| Hotline: 0983.970.780

Miền quê đáng sống

Thứ Bảy 05/02/2022 , 07:10 (GMT+7)

'Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba. Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến Bắc Cần Thơ…'.

Bến phà xưa đã được thay bằng cầu Cần Thơ vượt sông Hậu mươi năm trước, tiếng ai hát chiều cuối năm như đang giục thời gian qua nhanh. Thời khắc chuyển giao đượm nỗi buồn năm cũ, vừa thắp sáng kỳ vọng một năm mới tốt đẹp hơn về những miền quê đáng sống.  

Những cuộc di cư - Dấu chân lấm bùn của nông dân 

Nhìn lại lịch sử phát triển đồng bằng, vùng đất được mệnh danh “đất lành, chim đậu, vựa lúa quốc gia, chén cơm châu Á” luôn tiếp nhận người tứ xứ đến lập nghiệp nhiều hơn là sự ra đi. 

Người dân miền Tây đi lên các thành phố lớn như: TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai... tìm sinh kế mới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân miền Tây đi lên các thành phố lớn như: TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai... tìm sinh kế mới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhưng theo số liệu Tổng điều tra dân số nhà ở toàn quốc, chỉ trong một thập niên (2009 - 2019) đã có hơn 1,3 triệu người miền Tây, cao hơn số dân của một vài tỉnh trong vùng, đã di cư khỏi vùng này đi tìm sinh kế mới.

Trong “Từ điển tiếng miền Tây” có thêm từ “đi Bình Dương” để chỉ người khó khăn, vỡ nợ phải bỏ quê đi tìm sinh kế, không chỉ làm công nhân mà còn làm đủ nghề bấp bênh khác. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm là nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn miền Tây ra khỏi khu vực truyền thống.

Xét trên bình diện chung, thì dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là một tất yếu. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong mối quan hệ giữa các đô thị và khu vực nông thôn trong vùng, giữa Đồng bằng sông Cửu Long - vùng nông nghiệp lớn nhất nước gắn với TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh.

Nhưng di cư tự phát làm nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị đón nhận dòng nhập cư ồ ạt và tác động xấu trở lại khu vực nông thôn, làm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc, lối sống không lành mạnh.

Đáng lo ngại là người miền Tây di cư trong điều kiện thiếu kiến thức, chủ yếu là lao động phổ thông, một bộ phận lao động nữ hành nghề nhạy cảm...

Cộng với những tác động tiêu cực tích lũy, liên hoàn chậm được khắc phục về mô hình phát triển nặng về khai thác tài nguyên, chạy theo số lượng, nhất là tăng trưởng liên tục sản lượng lúa gạo mà chưa thật sự coi trọng gia tăng giá trị và chất lượng tăng trưởng.

Nghịch lý vẫn đang diễn ra khi mà tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chưa giảm tương ứng với tỷ lệ tăng sản lượng lúa được cha mẹ chúng làm ra.

Công nhân làm việc ở các nhà máy chế biến thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công nhân làm việc ở các nhà máy chế biến thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh đó, “cơn bão” mang tên Covid-19 quét qua năm 2021, làm đảo lộn nhiều thứ. “Làn sóng di cư ngược” chưa từng có trong lịch sử đã xảy ra, nhanh hơn những cuộc ra đi rời bỏ ruộng đồng trước đó, dịch bệnh đẩy những dòng người lao động ngoại tỉnh từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lũ lượt hồi hương miền Tây trong những ngày tháng 10/2021, sau đợt giãn cách kéo dài mất việc, sống bấp bênh.

Định vị lại cuộc mưu sinh

Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế thời gian qua theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. 

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia ĐBSCL chỉ chiếm 7,4% số doanh nghiệp cả nước. Trong khi số lượng doanh nghiệp cả nước tăng bình quân 17% giai đoạn 2001 - 2019, thì vùng ĐBSCL chỉ tăng 9,8%. Cơ cấu doanh nghiệp của vùng trong tổng số doanh nghiệp cả nước lại giảm nhanh từ 23,3% năm 2000 xuống còn 7,4% vào năm 2018. 

Sự chuyển đổi kinh tế thời gian qua theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sự chuyển đổi kinh tế thời gian qua theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh những ông “vua nông sản” xuất hiện như một sản phẩm của đổi mới thời gian qua, thì một bộ phận không nhỏ dân cư miền Tây là người nghèo, đa số nông dân cần được định vị lại cuộc mưu sinh bền vững hơn.

Thực trạng những cuộc di cư xuôi - ngược, mang đậm dấu chân lấm bùng của người miền Tây thời gian qua là những chỉ dấu quan trọng để rà soát chính sách và thực thi chính sách hơn là sự can thiệp thô bạo bằng các biện pháp hành chính để chặng dòng di cư vốn theo lẽ tự nhiên “nước chảy về chỗ trũng”.

Những cuộc di cư như “lẽ thường”, nhưng thật sự rất đáng báo động cùng các hệ lụy tiêu cực cho thấy sự tụt hậu rõ ràng về hạ tầng giao thông, mặt bằng dân trí, điểm nghẽn phát triển vùng đang đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ, không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ xem xét, giải quyết về mặt xã hội, mà cần lời giải tổng thể, phải tính đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới; các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn.

Cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo thiết thực hơn và thực thi có hiệu quả hơn. Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang cần sự sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật, rồi trộn lẫn với chính sách giảm nghèo có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua, thì rõ ràng là “không ăn thua”. 

Nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp, doanh nhân hóa nông dân, rất cần được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể, thiết thực, phải đến được với nông dân, phải là hoạt động thực tiễn ở nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp, doanh nhân hóa nông dân, rất cần được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể, thiết thực, phải đến được với nông dân, phải là hoạt động thực tiễn ở nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người nông dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp, doanh nhân hóa nông dân, rất cần được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể, thiết thực, phải đến được với nông dân, phải là hoạt động thực tiễn ở nông thôn.

Để “hồi hương” không phải là chọn lựa chẳng đặng đừng của nhiều lao động làm thuê bấp bênh, cần tạo dựng niềm tin nơi người dân. Cần những ưu tiên cho tam nông, ly nông bất ly hương, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông mới thực chất… hơn là câu chữ khẩu hiệu mà thực sự là một miền quê có việc làm, đáng sống.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.