| Hotline: 0983.970.780

Mập mờ cái chết của đôi vợ chồng đánh cá dưới cầu vượt sông Bồ

Thứ Ba 18/01/2022 , 16:46 (GMT+7)

Gia đình nạn nhân cho rằng do sự tắc trách trong cảnh báo, thanh thải công trình trên sông Bồ khiến bố mẹ họ gặp nạn, tử vong chứ không phải do mưa lũ.

Chiếc ghe vợ chồng ông Điện và bà Thảo vỡ toác, cùng với ngư cụ ghim vào cụm cọc thép ván sắt của công trình cầu tạm trên sông Bồ chờ điều tra trong hơn 2 tháng qua. Ảnh: Đoàn Tình.

Chiếc ghe vợ chồng ông Điện và bà Thảo vỡ toác, cùng với ngư cụ ghim vào cụm cọc thép ván sắt của công trình cầu tạm trên sông Bồ chờ điều tra trong hơn 2 tháng qua. Ảnh: Đoàn Tình.

Những dấu vết bất thường ở hiện trường vụ thảm nạn

Giữa tháng 10/2021, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trên sông Bồ, nạn nhân là ông Trương Minh Điện (67 tuổi) và bà Võ Thị Thảo (66 tuổi, ở Tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Do có nhiều dấu vết bất thường cần điều tra làm rõ, trong 2 tháng qua thân nhân ông Điện và bà Thảo đã có nhiều đơn thư gửi cơ quan điều tra, chính quyền và báo chí mong làm sáng tỏ cái chết của bố mẹ họ. Anh Trần Thế Dũng, 28 tuổi, người con ruột đại diện gia đình đứng đơn kêu cứu, kiến nghị, tố giác gửi nhiều nơi, nói rằng cái chết của ba mẹ anh có nhiều tình tiết chưa minh bạch khiến anh chị em và cả bà con xóm làng thấy uất ức.

Công trình cầu vượt sông Bồ đang thi công. Ảnh: Đoàn Tình.

Công trình cầu vượt sông Bồ đang thi công. Ảnh: Đoàn Tình.

Anh Dũng kể, hằng ngày bố mẹ anh lên ghe máy ngược sông Bồ đánh cá khoảng 2-3 giờ sáng và trở về nhà khoảng 4 - 5 giờ cùng ngày để bán cá, tôm. Đêm 15/10/2021 rạng sáng 16/10/2021 thời tiết có mưa nhưng nước sông Bồ không lớn nên bố mẹ anh vẫn đi bủa lưới.

Cùng ngày, tưởng bố mẹ mình đánh cá về mệt nghỉ ngơi trong phòng nên con cái không để ý, đến chiều 16/10, khi phát hiện bố mẹ không có trong nhà họ mới hoảng hốt đi tìm và trình báo chính quyền về sự mất tích. Ngày 18/10, thi thể mẹ anh Dũng được tìm thấy cách công trình cầu vượt sông Bồ khoảng 7km về hạ lưu (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền).

Sau đó một ngày thi thể ba anh Dũng được tìm thấy cách công trình cầu vượt này chừng 2km về hạ lưu (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà).

Sau khi nước sông Bồ hạ, người dân phát hiện chiếc ghe của bố mẹ anh Dũng vỡ toác, gãy làm 3, cùng ngư lưới cụ ghim chặt vào cụm công trình tháo dở dang của chiếc cầu tạm thi công cầu vượt sông Bồ, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn qua phường Hương Vân, thị xã Hương Trà. Không chỉ vậy gần 2 tháng sau vụ tai nạn, ngày 13/10/2021, một thợ lặn vô tình vớt được chiếc máy ghe cule của vợ chồng ông Điện và bà Thảo ở đáy sông Bồ cách chiếc ghe đang mắc khoảng 7m.

