Lợi nhuận gấp 1,7 lần cách nuôi truyền thống
Với mục đích hỗ trợ, khuyến khích người dân tiếp cận chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển chăn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình triển khai tại 3 thôn gồm Thử Luật, Đông Luật, Tân Hòa (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) gồm 9 hộ tham gia, với tổng đàn 45 con. Lợn nuôi ở các mô hình là giống lợn ngoại 3 máu cái (Landrace x Yorkshire) x đực Duroc.
Xã Vĩnh Thái nằm ở phía đông của huyện Vĩnh Linh, là xã ven biển, diện tích đất rộng, các sản phẩm, phụ phẩm từ khai thác hải sản, sản xuất nông nghiệp dồi dào. Vì vậy thông qua mô hình, sẽ giúp người dân tận dụng được tiềm năng, lợi thế để tăng thu nhập.
Kỹ sư Lê Thanh Tùng (Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị) cho biết, giống lợn đưa vào nuôi ở mô hình có trọng lượng 10kg, ban đầu sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dùng cho lợn từ 10 - 20kg. Sang giai đoạn thứ 2, Trung tâm đã hướng dẫn cho các hộ phối trộn thức ăn, với thức ăn giàu tinh bột, sử dụng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương như bột ngô, cám gạo phối trộn ủ men vi sinh, đảm bảo các thành phần dinh dưỡng. Thức ăn được phối trộn và ủ từ 12 - 24 tiếng theo công thức, khối lượng ủ phù hợp với lượng ăn hằng ngày của đàn lợn (ngô 50%, cám 30%, tỷ lệ men vi sinh 1kg ủ 100kg hỗn hợp). Đối với thức ăn giàu đạm, cá và rỉ mật (tỷ lệ 1:1) sau khi ủ chín lên men sẽ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho lợn.
Sau 120 ngày nuôi, đàn lợn thịt có mình dài, cân đối, lưng thẳng, bụng thon gọn, mông và vai nở đều, da dẻ hồng hào, nhanh nhẹn, trọng lượng bình quân đạt 75 kg/con. Hạch toán kinh tế sau 4 tháng, các hộ chăn nuôi có lãi hơn 700.000 đồng/con, cao gấp 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống.
Giảm chi phí nhờ tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ
Với anh Trần Văn Huân ở thôn Thử Luật (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh), việc chăm sóc đàn lợn của gia đình đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều từ khi tham gia mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai. Tham gia mô hình, anh được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, cải thiện điều kiện chăn nuôi, sử dụng hợp lý tiềm năng lợi thế nguồn thức ăn ở địa phương.
“Tham gia vào mô hình, tôi đã có cách nhìn mới về chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao thu nhập. Sau 4 tháng nuôi theo đúng kỹ thuật được tập huấn theo hướng hữu cơ, đàn lợn của gia đình tôi đạt trọng lượng từ 80 - 85kg. So với trước đây, thời gian nuôi lợn được rút ngắn hơn, lợn khỏe mạnh, ít nguy cơ dịch bệnh, chí phí giảm được rất nhiều”, anh Huân chia sẻ.
Mô hình triển khai cũng đã tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để chế biến, dự trữ làm thức ăn chăn nuôi. Đây là hướng phát triển bền vững nhằm giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.
Chị nguyễn Thị Hương, hộ tham gia mô hình tại thôn Đông Luật (xã Vĩnh Thái) cho biết, nhờ sử dụng thức ăn là những nguyên liệu có sẵn tại địa phương nên chi phí thức ăn giảm, lợn sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, an toàn nên mang lại giá trị cao hơn so với nuôi thông thường.
“Nếu tăng quy mô đàn lợn lên 10 -15 con và dự trữ được thức ăn với giá thấp thì người dân chúng tôi sẽ có thu nhập ổn định và tạo được việc làm tại chổ. Nay tôi đã nắm rõ các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ nên thời gian tới gia đình sẽ duy trì, triển khai nhân rộng mô hình” chi Hương nói.
Anh Lê Quang Lương ở thôn Tân Hòa (xã Vĩnh Thái) cũng là hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết, đây là lần đầu tiên đàn lợn của anh được “mắc màn ngủ”. Cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn anh sử dụng lưới chắn côn trùng, thực hiện nghiêm an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh, kết hợp sử dụng lưới chắn côn trùng để hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Với cách làm này, đã ngăn chặn được các đối tượng trung gian truyền bệnh chính như ruồi, muỗi... nên đàn lợn được đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch bệnh.
Ông Trần Cẩn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, thông qua mô hình, sẽ giúp người chăn nuôi hiểu biết thêm về vai trò, lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe, từ đó lựa chọn phương thức sản xuất và đầu tư chăn nuôi phù hợp để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp nông dân gia tăng thu nhập một cách bền vững. Mô hình sẽ là cơ sở tham quan, học tập nhân rộng, giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị làm quen với phương thức chăn nuôi mới, liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, ông Nguyễn Phú Quốc cho biết, hiện nay, sản xuất chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị đang hồi phục và từng bước phát triển khá mạnh. Cơ cấu hình thức chăn nuôi đang chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghệ cao, hữu cơ và an toàn sinh học.
“Chúng tôi đánh giá cao về mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại xã Vĩnh Thái. Mô hình đạt kết quả tốt, bước đầu đã góp phần chuyển giao thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phương pháp mới vào chăn nuôi, cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chăn nuôi nhằm giảm chi phí, tạo ra giá trị hàng hóa lớn với chất lượng sản phẩm cao”, ông Quốc nói.
Ông Nguyễn Phú Quốc cho biết thêm, thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp Quảng Trị sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, các trang trại, gia trại, nông hộ tiếp cận và phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh mội trường, góp phần giảm chi phí, công chăm sóc và có đầu ra ổn định nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.