| Hotline: 0983.970.780

'Mở cửa' du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng

Thứ Năm 18/07/2024 , 16:40 (GMT+7)

Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018.

Chỉ rõ thời gian tồn tại của công trình phục vụ du lịch sinh thái

Một trong những điểm mới của Nghị định là việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng.

Cán bộ tuần rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Trọng Linh.

Cán bộ tuần rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Trọng Linh.

Theo đó, chủ rừng phải nêu rõ vị trí, địa điểm, quy mô, vật liệu, chiều cao, mật độ, tỷ lệ dự kiến và thời gian tồn tại của công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tùy thuộc vào hiện trạng rừng từng khu vực, bảo đảm chức năng của khu rừng.

Ngoài các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy như yêu cầu trước đây, chủ rừng phải chỉ rõ giải pháp về vốn, nguồn lực đầu tư, phương thức tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giá cho thuê môi trường rừng.

Kinh phí lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm, từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng hoặc từ nguồn tài chính hợp pháp khác.

Rút ngắn thời gian phê duyệt đề án

Về trình tự thẩm định, phê duyệt đề án, chủ rừng gửi 1 bộ hồ sơ đến Sở NN-PTNT đối với khu rừng đặc dụng thuộc địa phương quản lý, hoặc Cục Lâm nghiệp đối với khu rừng đặc dụng thuộc Bộ NN-PTNT quản lý thay vì 2 bộ như trước đây.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi chủ rừng để hoàn thiện và nêu rõ lý do.

Trong 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổ chức lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về hồ sơ và nội dung của đề án. Trong 15 ngày kể từ ngày nhận văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Trong 15 ngày kể từ khi nhận ý kiến thẩm định bằng văn bản, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn thành thẩm định, rút ngắn 5 ngày so với Nghị định 156. Trong 10 ngày kể từ lúc nhận đầy đủ hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh (đối với khu rừng đặc dụng thuộc địa phương quản lý) hoặc Bộ NN-PTNT (đối với khu rừng đặc dụng thuộc Bộ quản lý) quyết định phê duyệt đề án, rút ngắn 5 ngày so với trước.

Vườn quốc gia Cúc Phương - một trong khu rừng đặc dụng triển khai đa dạng các hoạt động du lịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn quốc gia Cúc Phương - một trong khu rừng đặc dụng triển khai đa dạng các hoạt động du lịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Công khai việc cho thuê môi trường rừng

Theo Khoản 6, điều 14 Nghị định số 91, chủ rừng được phép cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Việc cho thuê môi trường rừng phải được thông báo công khai, rộng rãi trong thời gian tối thiểu là 30 ngày, bằng các hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc; đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có); đăng trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp của chủ rừng. Đây là điểm mới trong Nghị định.

Về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng cần nêu thông tin chung về chủ rừng; Vị trí, diện tích, địa điểm cho thuê môi trường rừng và phương thức dự kiến tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; Tóm tắt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hồ sơ kỹ thuật và thời gian, địa chỉ nộp hồ sơ.

Chủ rừng tổ chức xây dựng hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng. Hồ sơ kỹ thuật trước khi thông báo công khai phải được chủ rừng phê duyệt, bao gồm các tiêu chí như: Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Ngoài ra, phương án tổ chức kinh doanh phù hợp với đề án được phê duyệt; Phương án đầu tư tài chính; dự kiến nguồn thu và phương án giá thuê môi trường rừng; Phương án xử lý tài sản sau khi hết thời gian hợp đồng; Cam kết thời gian thực hiện dự án, thời gian khai thác, phát sinh doanh thu.

Ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng được đánh giá thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Các tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật được quy ra số điểm để làm căn cứ đánh giá, lựa chọn với quy định điểm tối thiểu đủ điều kiện đạt của từng tiêu chí. Tổng điểm các tiêu chí đánh giá của hồ sơ kỹ thuật là 100, trong đó quy định tổng điểm tối thiểu đủ điều kiện. Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện khi đạt được điểm tối thiểu của tất cả các tiêu chí và tổng điểm tối thiểu đủ điều kiện.

Thuê để kinh doanh thì không phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Giá cho thuê môi trường rừng trong hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu và phải quy ra giá trị tuyệt đối để chủ rừng đánh giá, được ghi rõ trong hợp đồng cho thuê môi trường rừng.

Trường hợp sau khi ký hợp đồng, tỷ lệ phần trăm tổng doanh thu theo thực tế được quy ra giá trị tuyệt đối thấp hơn mức giá trị tuyệt đối ghi trong hợp đồng ký kết thì số tiền tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng nộp cho chủ rừng tối thiểu bằng số tiền ghi trong hợp đồng.

Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thì không phải thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thuê môi trường rừng.

Thời gian thuê môi trường rừng không quá 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng, hết thời gian cho thuê nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu gia hạn thì chủ rừng xem xét kéo dài thời gian cho thuê không quá hai phần ba thời gian thuê lần đầu.

Trước khi ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, chủ rừng phải thực hiện kiểm kê, thống kê hiện trạng rừng theo trạng thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng để làm căn cứ bàn giao mốc giới, hiện trạng và quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.

Cán bộ kiểm lâm Bắc Giang tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ kiểm lâm Bắc Giang tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Ảnh: Bảo Thắng.

Chấm dứt hợp đồng nếu không thực hiện dự án trong 24 tháng

Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân đã được lựa chọn, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm phù hợp Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có cấu phần xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các công việc thuộc giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng của dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ các quy định về xây dựng.

Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án thực hiện theo quy định về đầu tư công, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, chủ rừng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng hoặc hợp tác, liên kết trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đúng quy định.

Sau thời gian 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác, liên kết hoặc thuê môi trường rừng, nếu tổ chức, cá nhân không triển khai thực hiện dự án, chủ rừng xem xét chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp do thiên tai, dịch bệnh, trở ngại khách quan trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý và các sự kiện bất khả kháng khác do hai bên thỏa thuận.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.