| Hotline: 0983.970.780

Giá thành sản xuất lúa - Giảm trong tầm tay: Những yếu tố then chốt

Thứ Ba 29/03/2022 , 06:24 (GMT+7)

Giá vật tư tăng cao là thách thức lớn buộc nông dân phải tiết giảm chi phí, trong đó giảm lúa giống và giảm phân bón là yếu tố then chốt để hạ giá thành.

Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) về các giải pháp để hạ giá thành sản xuất lúa.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời phỏng vấn về các giải pháp hạ giá thành sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời phỏng vấn về các giải pháp hạ giá thành sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 được đánh giá thắng lợi, đạt năng suất cao, những yếu tố nào đã giúp đem lại kết quả như vậy, thưa ông?

Thắng lợi của vụ sản xuất lúa có rất nhiều yếu tố, từ công tác chỉ đạo sản xuất, dự báo tình hình khí tượng thủy văn, nguy cơ dịch hại đến công tác chuẩn bị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ đông xuân 2021 - 2022 là 1,578 triệu ha, năng suất ước đạt 7,19 tấn/ha, sản lượng ước đạt 11,358 triệu tấn. Trong đó, riêng vùng ĐBSCL xuống giống 1,505 triệu ha, sản lượng ước đạt 10,912 triệu tấn.

Lịch xuống giống được được triển khai sớm hơn 20 - 30 ngày, nhất là diện tích ở vùng ven biển. Trong các tháng 10 và 11/2021 các địa phương đã chủ động xuống giống theo nước rút nên vẫn đảm bảo đúng kế hoạch. Việc xuống giống trong tháng 1/2022 đã được khuyến cáo hạn chế tối đa.

Cục Trồng trọt đề xuất và định hướng cơ cấu giống lúa theo các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL phù hợp theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo. 

Theo báo cáo từ Sở NN-PTNT các địa phương, vụ đông xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao. Cụ thể giá thành trung bình toàn vùng là 3.266 đồng/kg lúa, tăng khoảng 200 đồng/kg. Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ nên nông dân dần thay đổi trong việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành. Nhờ đó, mặc dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao. Tính trung bình giá thu mua tại thời điểm thu hoạch là 5.500 đồng/kg thì lợi nhuận đạt khoảng 18 triệu đồng/ha.

Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 sản xuất trong điện kiện giá vật tư tăng rất cao, Cục Trồng trọt đã có những chỉ đạo, giải pháp gì để hỗ trợ nông dân giảm giá thành? 

Trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng cao thì việc tiết giảm chi phí sản xuất, trong đó giảm lúa giống gieo sạ và giảm phân bón là yếu tố then chốt để hạ giá thành. Chương trình giảm lượng lúa giống gieo sạ tại các tỉnh, thành ĐBSCL đã được Bộ NN-PTNT phát động nhiều năm qua và đã có những tác độc tích cực tới sản xuất.

ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiểm tra sản xuất lúa đồng xuân 2021 - 2022 tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiểm tra sản xuất lúa đồng xuân 2021 - 2022 tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Hầu hết các tỉnh đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lúa giống gieo sạ, kết quả cho thấy lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lúa giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất. Thời gian qua, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy… sẽ giúp việc giảm lượng giống lúa gieo sạ được thực hiện tốt hơn.

Kết quả thực hiện giảm lượng giống gieo sạ trong vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 có sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của nông dân, có sự nâng cao về nhận thức của nông dân như giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại theo IPM, sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng, siết nước giữa vụ và cơ giới hóa đồng ruộng... Từ đó, góp phần giúp giảm và ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động như hiện nay.

Ông có thể giới thiệu một số mô hình giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hiệu quả tiêu biểu đang áp dụng tại ĐBSCL?

Thực hiện cánh đồng lớn vẫn được duy trì và phát triển, diện tích hàng vụ ổn định theo sự hợp tác với các doanh nghiệp. Vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích thực hiện cánh đồng lớn ước đạt 160 nghìn ha. Ngoài ra, các tỉnh còn có khoảng 22.447ha mô hình sản xuất lúa nổi bật khác.  

Ông Hoàng Trung (ngoài cùng bên phải) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vạt và ông Lê Thanh Tùng (thứ 2 từ trái qua), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cùng ngành chức năng kiểm tra sản xuất đông xuân 2021 - 2022 tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Hoàng Trung (ngoài cùng bên phải) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vạt và ông Lê Thanh Tùng (thứ 2 từ trái qua), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cùng ngành chức năng kiểm tra sản xuất đông xuân 2021 - 2022 tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể mô hình sản xuất lúa được chứng nhận hữu cơ tại Kiên Giang 629ha, dự kiến cấp mã vùng trồng trên cây lúa với diện tích 372ha, cho xuất khẩu sang thị trường EU. Mô hình sản xuất lúa được chứng nhận VietGAP 839ha tại Tiền Giang và Long An. Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 46ha tại Hậu Giang. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 6.168ha, tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp và Bến Tre. Mô hình canh tác lúa thông minh tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Các mô hình canh tác khác 13.752ha như sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, SRP, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên lúa, giảm đốt đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Mô hình sử dụng phân bón Azotobacterin và nấm trichodermina trong sản xuất lúa với diện tích trên 2.695ha. Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 với quy mô 66,5ha tại Đồng Tháp.

Hầu hết các mô hình sản xuất lúa đều nhằm giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, giúp giảm lượng phân đạm, tăng sức đề kháng cho cây lúa, giảm số lần phun thuốc BVTV. Sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất bền vững. So với ruộng không áp dụng theo quy trình, mô hình đã giúp người dân thu về lợi nhuận cao hơn từ 3 - 8 triệu đồng/ha.

Xin cảm ơn ông!

Bộ NN-PTNT đã có Chị thị về việc sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả, ông có thể chia sẻ để người dân biết và thực hiện hiệu quả?

Trước tình hình giá phân bón tăng cao, ngày 25/1/2022, Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV về việc sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả. Tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất, trồng trọt của địa phương.

Triển khai chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và rác thải sinh hoạt. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, các cơ sở buôn bán tại địa phương. Phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ, kinh doanh phân bón giả, kiếm chất lượng.

Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ. Đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng, “1 phải, 5 giảm”, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất lúa…

Cục Trồng trọt chỉ đạo, giám sát và hướng dẫn các địa phương áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện các hoạt động tập huấn truyền thông, nâng cao nhận thức về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình sản xuất giảm chi phí đầu vào, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả trong các dự án khuyến nông. Lựa chọn chuyển giao và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương để hướng dẫn tập huấn người dân áp dụng.

Hội, Hiệp hội về phân bón phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT trong công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

(Thực hiện)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.