Tỉnh táo trước thông tin tuyển dụng trên mạng
Bà Nguyễn Đình Hồng Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho biết hiện nay, nhiều chiêu trò đăng thông tin tuyển dụng lao động trên mạng xã hội hoặc nhắn tin qua điện thoại để xâm nhập vào dữ liệu cá nhân từng người nắm bắt tâm lý của người lao động có nhu cầu.
Vì vậy, nếu người lao động không tỉnh táo, không phân biệt thông tin đến từ chiêu trò lừa đảo của nhà tuyển dụng không có thực thì rất dễ bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa làm việc tại những thị trường lao động không phải là chính thống.
Thực tế tại tỉnh Khánh Hòa đã từng xảy ra tình trạng người lao động bị lừa qua nhắn tin vào điện thoại để tuyển dụng việc làm. Họ hứa sẽ đào tạo nghề cho người lao động nhưng thu phí. Tuy nhiên sau đó họ đưa lao động đi làm ở thị trường có vị trí việc làm không phù hợp.
Do đó, người lao động cần thận trọng với những thông tin không đáng tin cậy, cũng như đừng bao giờ nghĩ có công việc nhẹ nhàng mà lương cao. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải thận trọng xác minh người tuyển mình là ai và pháp lý có rõ ràng không trước khi quyết định chuyển tiền hoặc chấp nhận đi học đào tạo để tránh mất phí một cách đáng tiếc.
Bà Nguyễn Đình Hồng Loan khuyến cáo, người lao động muốn có việc làm ổn định tốt nhất đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa (địa chỉ 26 Lê Quý Đôn, TP Nha Trang) để kiếm việc, cũng như sẽ được giới thiệu thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, được cấp phép đầy đủ cơ sở pháp lý để người lao động tham vấn, tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên người lao động cũng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, khi thỏa thuận ký kết, bà Loan khuyến cáo người lao động hạn chế cung cấp thông tin cá nhân trên trang mạng xã hội. Bởi khi chúng ta cung cấp dữ liệu cá nhân trên mạng, nhiều tổ chức lừa đảo hay lấy dữ liệu này xâm nhập để lừa đảo tài chính hoặc lừa đảo chúng ta ra thị trường lao động nước ngoài nhưng không chính thống.
Bà Loan cho biết thêm, để giúp người lao động tìm kiếm vị trí việc làm phù hợp, thời gian qua, Trung tâm luôn đẩy mạnh kênh truyền thông, đưa thông tin tiếp nhận từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng trên trang fanpage, zalo của Trung tâm.
Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm xây dựng chương trình tạo phiên việc làm lưu động tới từng địa phương, tổ chức đến cấp xã trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Khi đó, người lao động ở các địa phương được tiếp cận gần nhất về nhu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp. Trung tâm cũng sẽ tư vấn, tham vấn người lao động kết nối thành công với doanh nghiệp tuyển dụng để họ có việc làm ổn định cuộc sống.
“Để người lao động có nhiều thông tin xác thực hơn về vị trí, nhu cầu mà người lao động cần tìm việc làm, Trung tâm luôn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, kết nối phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm. Cùng với đó, tư vấn định hướng cho các học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào thị trường lao động hoặc các bạn đi học để định hướng việc làm, nghề nghiệp trong định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Từ đó, các bạn có năng lực vào trường đại học sau khi tốt nghiệp có thể quay về để tạo nguồn lao động cho địa phương. Còn các bạn có nhu cầu học hết lớp 12 mà muốn học nghề, chúng tôi cũng làm các hoạt động tư vấn để các bạn học xong có việc làm tốt nhất”, bà Loan chia sẻ.
Những bài học để đời
Giữa năm 2022, qua mạng xã hội, cháu N.T.K.M ở huyện Tuy Phước (Bình Định) cùng bạn trai được giới thiệu đến một căn nhà ở TP. HCM để nhận việc "làm nhẹ nhàng mà lương cao". Tại đây, cả 2 được “dạy nghề” bằng cách được chỉ dẫn các thao tác sử dụng máy vi tính, tạo tài khoản game, app đặt hàng...
Sau đó vài ngày, M. cùng bạn trai và một số người khác được đưa sang Campuchia để làm việc với mức lương thỏa thuận 12 - 17 triệu đồng/tháng. Công việc chính của M. là lên mạng xã hội lừa đảo những người Việt Nam khác bằng hình thức chốt đơn hàng online, yêu cầu khách chuyển tiền cọc mua hàng nhưng sau đó không giao hàng. Thời gian làm việc từ sáng sớm đến 22 giờ hằng ngày và không được tự ý rời khỏi nơi làm việc.
“Thời gian làm việc ban đầu tôi không đạt được định mức đã giao nên bị nhốt, bị bỏ đói để tạo áp lực... Sau đó, nhờ có bạn trai hỗ trợ nên tôi cũng đạt định mức công việc. Thấy tôi làm được việc, người chủ đẩy định mức lên. Quá sức chịu đựng, tôi liên lạc về gia đình để đóng tiền chuộc là 1.700 USD. May mắn là sau đó tận dụng cơ hội được ra ngoài, tôi bỏ trốn thành công”, M. ngậm ngùi kể lại sau khi thoát cảnh làm việc như… ở tù.
Một trường hợp khác là N.T.H. ở huyện Phù Cát (Bình Định) cũng được tuyển dụng làm "việc nhẹ nhàng với mức lương, phúc lợi hấp dẫn" để rồi bị đưa sang Campuchia. H. kể, trong một lần tìm việc trên mạng xã hội, thấy giới thiệu việc làm trên máy tính tiền lương cao nên quyết định ứng tuyển. Sau đó, H. cùng vài người nữa được đưa lên ô tô đi trong đêm để sang Campuchia. Tại đây, công việc của H. là lập các tài khoản Zalo, Facebook giả danh nữ, sau đó tìm kiếm, kết bạn, làm quen, dụ dỗ “con mồi” tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền. H. được trở về sau khi gia đình đóng tiền chuộc 80 triệu đồng.
Đây là 2 trường hợp đơn cử mà nạn nhân may mắn được trở về sau khi sang Campuchia làm việc. Qua việc sàng lọc tin báo từ người dân, hiện trên địa bàn Bình Định vẫn còn vài trường hợp chưa được trở về. Được biết, sau khi bị đưa sang Campuchia, các nạn nhân này bị buộc làm việc trên máy tính, giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, nạn nhân sẽ bị đánh đập, bỏ đói; để được trở về phải nộp tiền chuộc với giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Trước thực trạng trên, ngành chức năng Bình Định đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn, nhất là các thanh thiếu niên đang trong độ tuổi lao động, công việc không ổn định cần thận trọng, cảnh giác trước bẫy “việc nhẹ, lương cao” để không trở thành nạn nhân tiếp theo. Ngành công an tỉnh này cũng đã tiến hành rà soát, nắm bắt; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những chiêu thức của loại tội phạm này.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến đề xuất xây dựng 4 nhóm chính sách: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Trong đó, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.