| Hotline: 0983.970.780

Mẹ bỏ rơi cháu nhưng lòng cháu luôn ngóng mẹ

Thứ Tư 16/11/2016 , 06:50 (GMT+7)

Có một việc mà cháu phải xin ý kiến của cô. Cô ơi, mẹ bỏ rơi cháu nhưng lòng cháu vẫn ngóng mẹ. Cháu biết mẹ cháu chọn cuộc đời giang hồ chứ không chịu làm dâu nhà nội...

Thưa cô!

Cháu là đứa con trai vừa bất hạnh vừa không. Mẹ bỏ bố từ khi cháu mới ba tuổi. Cháu lớn lên trong vòng tay ông bà nội và cô cả không lấy chồng. Miền Bắc đói kém cả thời niên thiếu của cháu. Nhà nội chỉ có ít đất thuê của HTX, cọng rau con cua con cá đều từ đó mà cháu lớn lên. Bố thì chiến chinh biền biệt, hết đi Nam, lại đi Tây Nam, rồi bố lấy thêm vợ ở trong Nam luôn.

Học hết cấp hai, cháu xin nội vào với bố. Vợ của bố ở nông thôn hẻo lánh còn hơn nông thôn bản quán của bố. Nhưng dì của cháu tốt tính tốt nết, cũng còn may cho bố con cháu. Dì sinh cho bố hai em nữa, đứa em trai giống hệt cháu không biết vì sao. Anh em cháu cùng làm lụng với bố và trưởng thành.

Phải nói bố cháu cũng đáng phục. Ông trồng cái gì cũng thành công. Nhờ bố quá cần cù từ khi ra quân nên cuộc sống của năm người dễ thở hẳn, lại còn cố được đất, mở rộng diện tích (dân trong này họ hay cố đất chứ không như ngoài quê nội cháu). Họ cố để đi xuất khẩu lao động, họ thích đi chứ không ôm đất như bố cháu.

Rồi cháu làm việc ở xã, nhờ bố cựu binh và anh trai của dì làm trên huyện. Có phụ cấp, có quan hệ, dần dần cháu thấy yêu mảnh đất mà bố mình gắn bó. Em trai cháu được gửi ra huyện học khi lên cấp ba, giờ nó là thầy giáo ở ngay ngôi trường cạnh trụ sở xã. Con gái út của bố cháu thì vào được đại học, học trên Cần Thơ. Cháu lấy vợ muộn, lúc 32 tuổi, vợ cháu là nông dân có đất, ba má vợ cho chúng cháu đất để bán, mua một mảnh nhỏ ở chợ xã, vợ buôn bán vặt và nuôi con. Cháu cũng đã có hai con rồi cô.

Có một việc mà cháu phải xin ý kiến của cô. Cô ơi, mẹ bỏ rơi cháu nhưng lòng cháu vẫn ngóng mẹ. Cháu biết mẹ cháu chọn cuộc đời giang hồ chứ không chịu làm dâu nhà nội. Mẹ đi buôn trên biên giới, rồi từng vượt biên đi Hồng Kông nhưng không thành. Rồi làm gì đó phải đi tù, mãi năm 2000 mới ra. Hình như mẹ vài lần gá vợ chồng với người này người kia, nhưng không ở lâu với ai. Cháu biết tin là do có đứa bạn ở ngoài quê, mẹ cháu cũng cùng quê với bố cháu mà cô.

Nhưng mới đây cháu nghe nói mẹ bệnh nặng, về nhà ngoại cháu nằm. Nói ngoại chứ ngoại góa sớm rồi cũng mất sau khi cháu đi Nam tìm bố, hồi đó cháu ít đi lại vì nội thù mẹ, nội cấm. Ở chỗ ngoại có cậu cả, có ngôi phủ thờ ngoại, mẹ cháu nương nhờ đó.

Cháu giấu bố chuyện cháu biết. Nhưng cháu không yên lòng. Cháu giấu cả vợ mình nữa, cháu xấu hổ vì mẹ. Cháu làm sao cho phải đây cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Cô mừng cho phúc đức nhà cháu lớn lắm cháu mới được như hôm nay. Chứng tỏ nội và cô cả mới là bố mẹ của cháu. Trong thư không nói bố đối với nội ra sao, dưới bố có em trai không và bố có về quê không? Và cháu, khi đã lấy vợ và có công việc như thế, cháu có ra với nội không?

Đúng là có những phụ nữ bỏ rơi con dễ như vứt bỏ một món đồ. Họ sẽ ngụy biện là làm dâu khổ, mẹ chồng còn chị chồng nữa, đi để hít thở và có tiền củng cố tương lai cho con. Nhưng họ không biết sẩy nhà ra thất nghiệp, ra đi là nếm mùi bầm dập, phụ nữ trẻ, giới buôn đường dài ai cũng ghê gớm cả. Và khi đã sa chân thì hết đường lui.

Trong lòng nội là nỗi căm ghét một cô dâu người làng hư hốt. Trong lòng bố là nỗi hận ngút trời, người đi chiến đấu mà vợ ở nhà thế đó. Có lẽ bố không muốn thấy góc đồng kỷ niệm trai trẻ với người đó, không muốn về vì phải đối xử ra sao với nhà ngoại của cháu. Và ông đã dồn hết tình thương, nỗi hận vào cơ ngơi mới với vợ mới. Và đã rất thành công. Ông không có gì sai, rất đáng thương và khâm phục.

Nhưng giờ thì đã đến lúc cháu phải nói với bố và dì và vợ mình chuyện mẹ cháu đang trọng bệnh. Sâu xa ai cũng có tình thương với mẹ và bố mình. Cháu đã nén cái tình ấy lâu quá rồi. Cháu đã tha thứ cho bà nên vẫn ngóng tin và bứt rứt khi chưa gặp, chưa thăm và chưa để bà nắm lấy tay mình. Dù sao cháu vẫn là đứa con duy nhất của người mẹ sai đường lạc lối. Nói cho bố biết và đi thăm, thế thôi. Có tiền thì giúp mẹ, không thì gặp nhau cũng tốt hơn là bà có mệnh hệ gì mà mình không gặp được. Không thể đòi hỏi cháu nhiều, vì cháu làm ở xã, một vợ hai con, gói ghém lắm mới có nhà ở chợ xã để vợ mưa sinh.

Vậy nha, cháu cứ về quê, một công đôi ba việc, lòng cháu sẽ an bình hơn nếu như việc ấy cháu không làm.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm