Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với xây dựng mã số vùng trồng, trong năm 2023, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 2 lớp tập huấn về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng trên cây lạc cho 159 nông dân của HTX nông - lâm nghiệp Minh Quang và HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn (huyện Lâm Bình). Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 2 mã số vùng trồng lạc với tổng diện tích 20ha, (quy mô 10ha/vùng trồng) cho 2 HTX đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để mở rộng diện cây trồng được cấp mã số vùng trồng nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu, ngành NN-PTNT và các địa phương tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xã duy trì các điều kiện theo quy định đối với 5 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu; thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các 3 vùng trồng, 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số năm 2022.
Hiện nay, bưởi Soi Hà (xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) đã được cấp mã số vùng trồng với diện tích 10ha. Đây là cơ hội để giống bưởi ngon số 1 xứ Tuyên vươn tới các thị trường khó tính trong nước và xuất khẩu.
Gia đình anh Lộc Văn Nguyên ở thôn Soi Hà (xã Xuân Vân) trồng 350 gốc bưởi, trong đó 200 gốc đã cho thu hoạch. Vụ năm ngoái trừ chi phí anh lãi được 200 triệu đồng. Anh Nguyên cho biết, được cấp mã số vùng trồng, khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về giống cây và vùng trồng để xem xét, lựa chọn, đặt hàng sản phẩm theo yêu cầu.
Xây dựng mã số vùng trồng với các xã về đích nông thôn mới nâng cao, trong năm 2023, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp về công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và TP Tuyên Quang với 130 người tham dự.
Trong đó, vùng trồng chè shan tuyết với diện tích 12ha của HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) được cấp mã số vùng tròng và đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU. 01 mã số vùng trồng nhãn cũng đã được cấp cho Tổ hợp tác trồng nhãn chất lượng cao xã An Khang (TP Tuyên Quang) với diện tích 1,57ha; vùng trồng hồng với diện tích 11,3ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng chính là cơ sở quan trọng để nông sản của tỉnh Tuyên Quang có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khó tính trên thế giới.
Xác định rõ điều kiện quan trọng để được cấp mã số vùng trồng là phải có những vùng sản xuất theo GAP, trong năm 2023, các huyện, thành phố đã hướng dẫn 39 doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ gia đình đăng ký áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích hơn 387ha. Trong số này, diện tích cam 200ha, hơn 330ha chè, hơn 3ha bưởi và rau hơn 6ha…
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn Công ty Cổ phần chè Sông Lô và hộ ông Vương Ngọc Cương (xã Bình Xa, huyện Hàm Yên) xây dựng hồ sơ đăng ký thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây cam, cây bưởi để trình UDND tỉnh xem xét, hỗ trợ thực hiện.
Phát triển mô hình nông nghiệp tốt gắn với xây dựng mã số vùng trồng, ngành NN-PTNT đã tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 92/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.