| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa dốc sức chuyển đổi

Mía nhường ngô

Thứ Tư 23/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Một trong những đột phá táo bạo nhất trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở Thanh Hóa là giảm diện tích mía để trồng ngô./ Thanh Hóa dốc sức chuyển đổi

Mía thua lỗ

Những năm qua giá mía trong nước ngày càng giảm. Ở Thanh Hóa lại xảy ra tình trạng “có tới 5 khâu trung gian ăn trên cây mía của nông dân” như ông Lại Thế Nguyên, Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc nhấn mạnh tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa mới đây khiến “người trồng mía càng làm càng lỗ, càng thêm nợ”.

Hiện Thanh Hóa có hơn 36.000 ha mía, cung cấp nguyên liệu cho NM đường Lam Sơn (Thọ Xuân); NM đường Việt - Đài (Thạch Thành) và NM đường Nông Cống (Nông Cống). Tuy nhiên, năng suất mía bình quân chỉ đạt gần 56 tấn/ha (thống kê năm 2013) nên đa số người trồng mía thua lỗ.

Theo anh Hà Văn Thương, xã Điền Quang, huyện Bá Thước thì hạch toán chi phí đầu tư trồng mới 1 ha mía hết khoảng 56 triệu đồng (trong đó khai hoang, cày bừa 17 triệu; phân bón 15 triệu; giống 9 triệu; thuốc BVTV 2 triệu; công thu hoạch 11 triệu đồng; công làm cỏ, đánh lá, phun thuốc hơn 2 triệu), bán với giá 0,8 triệu đồng/tấn (giá sàn), sau khi trừ chi phí còn "âm" 11,2 triệu đồng.

“Làm mía đầu tư rất lớn song giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào NM nên hầu hết bà con trong xã tôi đều nợ chồng chất. Nếu muốn có lãi thì năng suất mía phải đạt từ 80 tấn/ha trở lên, ít nhất cũng là 60 tấn/ha. Thế nhưng ở xã Điền Quang phần lớn diện tích mía chỉ đạt 40 - 45 tấn/ha", anh Thương tâm sự

Không chỉ ở Điền Quang, ngay vùng mía nguyên liệu huyện Thạch Thành, dù được đầu tư thâm canh nhưng “năng suất mía, chất lượng đường rất thấp và không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu”, ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành nói.

Ông Quý cũng cho biết, kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện đến 2015 là sẽ giảm từ 3.000 - 6.000 ha mía năng suất dưới 80 tấn/ha để chuyển sang cây trồng khác.

Nhanh hơn Thạch Thành, từ đầu niên vụ mía 2014 - 2015 huyện Ngọc Lặc đã chuyển gần 2.000 ha mía trồng trên đất có độ dốc trên 15 độ sang trồng ngô bởi theo ông Lại Thế Nguyên thì bây giờ đầu tư của các NM đường không còn được như trước và nông dân càng làm mía càng lỗ.

22-26-16_1
Nhiều diện tích mía không còn phát huy hiệu quả

Đồng quan điểm với ông Quý, ông Nguyên, ở góc độ quản lý ngành, ông Mai Bá Luyến, Phó GĐ Sở NN-PTNT Thanh  Hóa nhấn mạnh: “Cả năm bà con cắm cúi làm mía nhưng thu hoạch đã không có lãi lại "âm". Cho nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác là điều tất yếu. Từ nay đến 2015 toàn tỉnh sẽ giảm diện tích mía xuống còn 30.000 ha và giữ ổn định mức 29.000 ha vào năm 2020 để tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất lên 82 tấn/ha (2020)".

Tập trung cây ngô

Việc định hướng đến 2020 tăng tổng diện tích ngô từ 52.011 ha (2013) lên 62.000 ha và 72.000 ha (2025) của Thanh Hóa là một giải pháp góp phần giúp Việt Nam giải quyết nghịch lý nhập khẩu hàng triệu tấn ngô/năm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. 

Diện tích mía phải chuyển đổi chủ yếu ở các huyện miền núi Như Thanh, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thạch Thành, Bá Thước... vì vậy cây trồng thay thế hiệu quả nhất được lựa chọn là ngô. Bước đi này cũng phù hợp với định hướng chung của Bộ NN-PTNT nhằm cung cấp nguyên liệu cho các NM chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm bớt lượng ngô nhập khẩu.

Ngoài quỹ đất từ cây mía chuyển sang, như đã nói ở bài viết trước, những diện tích đất lúa kém hiệu quả cũng sẽ được chuyển đổi sang trồng ngô hoặc đậu tương. Tuy nhiên, theo ông Mai Bá Luyến thì cây ngô sẽ khả quan hơn đậu tương vì thị trường dành cho ngô rộng lớn hơn rất nhiều.

Theo đó, ngoài việc phân chia các vùng trọng điểm ngô để đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, đưa cơ giới hóa vào SX, Thanh Hóa sẽ thử nghiệm gieo trồng giống ngô biến đổi gen, trước mắt thử nghiệm tại Trung tâm Giống cây trồng nông nghiệp tỉnh để làm tiền đề nhân rộng ra các vùng chuyên canh.

Đồng thời, bố trí một phần diện tích nhất định tại các huyện gần đô thị, SX giống ngô thực phẩm ăn tươi, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích cho nông dân. Đặc biệt, với “tiềm năng” quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa, Thanh Hóa hướng tới SX một số giống ngô có khả năng trồng dày, sinh khối lớn để làm thức ăn cho đàn bò.

Nói về chiến lược đầu ra cho sản phẩm ngô, ông Mai Bá Luyến cho hay, ngoài duy trì phát triển hệ thống sấy ngô tại huyện Cẩm Thủy và Cty CP Nông sản thực phẩm Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 1 cơ sở chế biến ngô với quy mô tối thiểu 50.000 tấn/năm.

Tuy nhiên để xây dựng được một NM lớn như trên cần phải có nguồn kinh phí lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không thể đủ để tái cơ cấu toàn ngành.

Ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành hiến kế: “Cần nhất bây giờ là kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp. DN ở Thanh Hóa rất nhiều nhưng hầu hết không mặn mà với nông nghiệp mà chỉ chăm chăm xin khai thác khoáng sản. Số ít DN đã đầu tư vào nông nghiệp đều phát triển bền vững”.

Nhưng để đề án này thành công, Thanh Hóa cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn để thay đổi tư duy SX manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt là ở các huyện khu vực miền núi; áp dụng cơ giới hóa, TBKT vào SX bằng các giống ngô biến đổi gen; xây dựng hệ thống nước tưới, các biện pháp thâm canh (nhất là sử dụng phân viên nén) để tăng năng suất; đặc biệt là hình thành các cơ sở phơi sấy, chế biến tập trung để đảm bảo chất lượng hàng hóa, không để người nông dân bị động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.