| Hotline: 0983.970.780

Mệt mỏi vì nàng dâu 'đĩ miệng'

Chủ Nhật 03/09/2017 , 09:05 (GMT+7)

Hôm chủ nhật vừa rồi tôi đến chơi nhà Cúc, cô bạn thân từ thời đại học. Vừa ngồi xuống ghế, mở miệng chào hỏi vài lời thì một cô gái trẻ từ dưới nhà bước lên...

Cô đon đả: “Con chào bác! Bác mới đến chơi với mẹ con đấy ạ? Ôi! Bác mới làm đầu à! Đẹp quá! Thôi! Mẹ và bác ngồi chơi xơi nước nhé! Con ra ngoài có chút việc, tí con về!”.

20-52-21_trng_10
Ảnh minh họa

Ra đến cửa, cô quay đầu lại, nở một nụ cười tươi rói: “À! Mẹ ơi! Nếu con về trễ, mẹ chuẩn bị bữa trưa hộ con nhé! Hì hì! Con cám ơn mẹ lắm! Bác và mẹ nói chuyện vui vẻ nhé! Con đi đây!”.

Trong khi tôi mỉm cười gật đầu trước vẻ nhí nhảnh của Dung, con dâu Cúc thì Cúc chỉ ừ một cái rồi im lặng! Vừa rót trà từ bình vào cốc của tôi, Cúc vừa lắc đầu: “Lại cà phê cà pháo, rồi shopping, dạo phố… Phải tối mịt mới về đấy!”. Tôi ngạc nhiên: “Sao nó nói đi một tí thôi mà!”. Cúc nhăn mặt: “Lúc nào nó chả nói một tí! Nhưng rồi cậu xem! Đi mút mùa mút chỉ!”.

Cúc có hai con trai. Thằng cả có vợ ra riêng. Dung là con dâu thứ hai. Sau khi cưới, con trai Cúc là Dũng được cơ quan cử đi học nghiệp vụ ngoài Hà Nội một năm. Ở nhà chỉ còn vợ chồng Cúc và con dâu. Dung không chỉ xinh xắn mà còn mau mồm mau miệng. Chính vì thế, thời gian đầu, Cúc rất vui vì con dâu khéo miệng. Đi làm thì thôi, về nhà là nó luôn líu ríu: Mẹ ơi mẹ à! Hôm nay mẹ có khỏe không? Ôi! Cái áo này rất hợp với mẹ đấy!…

Nhưng chỉ được dăm ngày, Cúc nhận ra, cô con dâu này chỉ được cái mồm miệng thì vô cùng khéo léo chứ nữ công gia chánh thì vụng về, lại rất lười biếng. Điều này trái ngược hoàn toàn với cô con dâu cả ít nói, thật thà. Điển hình là hôm Cúc làm tiệc chia tay trước khi Dũng đi học Hà Nội. Anh em bà con đến nhà, chẳng ai để ý cô dâu cả đang sấp ngửa dưới bếp làm cơm. Họ chỉ luôn khen cô em dâu mồm miệng nhanh nhảu, lễ phép, ngồi tiếp khách, hỏi han người nọ người kia ra điều thân thiết lắm.

Biết con dâu vụng nên Cúc cũng muốn chỉ bảo việc nhà bằng cách kéo Dung vào bếp. Nhưng cô dâu chỉ ngồi ngắt mấy cọng rau rồi đứng dậy kêu đau lưng, mỏi gối. Sau đó, Dung đứng bên cạnh khen mẹ chồng sao mà giỏi thế. Nấu món gì cũng ngon, cũng thơm… Chưa ăn mà chỉ nghe mùi cũng ứa nước miếng…

Có lần Cúc bảo sẽ dạy Dung nấu nước. Dung cười cười, vòng tay ôm ngang lưng mẹ chồng: “Con vụng thối vụng nát! Mẹ đừng dạy làm gì mất công. Con sẽ làm hỏng hết thực phẩm thì phí phạm lắm mẹ ạ!”. Vào mâm, Dung gắp thức ăn vào bát mẹ chồng: “Mẹ vất vả nhất nhà nên con mời mẹ miếng thịt ngon nhất đĩa này!”.

Quay sang bố chồng, Dung nũng nịu: “Bố ăn nhiều vào nhé! Phải có sức khỏe sau này dắt cháu nội đi chơi chứ!”. Ăn xong, lẽ ra phải dọn dẹp thì Dung luôn có lý do để trốn tránh. Hôm thì cô ôm bụng: “Con ăn no quá! Mẹ cứ để chén đĩa trong bồn! Chiều con về rửa, nhé!”. Vốn ưa sạch sẽ nên Cúc rửa luôn chứ chẳng lẽ lại đợi con dâu tới chiều? Hôm khác, Cúc với cái di động, quay sang mẹ chồng: “Ôi chết rồi! Sực nhớ ra là con cần gọi điện thoại gấp! Mẹ giúp con nhé!”…

Đặc biệt, Dung luôn biết nói những lời rất ngọt, kiểu như: “Con cảm ơn mẹ vô cùng!”, hay: “Sao mà con yêu mẹ thế!”, hoặc: “Con thấy thật may mắn vì được làm con dâu của bố mẹ!”.

Ngay cả tiền cơm và sinh hoạt phí hàng tháng, lẽ ra phải đóng góp cho Cúc, theo thỏa thuận là 2 triệu đồng. Nhưng chưa bao giờ Cúc nhận đủ con số đó vì Dung luôn có cớ thoái thác rất khéo. Khi thì: “Con thật đoảng mẹ ạ! Lương tháng này nhỡ tiêu hết sạch rồi! Thôi, mẹ cầm tạm 1 triệu đồng! Tháng sau con bù!”. Lúc khác lại: “Vừa đi nghỉ mát với đám bạn nên tháng này mẹ cho con ăn chịu nhé! Tháng sau con sẽ cố gắng tiết kiệm hơn!”. Không ít lần, Dung cười hì hì, áp má vào mặt mẹ chồng: “Lọt sàng xuống nia! Tiền của con cũng là để dành cho cháu nội của ông bà thôi chứ đi đâu mà mất, mẹ nhỉ!”.

Cứ như vậy, Cúc thấy Dung có ý không muốn đóng góp nên cũng không tiện nhắc nhở. Riết rồi, Dung cũng quên luôn. Tuy vậy, thỉnh thoảng cô cũng nũng nịu với Cúc: “Dạo này ai cũng khen con mập ra! Đó là nhờ mẹ khéo nuôi đấy! Con cám ơn mẹ yêu nhé!”.

Thật ra, nhiều lúc Cúc cũng thấy rất dị ứng với cô con dâu “đĩ miệng” lười biếng, trốn việc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Cúc tự nhủ, thôi thì chín bỏ làm mười. Cứ chịu đựng một thời gian nữa cho cửa nhà vui vẻ. Khi nào chồng nó về, từ từ sẽ dạy bảo cũng chưa muộn!

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm