong cho biết ông đã hai lần đóng quân ở đây tổng cộng 11 năm, người ta gọi đồn Trạm Tôn là Cổng Trời, vì đây là đồn cao nhất Đông Dương. Lần thứ nhất ông bị lính Nhật bắt tháng 5/1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Viên sĩ quan chỉ huy người Nhật đã khắc lên tảng đá cạnh đồn dòng chữ “Đại Đông Á”.


Dòng chữ do những chiến binh Pháp khắc trên tảng đá ở đồn Trạm Tôn

Ông Lâm vạch một lớp cỏ dày trên một tảng đá cạnh đồn Trạm Tôn chỉ cho tôi xem một dòng chữ do những người lính Pháp đồn trú tại đây đã khắc sâu vào đá. Mưa nắng đã làm dòng chữ mòn đi khá nhiều, ông Lâm kể vị chiến binh người Pháp đã khóc khi bới cỏ chỉ cho ông Lâm xem dòng chữ đó.

Ông ta cùng những người trong đoàn làm dấu Thánh cúi lạy những linh hồn đã chết trận tại đây.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm