| Hotline: 0983.970.780

Mía đạt chuẩn GlobalGAP xuất sang EU và Nhật Bản

Thứ Sáu 10/11/2023 , 09:43 (GMT+7)

HÒA BÌNH Nhờ thâm canh cây mía theo hướng VietGAP, nhiều nhà nông đã thoát nghèo bền vững, đang từng bước làm giàu.

Mía tím trồng tại xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Ảnh: Hải Tiến.

Mía tím trồng tại xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Ảnh: Hải Tiến.

Huyện Tân Lạc có hơn 1.135ha mía đang thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 86.000 tấn mía cây các loại, bao gồm 76.500 tấn mía tím (1.000ha) và 9.720 tấn mía trắng (135ha). Cây mía được sản xuất tập trung chủ yếu tại 2 xã Mỹ Hoà và Phú Vình. Các xã khác như Suối Hoa, Phong Phú và thị trấn Mãn Đức cũng trồng mía nhưng diện tích không lớn, nguyên nhân do đất canh tác không thích hợp trồng mía.

Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tùng Dương (xã Mỹ Hoà, huyện Tân Lạc) cho biết, toàn xã trồng 360ha mía các loại, trong đó có 320ha mía tím, còn lại là mía trắng. Năng suất trung bình đạt 76,5 tấn mía cây/ha, tổng giá trị đạt từ 110 - 126 tỷ đồng, tương ứng giá trị thu hoạch đạt 300 - 350 triệu đồng/ha canh tác/năm, hiệu quả sản xuất cao gấp 4 – 5 thâm canh lúa.

Từ năm 2015 đến nay, nông dân xã Mỹ Hòa cơ bản chỉ trồng bằng giống mía nuôi cấy mô do các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, bên cạnh sản xuất mía và ớt xuất khẩu, HTX còn nhân giống mía nuôi cấy mô, mỗi năm đáp ứng nhu cầu giống sản xuất tại địa phương từ 25 – 30 vạn hom giống.

"Mía trồng bằng giống nuôi cấy mô cây sinh trưởng phát triển rất khoẻ, khả năng chống chịu cao, ít nhiễm sâu bệnh hại, dễ thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc GlobGAP), rút ngắn được thời gian sản xuất khoảng 2 tháng, năng suất cũng tăng cao vượt trột so với mía trồng bằng hom giống chưa qua nuôi cây mô", ông Dương cho biết thêm.

Mía trồng ở Tân Lạc cây nào cũng to, đều, cao vút quá tầm tay người với. Ảnh: Hải Tiến.

Mía trồng ở Tân Lạc cây nào cũng to, đều, cao vút quá tầm tay người với. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Đinh Thế Tuấn ở xóm Bụa (xã Mỹ Hoà) trồng 10ha mía, mới thu hoạch gần 50% diện tích đã được 1,7 tỷ đồng, thời vụ cho thu mía còn kéo dài tới sau Tết Nguyên đán, dự kiến tổng doanh thu sẽ đạt ngót 3,5 tỷ đồng, lợi khoảng 1,8 tỷ đồng. Để có được thu nhập "khủng" này, ông Tuấn trồng 100% bằng giống mía nuôi cấy mô và chủ yếu bón phân trâu bò ủ mục kết hợp phân NPK.

Ông Tuấn cho biết, cây mía ưa trồng trên các chân đất thịt nặng và bón phân trâu bò, vì vậy năm nào ông cũng phải mua gom 700 - 800m3 phân này, sau ủ với chế phẩm Trichoderma, chờ mùa vụ xuống giống mới đem ra bón lót vào rạch đặt hom giống. Đồng thời trước đó, ông Tuấn còn chọn những vạt đồi thấp hoặc các ruộng có thành phần cơ giới nặng và thoát nước nhanh để trồng mía.

Bà Bùi Thị Hiền ở xóm Ngay (xã Mỹ Hoà) cũng cho hay, bà trồng 5ha mía tím và mía trắng, hiện mới thu hoạch hơn một nửa diện tích, bán sỉ cho thương lái được bình quân 7.000 đồng/cây tại ruộng, bước đầu kết dư được 600 triệu đồng, trị giá sản lượng mía còn lại chắc chắn cho lợi nhuận thêm từ 400 - 500 triệu đồng vì giá mía khá ổn định và càng về cuối vụ mía càng được giá.

Theo bà Hoà, những năm gần đây, giá mía luôn ổn định ở mức cao bởi bà con đều sản xuất theo hướng VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không lạm dụng phân bón hoá học. Đồng thời còn được các cấp chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh đặc sản mía Hoà Bình nói chung, mía Tân Lạc nói riêng.

"Trên địa bàn xã đã hình thành được mô hình 40ha mía đạt chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu đi EU và Nhật Bản. Cây mía trồng bằng giống nuôi cấy mô ăn mềm và ngọt mát, không ngọt sắc như mía trồng bằng hom giống cổ truyền. Mía nuôi cây mô rất phù hợp cho xuất khẩu vì người phương Tây, kể cả nhiều người dân nước ta khi ăn mía ngọt sắc đều sợ mắc bệnh tiểu đường", bà Hoà nói.  

Vườn mía tới kỳ thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn mía tới kỳ thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Bùi Văn Chất ở xóm Don (xã Mỹ Hoà) phân tích, sở dĩ dễ sản xuất mía đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP vì trên cây mía chỉ có một số đối tượng sinh vật gây hại chính như rầy, rệp, sâu đục thân... cho phép phòng trừ hiệu quả bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, kết hợp bóc bẹ mía kịp thời, dọn sạch cỏ vườn và thu gom thiêu huỷ triệt để mọi tàn dư thực vật trên ruộng mía sau thu hoạch.

Hơn nữa sâu bệnh chủ yếu xuất hiện ở thời kỳ mía nhỏ, khi cây đã vươn cao, sinh trưởng khoẻ, khả năng chống chịu tốt hơn sẽ ít bị sâu bệnh hại. Đồng thời trồng bằng giống mía nuôi cấy mô nên cây khoẻ và sạch bệnh, giúp giảm đáng kể sâu bệnh hại.

Ông Bùi Văn Hiển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc thông tin, cây mía tím đã được trồng ở địa phương từ lâu, được coi là một trong những cây trồng đặc sản địa phương. Vào những năm kinh tế còn khó khăn, người dân chủ yếu trồng mía ăn chống say sau khi ăn sắn thay cơm. Từ khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, cây mía trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị cao, giúp xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho rất nhiều nông hộ.

Để tăng cao giá trị, thu nhập từ cây mía, Phòng NN–PTNT huyện Tân Lạc luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của trung ương và tỉnh chuyển giao kịp thời các tiến bộ kỹ thuật sản xuất mía tới các hộ dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo rải vụ thu hoạch mía, kéo dài thời vụ trồng từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau nhằm giảm áp lực sản lượng và áp lực mùa vụ sản xuất, tăng giá bán các loại mía.

"Cây mía rất giàu vitamin C, vitamin B2 và các chất dinh dưỡng như magie, sắt, kali, phốt pho và chất chống oxy hoá. Vì vậy, ăn mía thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa hôi miệng, giảm sâu răng, tăng chức năng gan, cải thiện tình trạng chán ăn, đắng miệng, táo bón, khắc phục khô miệng và nôn khan liên tục. Nếu ăn mía sau mỗi bữa ăn sẽ giúp sạch miệng, đỡ xỉa răng", theo y học cổ truyền.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.