| Hotline: 0983.970.780

Mô hình 'chuỗi phân' chăn nuôi liên hoàn khép kín

Thứ Hai 15/07/2019 , 11:01 (GMT+7)

Bên bờ sông Hồng thuộc thôn Hoàng Xuyên, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đang có khu sản xuất tổng hợp VAC (vườn, ao, chuồng) theo quy trình chuỗi khép kín đầy khoa học và sáng tạo.

Đó là mô hình VAC sử dụng chuỗi phân làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, trồng trọt, giúp giảm chi phí đầu tư, mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩ về kinh tế, xã hội, môi trường.

Mô hình này là của anh Phan Văn Đỗ. Đã nhiều năm nay, anh và gia đình mạnh dạn dồn vốn đầu tư, quy hoạch cải tạo vùng đất bãi thành mảnh đất tràn đầy sức sống với màu xanh của cây ăn trái và sự đa dạng các con nuôi, thuỷ sản.

Trên mảnh đất 11ha quy hoạch từ chủ trương “tích tụ ruộng” được thuê lại với thời gian 30 năm, anh Đỗ đã tiến hành cải tạo, xây dựng, phân khu cho từng đối tượng sản xuất, gồm: khu trồng cây ăn quả, khu chăn nuôi và khu nuôi trồng thuỷ sản.

Anh Phan Văn Đỗ (mặc áo đen) giới thiệu về khu trồng cây ăn quả của trang trại.

Đặc biệt mô hình sử dụng chuỗi phân làm nguồn thức ăn cho cây trồng, vật nuôi rất hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, cụ thể: Nuôi trâu, bò ngoài việc chính là xuất bán, còn lấy phân làm thức ăn nuôi giun quế; giun quế lại làm thức ăn trực tiếp cho cá và gà; phân gà được tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Công thức này đã giúp chủ động nguồn thức ăn cho các đối tượng sản xuất, hay nói cách khác “thay vào việc phóng uế chất thải chăn nuôi ra môi trường thì tận dụng nó làm nguồn thức ăn quan trọng cho các mắt xích sau trong chuỗi thức ăn”.

Cầm trên tay một vốc hỗn hợp phân gia súc đã được giun quế cuộn tròn tiêu huỷ, anh Đỗ cho biết: Việc lấy phân bò làm thức ăn trực tiếp cho giun giúp tiêu hao từ 70 - 80% lượng phân tươi, lượng còn lại làm phân bón cho cây trồng của trang trại, vì vậy không gây ô nhiễm môi trường.

Từ việc chủ động được nguồn thức ăn theo chuỗi, anh Đỗ đã tìm tòi nghiên cứu các đối tượng đưa vào sản xuất trong mô hình một cách khoa học, hợp lý, mỗi một đối tượng sản xuất là một mắt xích quan trọng trong chuỗi khép kín.

Đối với chăn nuôi, chuồng trại cho từng vật nuôi được xây dựng phù hợp theo yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là sắp xếp liền kề theo thứ tự chuỗi khép kín, để thuận lợi cho việc chăm sóc, ăn uống.

Đầu tiên là khu chuồng nuôi gia súc, thường xuyên duy trì từ 130 -150 con/lứa, trong đó có 4 con bò sữa đang trong giai đoạn chửa. Đối với nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao, anh thường mua những con gầy về vỗ béo, khi đạt trọng lượng 4 - 5 tạ/con thì xuất bán, trung bình mỗi tháng anh tiêu thụ 30 - 50 con.

Tiếp đến là diện tích chuồng nuôi giun quế được ngăn thành từng ô nhỏ. Liền kề là chuồng nuôi gà, mỗi lứa nuôi từ 2.500 - 3.000 con gà. Nhờ chủ động nguồn giun quế làm thức ăn cho gà nên chi phí nuôi gà chỉ tốn 30.000 - 35.000 đồng/con, trọng lượng gà khi xuất bán trung bình đạt 2,5 - 3 kg/con, với giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Anh Phạm Trần Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Đạo cho biết: Mô hình VAC theo chuỗi khép kín của anh Phan Văn Đỗ là mô hình không những tiêu biểu của xã, mà còn của huyện Lý Nhân. Mô hình hoạt động hiệu quả, được xã tin tưởng lựa chọn tham gia các chương trình, dự án của tỉnh, huyện như chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (2017), chương trình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” và mô hình nuôi gà lông màu (2019).

Bên cạnh đó, anh dành 2,5 ha để cải tạo thành ao nuôi cá, một nửa nuôi giống đặc chủng trắm đen, một nửa nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”.

Khu vực phần lớn còn lại dùng trồng cây ăn quả, gồm 6.000 gốc bưởi các loại như bưởi Diễn, đào đường, Tân Lạc, bưởi Hoàng, bưởi đỏ tiến vua, bưởi siêu ngọt.

Ngoài ra còn trồng 2.000 gốc cam V2 và cam Cao Phong; 2.000 gốc mít giống Thái Lan.

Trong tất cả các loại cây ăn quả hiện nay mới chỉ có  cây cam đã cho thu hoạch với sản lượng năm đầu (2018) đạt trên 20 tấn, giá bán 18.000 – 20.000 đồng/kg và dự kiến năng suất năm nay sẽ cao hơn gấp 3 lần.

Để vận hành sản xuất 1 trang trại VAC rộng lớn như vậy, gia đình anh Đỗ đã tiên phong trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đưa cơ giới hóa vào sản xuất như áp dụng máy đào rãnh, đào đất, máy bơm, máy phay, máy cắt cỏ, thái cỏ, máy trộn thức ăn, máy nghiền, máy sủi nước cho cá…; sử dụng các giống bò mới như bò Campuchia, Thái Lan, Úc, lai Sind, BBB.

(Trung tâm Khuyến nông Hà Nam)

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.