| Hotline: 0983.970.780

Mát lành những vườn chè ven sông

Thứ Ba 01/02/2022 , 08:30 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Chè Tân Cương là chè của nhiều xóm thuộc các xã phía tây Thành phố Thái Nguyên chứ không chỉ giới hạn trong xã Tân Cương.

Vùng chè Trại Cài

Cũng vậy, chè Trại Cài - một trong những vùng chè nổi tiếng, được người sành chè ca tụng từ nhiều năm nay không chỉ là sản phẩm chè của xóm Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Đây là tên gọi chung cho sản phẩm chè chất lượng cao của các xóm nằm ven hai bên bờ sông Cầu, bao gồm xã Minh Lập và nhiều xóm thuộc xã Phú Đô, Vô Tranh, Tức Tranh (huyện Phú Lương).

Những đồi chè ven sông rất thuận về thủy lợi, luôn được chăm sóc tốt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Những đồi chè ven sông rất thuận về thủy lợi, luôn được chăm sóc tốt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Người làm chè Phú Đô tự hào đã góp phần tạo dựng nên thương hiệu chè Trại Cài rất được yêu thích. Anh Cao Văn Lâm, Phó trưởng xóm Phú Nam 6 cho biết, chè của gia đình anh trước đây được mang bán tại chợ Trại Cài, hiện nay bạn hàng đến thu mua tại nhà, vẫn được coi là “chè Cài”.

Phú Nam 6, cũng như nhiều xóm khác của Phú Đô, mặc dù đã được công nhận là làng nghề chè truyền thống, song, người dân luôn lấy chuẩn “chè Cài” làm thước đo. Đây không chỉ là một tên gọi, một cách định danh, mà đối với vùng chè, cách gọi này chính là sự khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Mỗi vùng chè của Thái Nguyên đều có những nét đặc trưng và vẻ đẹp rất riêng. Cái đẹp của vùng chè Phú Đô là vườn gối vườn, nhấp nhô những gợn sóng tạo bởi nhiều quả đồi thấp nối tiếp nhau. Cũng bởi vùng chè có độ tuổi “đàn em” nên được quy hoạch khá tốt, không chỉ tạo cảnh quan đẹp mắt mà còn đảm bảo kỹ thuật chăm bón, thu hái.

Đẹp nhất là những đồi chè năm ngay ven sông, soi bóng xuống dòng sông Cầu. Bên này sông là Phú Đô, bên kia sông là vùng chè Trại Cài nhiều người biết đến. Nói về sự thiệt thòi, thua kém về danh tiếng mặc dù chất lượng hoàn toàn không lép vế, người làm chè cho rằng, Trại Cài đã sớm được biết đến từ nhiều năm trước cùng với Nông trường chè Sông Cầu. Nghề làm chè sớm phát triển và sớm có thị trường. Trong khi đó, Phú Đô bị chia cách bởi dòng sông Cầu, điều kiện giao thông khó khăn và tư duy người dân chậm đổi mới.

Bứt phá

Mặc dù làm chè từ lâu, nhưng chỉ hơn chục năm nay, chè Phú Đô mới phát triển mạnh mẽ, trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Bắt đầu từ năm 2010, các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang trồng chè và xác định đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Mỗi gia đình đầu tư cải tạo ít nhất từ 2 - 3 sào, một số hộ có tới hơn mẫu đất trồng chè.

Từ việc để chè phát triển tự nhiên, được chăng hay chớ, người làm chè đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng chè giống mới có năng suất cao, sử dụng tôn quay để sao chè.

Với 510 ha chè, sản lượng đạt hơn 5.000 tấn chè búp tươi/năm, Phú Đô có nhiều xóm được công nhận làng nghề chè cấp tỉnh như: Phú Nam 1, Phú Nam 2, Phú Nam 3, Phú Nam 4, Phú Nam 5, Phú Nam 6, Phú Nam 7…

Cây chè mang lại thu nhập khá cho người dân Phú Đô. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cây chè mang lại thu nhập khá cho người dân Phú Đô. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Men theo những vườn chè dọc bên bờ sông, chúng tôi đến thăm vườn chè của gia đình anh Lâm. Chị Lưu Thị Nhung, vợ anh Lâm đang bơm nước sông tưới chè. Chị Nhung nắm rất rõ tình hình xóm, không khác gì một chuyên gia ngành chè. Chị cho biết xóm gồm 41 hộ dân và 100% số hộ đều làm chè. Tổng diện tích chè cả xóm gần 30 ha, các giống chè chủ yếu là TRI 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Trung du.

Gia đình anh Lâm, chị Nhung thuộc số hộ có diện tích chè trung bình, gồm 4.000m2 cả chè cành và “chè ta”. “Chè ta” nghĩa là chè trung du trồng hạt từ thời các cụ, vườn chè đã 40 năm tuổi, diện tích 1.000 m2 làm theo quy trình VietGAP, thu hái 8 lứa/năm. Chè cành thu hái 5 lứa/năm, năng suất tùy từng thời điểm, 1 tạ/lứa vào đầu năm; giữa năm thì 2 tạ; cuối năm khoảng 1,4 tạ.

Tự hào với chất lượng không thua kém chè Trại Cài, thậm chí có phần nhỉnh hơn, chị Nhung cho biết, những người buôn chè còn thích mua chè các xóm “bên này” hơn chè của nhiều hộ “bên kia”. Bởi lẽ, cùng với chất đất, khí hậu tương đồng, người dân đã tích cực đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và chế biến chè.

Không chỉ cung cấp những sản phẩm sạch, chất lượng cho thị trường, Phú Đô còn có lợi thế làm chè xuân. Vì nằm ven sông, nguồn nước tưới dồi dào, chè Phú Đô phát triển quanh năm. Đặc biệt, vào mỗi dịp cuối năm, trong khi, nhiều vùng chè còn đang “ngủ đông” thì chè Phú Đô vẫn phát triển. Cả vùng chè nhộn nhịp thu hái lứa chè xuân “mới đét” để góp thêm hương vị xuân đến muôn nhà.

Chị Nhung “khoe”: Tại Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương 2017, đội thi sao chè của xóm Phú Đô 6 đã đoạt giải Vàng, mà nguyên liệu được hái từ chính mảnh vườn của gia đình chị.

Cũng như các hộ làm chè của Phú Đô nói riêng, của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nói chung, gia đình anh Lâm, chị Nhung ý thức rõ rằng, mặc dù sản phẩm chè vẫn đang được tiêu thụ tốt, vùng chè này vẫn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu của riêng mình. Trước hết, mỗi hộ gia đình cần làm ra những sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, yêu thích.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.