Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản Hậu Giang cho biết, tỉnh hiện có đàn gia cầm tương đối lớn, với tổng đàn trên 4,3 triệu con, trong đó, đàn già là hơn 1,7 triệu con, còn lại là đàn vịt.
Hiện đơn vị đang khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vacxin phòng các bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là tại các địa phương có nguy cơ cao hoặc đàn gia cầm đã được tiêm vacxin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn gia cầm tại thời điểm tiêm.
Cụ thể, trong tháng cao điểm (từ 11/2-10/3) lực lượng thú y tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cúm gia cầm được trên 614.000 con. Trong đó, lực lượng thú y trực tiếp tiêm phòng hơn 60.000 con/117 hộ chăn nuôi, đồng thời giám sát người chăn nuôi tiêm phòng trên 554.000 con gia cầm.
Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y tiêm và giám sát tiêm phòng 910.603 con gia cầm. Trong đó, Thú y tiêm phòng được 109.000 con/274 lượt hộ chăn nuôi và giám sát tiêm phòng 802.000 con gia cầm.
Cùng với việc đẩy mạnh tiêm phòng vacxin, từ đầu năm đến nay lực lượng thú y Hậu Giang đã thực hiện và giám sát công tác tiêu độc, khử trùng thường xuyên phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật với trên 2.100 lượt xe. Giám sát vệ sinh tiêu độc, khử trùng hơn 1,3 triệu m2 tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, có biện pháp ngăn chặn các loài truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài truyền bệnh.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhằm đảm bảo ngăn chặn các bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.
Chỉ đạo ngành chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện tốt tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2023 theo kế hoạch. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
Kiên Giang là tỉnh có tuyến biên giới với Campuchia, nước mới đây đã ghi nhận ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Do đó, cùng với việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm qua lại tuyến biên giới, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác tiêm phòng bổ sung vacxin cúm gia cầm cho đàn vật nuôi, nhằm tăng cường sức đề kháng.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết: “Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay đó chính là đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm. Những tháng đầu năm, bình quân lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh tiêm phòng được 200.000 liều/tháng. Tính đến nay đã tiêm gần 600.000 liều và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai tiêm trên diện rộng. Riêng các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung cho Công ty CP Chăn nuôi CP. Việt Nam đã tự tiêm trên 200.000 liều”.
Cùng với đó là tổ chức thực hiện cao điểm tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Tiến hành cấp phát 1.927 lít benkocid miễn phí cho các hộ chăn nuôi tự phun xịt, khử trùng khu vực chăn nuôi. Phối hợp các đơn vị của Cục Thú y tổ chức 4 đợt lấy mẫu tại các chợ buôn bán gia cầm, nhằm giám sát virus cúm gia cầm tại chợ.
Hiện đang là mùa thu hoạch rộ lúa đông xuân 2022-2023 nên người chăn nuôi thường xuyên di chuyển đàn vịt chạy đồng để tìm thức ăn tự nhiên làm gia tăng nguy cơ lay lan dịch bệnh cúm gia cầm. Thời gian qua, lực lượng thú y Hậu Giang đã quản lý 31 đàn/38.974 con vịt chạy đồng qua lại giữa các địa phương trong tỉnh. Qua giám sát, tất cả những đàn vịt chạy đồng này đều đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 đang còn thời gian miễn dịch.