| Hotline: 0983.970.780

Mộng trả vay & chuyện trọc phú đốt tiền cầu lộc

Thứ Tư 16/02/2011 , 10:32 (GMT+7)

Trần sao âm vậy, rất nhiều người đến lễ đền với quan niệm cúng càng nhiều tiền đức thánh càng hiển linh.

Trần sao âm vậy, rất nhiều người đến lễ đền với quan niệm cúng càng nhiều tiền đức thánh càng hiển linh. 

>> Đại gia bao sân khấn, nghèo hèn nghển cổ trông
>> Lễ nhà giàu, lễ nhà nghèo

Chứng kiến một vài người sắm lễ mới biết ở đây người ta chỉ nói chuyện bằng tiền. Tất tần tật đều phải có tiền kể cả… lời khấn nguyện vọng của mình. Ở đền Bà Chúa Kho có một đội quân khấn thuê rất chuyên nghiệp. Người đi lễ chỉ cần đọc họ tên, địa chỉ, quê quán, cơ quan làm việc còn lại tất cả những lời khẩn cầu về tài lộc, danh vọng, tiền bạc thế nào đã có đội quân này lo. Cuối cùng người đi lễ chỉ việc trả tiền khấn thuê. 

Tiền công khấn được tính theo vẻ bề ngoài của người đi lễ. Nom lắm tiền nhiều của thì đội quân khấn thuê này nhiệt tình lắm. Còn nhìn nhếch nhác có khi họ chẳng thèm mời. Cũng vì thế chỉ nghe lâm râm lời khấn cũng biết được anh nào giàu anh nào nghèo. Mấy năm nay đội quân khấn thuê ở đền làm ăn phất lắm. Người giàu đến lễ vay, lễ tạ ngày càng đông. Tâm lý của người có tiền càng muốn khấn bài bản, trọn vẹn nên nghiễm nhiên họ hốt bạc. Một bài khấn với đầy đủ tiền bạc, danh vọng trong vòng vài phút nhưng gặp người đi lễ hào phóng có thể kiếm tiền triệu như chơi. 

Bà Chín, một người bán hàng ở ngoài cổng đền dặn tôi cẩn thận với đám khấn thuê kẻo bị chúng nó "thịt" cho thì khốn. Biết vậy nhưng nào đâu có dễ tránh, mỗi công đoạn là một cạm bẫy mà phần lớn người mới đi cầu kiểu gì cũng dính. Người đi lễ vừa bước vào đền chúng đã xúm vào hỏi han rồi quay ra khấn liên tục. Chỗ linh thiêng ai dám ngã giá hay cãi cọ làm gì lỡ thánh trách quở thì khốn.  

Đền Bà Chúa Kho là nơi người ta cầu tiền bạc, danh lợi nên đẳng cấp phân biệt rõ ràng lắm. Trong câu chuyện của bà Chín có những điều hết sức lạ kỳ nhưng bà cứ kể một cách mặc nhiên. Nào là chuyện một đại gia vàng ở Hà Nội sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sắm lễ đều đặn mỗi năm hai lần. Hay chuyện một đại gia khác ở tận Sài Gòn thuê hẳn chỗ khấn để cho người nhà cúng bái thoải mái, ném cho những người sắm lễ hàng chục triệu đồng tiền công để thuê họ lo các thủ tục cúng bái…  

Với những đại gia này, lúc ra về lộc Bà ban của họ chất thành đống phải chở bằng ô tô. Không ít những chiếc xe từ cổng đền đi ra nhìn đồ sộ lắm. Trên xe cơ man nào là vàng khối, vàng thỏi mà họ cho đó là lộc, là tiền vay mượn của Bà Chúa Kho. “Trần sao âm vậy mà, họ có tiền nên mới làm được thế chứ nhà nghèo muốn thành tâm cũng khó”. Nghe những câu chuyện đó, chứng kiến hàng bao tải tiền được đốt đi để vay khiến đồng nghiệp đi cùng tôi đặt ra câu hỏi ngồ ngộ rằng: “Mỗi ngày không biết người ta vay Bà khoảng bao nhiêu nhỉ”? Thật khó để trả lời câu hỏi ấy nhưng chợt nghĩ rằng những nơi thần thánh linh thiêng thế này nếu có chuyện sòng phẳng như thế thì ngày càng hẹp cửa cho người nghèo đến khấn. 

