Chăn nuôi chiếm tỷ trọng thấp
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, với dân số khoảng 1,8 triệu người, nhu cầu thịt xẻ các loại của địa phương khoảng 65.000 tấn/năm. Tuy nhiên, với tổng đàn vật nuôi hiện nay mới tự sản xuất, cân đối được khoảng 45.000 tấn, thiếu khoảng 20.000 tấn/năm.
Trong đó, riêng thịt heo thiếu hụt khoảng 13.000 - 14.000 tấn/năm (nhu cầu thịt heo chiếm tỷ trọng 65-70% thịt tiêu dùng hàng ngày), tương đương với lượng heo hơi thiếu hụt là 150.000 - 200.000 heo thịt/năm.
Mặc dù có dư địa lớn nhưng ngành chăn nuôi tại Kiên Giang chậm phát triển, giá trị sản xuất chỉ chiếm hơn 10% GRDP ngành nông nghiệp.
Theo ông Xuyên, thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh hiện nay là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự phát vẫn chiếm đa số. Toàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 30.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm khoảng 70-80% tổng đàn vật nuôi.
Do đó, giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi còn khá khiêm tốn, năm 2021 đạt khoảng trên 4.600 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt hơn 5.800 tỷ đồng, lần lược chiếm 10% và 12% GRDP ngành nông nghiệp.
Theo Đề án phát triển ngành chăn nuôi Kiên Giang, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển dàn heo đạt 320.000 con, đàn bò 13.000 con, đàn trâu 4.500 con, đàn gia cầm là 6 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 90.800 tấn, trứng gia cầm là 370 triệu quả.
Tuy nhiên, với thực trạng ngành chăn nuôi phát triển chậm như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi ngại đầu tư thì mục tiêu này khó có thể đạt được.
Liên kết chuỗi chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, trong bối cảnh hiện nay, để ngành chăn nuôi phát triển cần phải liên kết chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để dẫn dắt. Đầu tư quy trình chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao, số hóa vào sản xuất đang là xu thế phát triển.
Hiệu quả mang lại từ các chuỗi chăn nuôi 3F (Feed - Farm - Food) của các Công ty C.P, Emivest tại Kiên Giang… đang mở ra nhiều triển vọng, cơ hội hợp tác cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Không chỉ liên kết phát triển chăn nuôi, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam còn có 18 cửa hàng Fresh Shop tại các huyện, thành phố lớn của tỉnh, cung ứng thịt, trứng sạch cho siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh, nhà hàng, người tiêu dùng với sản lượng khoảng 2.000 - 3.000 tấn/năm, đang rất được ưa chuộng vì tiện lợi, an toàn, thân thiện, giá bán công khai hợp lý.
Hiện nay, đang có sự chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang phát triển chăn nuôi trang trại chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Đặc biệt, tại vùng Tứ giác Long Xuyên với điều kiện đất sản xuất nông nghiệp lớn, dư địa phát triển chăn nuôi còn nhiều, đây sẽ vùng ưu tiên tập trung cơ sở chăn nuôi trang trại vừa, trang trại lớn và các hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt.
Các huyện trong vùng như Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành dự kiến đến năm 2030 sẽ hình thành các vùng chăn nuôi tập trung khoảng 500ha cho các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, quy mô lớn. Hiện nay, đã có đơn vị đầu tư trang trại nuôi heo công nghệ cao tại đây với quy mô 4.900 con/lứa.
Tại các vùng chăn nuôi tập trung kết hợp xây dựng cơ sở chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm và sản xuất phân hữu cơ theo quy trình công nghiệp nhằm tận dụng phế, phụ phẩm trong chăn nuôi.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang có 41 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có 33 trại chăn nuôi heo với quy mô hơn 35 ngàn con /lứa nuôi, nuôi quay vòng được 2,2 lứa/năm. Có 8 trang trại chăn nuôi gia cầm với số lượng 320.000 con/lứa, khả năng quay vòng 3 - 4 lứa/năm.
Trong đó, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt nam - Chi nhánh Kiên Giang chiếm thị phần lớn nhất với 32 trại. Còn lại, nuôi gia công cho Tập đoàn Mavin, Công ty CJ Vina Agri. Đây là nòng cốt, dẫn dắt, kiến tạo liên kết chuỗi chăn nuôi.