“Ba mẹ chúng tôi đi đánh cá đêm 15/10/2021 khi nước sông Bồ vẫn còn khá thấp, dưới báo động 1. Chiếc ghe cũng như máy ghe bị lật, gặp nạn ở đâu nó sẽ chìm ở đấy. Nhưng nó lại mắc vào các cọc sắt của cầu tạm thi công công trình cầu vượt sông Bồ với dấu vết va đập rất nặng.

Đây là điều rất bất thường. Gia đình chúng tôi nghi ngờ những thiết bị công trình cầu tạm bằng sắt thép tháo dỡ không hết nhưng đơn vị thị công cầu vượt sông Bồ không cảnh báo nguy hiểm khiến ba mẹ chúng tôi gặp nạn. Vì thế chúng tôi có đơn đề nghị điều tra làm rõ, yêu cầu khởi tố vụ án”, anh Dũng nêu.

Chiếc máy ghe được thợ lặn tìm thấy ngày 13/10/2021 nằm đáy sông cách công trường cầu vượt sông Bồ khoảng 7m. Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp.

Chiếc máy ghe được thợ lặn tìm thấy ngày 13/10/2021 nằm đáy sông cách công trường cầu vượt sông Bồ khoảng 7m. Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp.

Được biết, công trình cầu vượt sông Bồ có chiều dài 600m, nằm trong gói thầu XL7 thi công từ xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đến phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Gói thầu này do 3 nhà thầu đảm trách, trong đó Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và xây dựng công trình 624 thi công phần cầu vượt sông Bồ.

Trong quá tình xây dựng doanh nghiệp này đã xây cầu tạm trên sông Bồ, nơi có hệ thống cọc sắt ván thép chưa thanh thải mà chiếc ghe vợ chồng ông Điện và bà Thảo gặp nạn mắc vào. Từ đó thân nhân hai nạn nhân này cho rằng do sự tắc trách trong cảnh báo, thanh thải công trình khiến bố mẹ họ gặp nạn, tử vong nên yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Thách thức từ phía đơn vị thi công

Để làm rõ thêm vụ việc nói trên một số phóng viên đã liên hệ với ông Phan Huy Hoàng (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng 379, tỉnh Nghệ An), chỉ huy trực tiếp công trình. Ông Hoàng từ chối làm việc trực tiếp với lý do là đã cung cấp những thông tin, hồ sơ cần thiết cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Hương Trà.

Tuy nhiên, qua điện thoại ông Hoàng cũng thông tin rằng, thời điểm xảy ra vụ tai nạn với vợ chồng ông Điện và bà Thảo mưa rất lớn, trời tối nên việc bên ngoài sông không ai biết thế nào, sự việc phải chờ kết quả của cơ quan điều tra.

Ông Hoàng cho biết sau khi vợ chồng ông Trần Minh Điện và bà Võ Thị Thảo tử nạn, ông có đại diện đơn vị thi công đến gia đình thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ 60 triệu đồng, nhưng gia đình không nhận.

Đơn vị thi công đưa thiết bị thanh thải phần công trình cầu tạm còn lại trên sông Bồ, nhưng bị gia đình có hai ngư dân tử nạn ngăn cản do ở đấy có chiếc ghe gặp nạn mắc vào là vật chứng quan trọng chưa được khám nghiệm đầy đủ. Ảnh: Đoàn Tình.

Đơn vị thi công đưa thiết bị thanh thải phần công trình cầu tạm còn lại trên sông Bồ, nhưng bị gia đình có hai ngư dân tử nạn ngăn cản do ở đấy có chiếc ghe gặp nạn mắc vào là vật chứng quan trọng chưa được khám nghiệm đầy đủ. Ảnh: Đoàn Tình.

Cũng ông Hoàng cho biết, theo giấy phép đến tháng 12/2021 công trình cầu tạm mới tháo dỡ, nhưng do mưa lũ nên thời điểm xảy ra vụ tai nạn với vợ chồng ông Điện, đơn vị đã tháo dỡ một phần cầu tạm. Trả lời câu hỏi của PV rằng việc tháo dỡ cầu tạm có thể chưa hoàn tất, nhưng tại sao đơn vị thi công không có hệ thống cảnh báo nguy hiểm, nhất là hệ thống cọc sắt vẫn còn bên dưới lòng sông, trong phạm vi công trường?