Chẳng đâu xa, khi tôi ngồi uống nước ở hàng bà Chín thì có ba đại gia còn khá trẻ đi ô tô vào sắm lễ. Tất tần tật những thứ liên quan đến tiền như vàng khối, vàng lá, đô la âm phủ… trong cửa hàng cạnh đấy đều được mua hết. Thì ra họ đang đi vay Bà tiền để mở thêm Cty. Chỉ một phép tính sơ sơ về thứ không thể thiếu trong mâm lễ vật là vàng mã, tiền âm phủ cũng đủ thấy tốn kém lắm rồi. Nhưng đi vay của thánh thần nên chẳng người nào dám tiếc. Hàng chục loại tiền âm phủ khác nhau, từ loại tiền âm phủ cổ xưa đến những ngoại tệ như đôla, đến cả tiền mệnh giá 200 nghìn, 500 nghìn đồng được in ấn chẳng khác gì tiền polymer của cõi dương gian được buộc thành từng bó.  

Rồi họ đi đổi tiền lẻ để cúng các cận vệ Bà Chúa. Ngay tại cửa đền, đổi tiền lẻ xôm tụ đến nhộn nhạo, đổi 100.000 đồng lấy tiền mệnh giá 200 đồng thì chỉ được 60.000 đồng; lấy loại 500 đồng chỉ được 70.000 đồng; 1.000 đồng được 80.000 đồng. Tôi lân la hỏi giá tiền sắm một cái lễ như thế rồi tá hỏa khi biết mỗi người tốn không dưới năm chục triệu đồng. Đem mua lễ một số tiền lớn có khi bằng cả gia tài một gia đình bình bình nhưng họ vẫn mặc nhiên giải thích: “Đi vay Bà để làm ăn thì phải đầu tư thôi. Mua lễ ít tiền lỡ Bà cho người lễ nhiều hơn, sang trọng hơn vay thì khốn”.  Ra thế, họ sắm lễ phải nhìn vào người khác để đua tranh vì sợ của ít Bà lại hẹp hòi.

Cùng ngồi nghe bà Chín kể chuyện người giàu đi lễ với tôi, một nông dân chân đất ở tỉnh Bắc Ninh cũng đi lễ đầu năm bấm đốt tay nhẩm tính: “Người ta đi lễ một lần có khi bằng cả xóm tôi đi làm mướn một năm. Tiền đâu ra lắm thế các ông các bà nhỉ”?

Lên đến sảnh đền điều lạ lùng là dịch vụ hóa vàng thuê. Có người xem việc hóa vàng là cần thiết để thể hiện lòng thành kính nhưng cũng không ít đại gia muốn thể hiện sự vượt trội về tiền nên sẵn sàng ném vài trăm ngàn cho đám thanh niên làm “nghề” hóa vàng thuê muốn đốt ra sao thì đốt. Vào chỗ hóa vàng được xây bằng những lò lửa rừng rực, tôi như mụ đi khi chứng kiến một mệnh phụ phu nhân ra chiều vợ nhà quan đang ném từng cục tiền vàng âm phủ phải đến hàng kg toàn loại mệnh giá 500 ngàn vào ngọn lửa. Khói mù mịt khiến bà này phải đi thuê thêm người để cũng hóa số tiền vay Bà trong sớ. Hóa ra bà đi vay vốn cho chồng vì năm nay ông đầu tư bất động sản gì đấy.  

“Chỉ vay có chừng 5 ngàn tỷ thôi mà. Được bao nhiêu chưa biết nhưng cuối năm phải trả cho Bà gấp đôi đấy. Năm nào cũng thế, đầu năm đến vay, rằm tháng bảy hoặc cuối năm lại đến trả”. Bà còn bảo rằng phải mất tiền triệu thuê người khấn cho nó bài bản vì mình dù khấn thực tâm nhưng đông người vay như thế Bà có nhớ hết đâu mà cho. Năm ngoái bà cũng đi cầu để vay tiền năm nay lại đi vay tiếp. Chẳng biết do số ông bà làm ăn gặp hay những lời khấn thuê mát tai quá mà tiền vô như nước.  

Vừa hóa vàng miệng bà vừa lẩm bẩm: “Bà linh thiêng lắm, phù hộ cho nhà con. Con xin hứa sẽ hoàn trả đầy đủ”. Vậy mà khi khấn xong mệnh phụ này không nỡ rút một vài ngàn tiền lẻ cho mấy người ăn xin nằm vạ vật trước cổng đền. Chắc không phải vì bà tiếc tiền mà vì lộc bà chẳng muốn chia cho ai. (Còn nữa)

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.