Đề nghị dừng dự án, làm rõ địa giới 2 tỉnh
2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu được phân chia địa giới hành chính ở khu vực đèo Ô Quý Hồ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ranh giới giữa 2 tỉnh vẫn chưa được làm rõ. Trong khi, Ô Quý Hồ - mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc và ngày càng thu hút nhiều khách du lịch.
Khi dự án “Xây dựng mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng khu vực đèo Ô Quý Hồ” được tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai tại khu vực này thì một lần nữa vấn đề địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu được "xới xáo" lại.
Kiểm tra thực tế, tại hiện trường khu vực đang thực hiện dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng đã dựng một lán trại khung sắt lợp bằng mái tôn, diện tích khoảng 30m2 và đào rãnh tạo luống được 1.200m2 thuộc tiểu khu 193B, khoảnh 1.
Tại đây, có 7 nhân công phát, dọn lớp thực vật dưới tán rừng và đánh luống với mục đích trồng dược liệu. Ngoài ra, một căn nhà bằng tôn đã được dựng lên để phục vụ cho việc ăn ở, sinh hoạt của những nhân công trồng dược liệu khu vực đang thực hiện dự án...
Mới đây, bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã trực tiếp xuống hiện trường, kiểm tra hiện trạng đất rừng đã giao khoán cho người dân trong tỉnh tại khu vực đèo Ô Quý Hồ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, khi chưa ngã ngũ địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu thì đề nghị dừng triển khai dự án trồng dược liệu. Sau khi kiểm tra thực địa, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với tỉnh Lào Cai để dừng dự án và để xác định, thống nhất địa giới hành chính khu vực này thuộc Lào Cai hay Lai Châu.
Giữa Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Lào Cai) và Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường (Lai Châu) cùng UBND xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) ngay sau đó cũng đã có buổi làm việc với nội dung kiểm tra hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực thực hiện dự án trồng dược liệu dưới tán rừng trong phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Căn cứ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp liên quan khu giáp ranh giữa phường Ô Quý Hồ, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa, Lào Cai) và xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu), tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh có sự chồng lấn địa giới hành chính có diện tích tự nhiên là 172,3ha.
Lý lẽ của các bên
Liên quan vấn đề nêu trên, theo ông Trần Quốc Nam, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hoàng Liên, phần diện tích thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng là đất rừng thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý theo quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa thành Vườn quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai.
Ngoài ra, thực hiện quyết định số 3061/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt dự án "Xây dựng mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng khu vực đèo Ô Quý Hồ", Vườn quốc gia Hoàng Liên và quyết định số 1877/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh kéo dài thời gian dự án, thì diện tích mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng hoàn toàn nằm trong diện tích do Vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Tài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường (Lai Châu) cho rằng, theo chỉ thị 364/CT ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã (nay là Thủ tướng Chính phủ), khu vực thi công dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Lai Châu.
Mặt khác, theo biên bản khảo sát ngày 22/10/2021 về việc kiểm tra hiện trạng khu vực chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu khu vực đỉnh đèo Sa Pa thì ranh giới giữa 2 tỉnh chưa rõ ràng.
Theo công bố diễn biến rừng toàn tỉnh Lai Châu năm 2022 thì khu vực đang thi công dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng thuộc tiểu khu 193B, khoảnh 1, các lô 16b, 14, 14c, 14a, 14b.
Do vậy, đề nghị Vườn quốc gia Hoàng Liên tạm dừng thi công dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng để giải quyết dứt điểm việc chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu.
Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho rằng, đất đang trong khu vực thực hiện dự án đã được UBND huyện Phong Thổ (nay là UBND huyện Tam Đường) giao cho ông Trần Đình Hà ở bản 46, xã Sơn Bình quản lý. Khu vực này hiện đang giao khoán cho cộng đồng bản Tân Hợp trông coi bảo vệ và hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng.
Theo đại điện cho gia đình ông Trần Đình Hà, cũng như hàng trăm hộ gia đình khác, hộ gia đình ông được quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 30/1/2002, có nghĩa là hộ gia đình được giao và khoanh nuôi bảo vệ rừng trước khi có quyết định liên quan đến Vườn quốc gia Hoàng Liên.