Ông Hoàng nói rằng việc ấy “không kịp”, vì buổi chiều vừa tháo dỡ xong thì mưa quá lớn. Mặt khác, theo ông Hoàng thời điểm ấy đã có thông báo của tỉnh, địa phương cũng phát thông tin cảnh báo mưa lũ, thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ, cách cômg trình cầu vượt sông Bồ khoảng 2km - PV) điều tiết xả lũ qua loa phóng thanh và “nghiêm cấm tàu thuyền đi trên sông” (?).

Và mặc dù Công ty CP phần đầu tư xây dựng 379 thừa nhận không kịp lắp cảnh báo sau khi tháo dỡ một số bộ phận cầu tạm thì thời điểm xảy ra tai nạn công trình trên sông Bồ có “đầy đủ hệ thống cảnh báo”.

Theo tìm hiểu của PV, để triển khai thi công xây dựng công trình cầu vượt sông Bồ, nhà thầu đã thuê Công ty Cổ phần đường thủy nội địa tỉnh Thừa Thiên - Huế cung ứng một số thiết bị để đảm bảo an toàn đường thủy, phục vụ thi công công trình, trong đó có một chiếc tàu thủy lớn, hệ thống phao tiêu. Tuy nhiên hợp đồng này thuê phương tiện, thiết bị này đã kết thúc từ nhiều ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn làm vợ chồng ông Điện và bà Thảo tử nạn. Điều này cũng phù hợp với thông tin của một người dân sống gần công trình cầu vượt cung cấp cho PV, là chiếc tàu thủy lớn đã rời đi khá lâu, phao tiêu cũng không còn trước khi xảy ra vụ tai nạn.

Cho rằng vụ tai nạn của ông Điện, bà Thảo  có thể liên quan đến việc không đảm bảo an toàn của công trình cầu tạm thi công cầu vượt sông Bồ, nên ngày 4/11/2021, gia đình nạn nhân có đơn kiến nghị gửi Công an thị xã Hương Trà, UBND phường Hương Vân điều tra làm rõ. Tiếp đó, ngày 9/12/2021 là đơn Tố giác và Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự gửi Công an thị xã Hương Trà.

Đơn vị thi công vẫn tiếp tục phần việc bên dưới công trình cầu vượt sông Bồ. Ảnh: Đoàn Tình.

Đơn vị thi công vẫn tiếp tục phần việc bên dưới công trình cầu vượt sông Bồ. Ảnh: Đoàn Tình.

Trong khi sự việc chưa được giải quyết, sáng ngày 10/12/2021 đơn vị thi công đưa thiết bị vào thanh thải một số hạng mục công trình cầu tạm thi công cầu vượt sông Bồ. Hành vi này vấp phải sự phản đối gay gắt của thân nhân ông Điện và bà Thảo. Gia đình yêu cầu giữ nguyên trạng, bảo vệ vật chứng để phục vụ điều tra.

Chiều 10/12/2021, trung tá Dương Đăng Thanh, cán bộ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hương Trà nói rằng chưa có cơ sở khẳng định cái chết ông Điện và bà Thảo liên quan thi công cầu vượt sông Bồ nên vận động, thuyết phục thân nhân ông Điện và bà Thảo phải để đơn vị thi công thực hiện tháo dỡ công trình cầu tạm. Ông Thanh nói nếu “gia đình mà cản trở thi công gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm” và “chứng minh mối liên quan tai nạn của ba mẹ anh liên quan đến hiện trường đi?”.

Do gia đình nạn nhân phản đối, yêu cầu trước khi tháo dỡ, vật chứng phải được khám nghiệm đầy đủ, có hội đồng ghi nhận, đánh giá, do vậy đến nay cụm công trình cọc sắt ván thép tạm thi công cầu vượt sông Bồ, nơi có chiếc ghe đang mắc chưa thể thanh thải.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm