| Hotline: 0983.970.780

Một chốn an vui trên dòng đời xuôi ngược

Thứ Tư 09/12/2020 , 11:31 (GMT+7)

Theo nhịp mùa, đợi mùa, làng quê chậm rãi, thầm thì những điệu vẻ của riêng nó. Làng sống chậm, được sống chậm. Và đó cũng là chính là hồn cốt của làng.

Từ buổi sơ khai là làng và cho đến bây giờ, qua biết bao thời gian, bao biến động, ta vẫn có làng, những làng quê làm nên hồn đất nước.

Ba miền Bắc Trung Nam, do khí hậu và đất đai đa dạng mà hình thành nên những làng quê cũng muôn hình vẻ. Muôn hình vẻ và làng chính là nơi của những giá trị có từ ngàn đời, từ xa xưa nhất, là thiên nhiên, là đất đai, rừng, biển, mùa màng và con người ở đó ngày ngày đã nuôi trồng sinh tạo ra bao sản vật, đã gìn giữ lấy những gì tốt nhất của làng.

Những con người sống với làng quê, với mùa màng, gieo trồng cấy hái, làm những công việc quen thuộc theo mùa, giữ những kinh nghiệm, thói quen lao động ngàn đời truyền lại, rồi truyền tiếp cho con cháu, bao điều từa tựa nhau, ít thay đổi, khó thay đổi, ấy là họ đã truyền giữ nếp sống, nếp làng, hồn làng.

Góc quê yên bình.

Góc quê yên bình.

Đời sống lao động sản xuất, mùa màng, sản vật… quanh năm người làng thành thạo, thuần thục, nối nhau, thành nhịp, thành nếp, những nếp, nhịp ấy yên ổn, mang lại sự yên ổn. Và câu chuyện của đất đai mùa màng, những nếp, nhịp của nó khiến con người thổn thức, đầy những mong ngóng, nó lặng lẽ âm thầm và không ngừng mang đến sự đổi khác, như một mầm cây hôm nay đã khác với hôm qua.

Qua thời gian, qua bao thăng trầm, biến loạn, dù là bom đạn chiến tranh cày xới hay dù khi kĩ thuật, công nghệ 3.0 hay 4.0, nhưng nếp quê, hồn làng, là sông núi, biển cả, đất đai, mùa màng… không dễ gì khác. Vì nó là tự nhiên, nó cứ vững chãi, hẳn nhiên tồn tại như vốn có và làng, người làng cơ bản đã sống thuận với tự nhiên nên có sức sống bền bỉ mãnh liệt, trường tồn. Công nghệ, kĩ thuật hay là gì nữa cũng phải trên cơ sở thuận tự nhiên, phải làm cho làng quê đúng là làng quê, là thanh bình, yên ấm, là xanh, sạch...

Gieo trỉa, nuôi trồng, thu hoạch, mùa đến chậm rãi, có khắc, nhịp của nó. Dù khi phải vội vã dốc sức lo mùa vụ, nhưng đời sống làng quê vẫn cơ bản là lắng nghe, xem ngắm từ hạt mầm đến độ chín, từ rễ đến lá, từ gốc tới ngọn cần nâng niu, chậm, nhẹ cả khi phân tro, cỏ giả, tưới tiêu, nhìn gió mây, trông trời đất và chờ đợi.

Mùa màng, cây cối dạy cho con người quen với sự chậm rãi, chờ đợi. Gieo cấy, sinh trưởng và thành quả là một quá trình tự nhiên, không thể vội. Cho nên dù có khi vội vã, làng quê cũng không mất đi nét vẻ chậm rãi, thâm trầm.

Thuận theo tự nhiên, dựa vào tự nhiên, đó là nghề nghiệp và cũng thành phong thái, cung cách sống. Dù có khi vội vã nhưng cơ bản với mùa màng, theo nhịp mùa làng cũng được phần thong dong. Theo nhịp mùa, đợi mùa, làng quê chậm rãi, thầm thì những điệu vẻ của riêng nó. Làng sống chậm, được sống chậm. Và đó cũng là chính là hồn cốt của làng.

Cuộc sống ở đâu đó phải nhanh mạnh, phải bứt phá, phải gấp rút, vội vã đến mệt mỏi thì làng quê vẫn chậm rãi, lặng lẽ với khắc nhịp mùa màng. Cũng có những người ồn ào nông nổi muốn thay đổi làng quê, góc nào đó, một số chỗ nào đó người ta làm cho làng khác lạc, xa lạ đi. Nhưng làng quê rộng lớn, tự nhiên làm nên làng, bao chứa làng, sức sống làng quê ngầm ẩn, bền bỉ, mãnh liệt vì từ ngàn đời làng nương theo, thuận theo tự nhiên mà làm ăn sinh sống. Nó vẫn là nơi mà người ta nghĩ về, tìm về để được sống chậm, được tĩnh lắng, bình yên.

Trở về làng là trở về nhà.

Trở về làng là trở về nhà.

Sống chậm, bình dị, thanh bình, đẹp, đó làng làng quê. Tâm trí con người ta luôn hướng về làng quê đầy yêu thương vì thế.

Tôi được chứng kiến tình yêu làng quê của người đời, tình yêu sâu đậm dành họ cho làng quê mình và tình yêu ấy lan rộng đến hết thảy mọi làng quê.

Tôi cũng thế. Bắt đầu từ cái làng biển nhỏ bé của mình.

Làng biển của tôi có nghề làm muối, nghề đi biển, nghề trồng trọt, chăn nuôi.

Ở đó có những lần tôi được theo người làng, theo các o đi đến cánh đồng muối, được biết phải làm thế nào để có được muối. Và ý nghĩ trẻ em của tôi với muối là muối cần thiết, quý giá, làm ra khó nhọc lắm mà sao lại rẻ thế?

Ở đó, thấy ông vác đồ nghề ra biển đẩy ruốc, tôi nhỏ bé mới đầu ngạc nhiên và lo lắng vì biển sâu rộng thế mà ông và bao người ra tận ngoài xa?

Và ở đó, góc sân là lon vại mắm ruốc quanh năm, góc sân mùa hè khoai, lạc, mùa đông xu hào bắp cải… Thiên nhiên, nhà cửa, sân vườn làm nên làng. Biển mặn, muối, mắm, gió mặn, mồ hôi mặn, những thứ mặn nhất có rất nhiều ở làng quê nhỏ bé của tôi.

 Và những cơn bão dữ dội, nắng gió bỏng rát. Muối, cát, gió, nắng, bão lũ… in cả lên mặt người, những gương mặt người khắc khổ, hồn hậu.

Đất cát ngoài biển, ngoài eo, đất pha cát mềm mốp ngoài vườn, ngoài bãi, đất đồng dẻo nhão nặng cả đường cày, nhát cuốc… người ở làng sớm gần gũi với đất đai, sớm lấm lem cùng mùa màng, lần theo những rãnh cày, nhát cuốc học gieo vãi, cấy trồng, học trỉa, học mót, học thu hoạch, nhặt khoai, nhổ lạc, không ai không lấm đất cát, không nhờ đi qua mùa màng mà học sống, mà nên người.

Một thời trẻ con tôi vô tư hồn nhiên giữa bao nhiêu điều của cuộc sống nhưng vẫn biết muối rẻ, rau rẻ và cả cá, ruốc rẻ. Nỗi nghèo thiếu vất vả cũng thấm lọt vào những đứa trẻ. Thấy người làng làm lụng khó nhọc, càng nghèo khổ càng gắng làm ra nhiều muối, cá, ruốc, rau, củ. Nhiều, rẻ, ế, nhưng người làng vẫn gắn bó, vẫn cần cù làm lụng quanh năm, không khác.

Dù khi nghèo thiếu, lo lắng, vất vả vẫn thấy làng yên ả, vẫn thấy làng đẹp. Những mái nhà bên những nương vườn lặng lẽ xanh tươi. Từng mùa nối nhau, quen tiếng làng là tiếng của thiên nhiên, tiếng mùa thầm thì, êm lắng và rạo rực. Thiên nhiên, tự nhiên khiến cả làng luôn được đắm trong nỗi thân thuộc lẫn lấp lánh tươi mới.

Và những gì từ làng quê cũng gần gũi, thân thuộc với cả những ai không sinh ra, lớn lên ở làng quê. Vì làng quê không hề xa lạ. Vì kề bên phố, trừ phố ra là làng. Đất nước của làng quê, những làng quê đẹp, có ai không biết đến, không mến thương?  

Làng bên sông, làng bên biển, làng trong núi sâu, trên núi cao, làng có từ ngàn đời, làng mới, và với chiều dài đất nước từ bắc đến nam, làng quê ba miền với nét riêng biệt… ai được sống, được biết thật nhiều, thật sâu về những làng quê, điều đó là hạnh phúc, là tài sản lớn.

Ngày nay, trước tình hình dân số, công nghệ, biến đổi khí hậu tác động mạnh, làng quê phải chống chọi với việc thải xả, với việc xây đắp, đào lấp, múc vét, mua bán, bỏ phế, phải chống chọi với việc làm hại, phá mất vẻ thanh bình, thuận tự nhiên có từ ngàn đời. Để bảo vệ, rất cần sự học hỏi, sự hiểu biết khoa học, rất cần con người bỏ thói tư lợi nông nổi.

Có thể chỗ này chỗ kia đang bị đe dọa nhưng chúng ta tin sức sống của làng quê luôn mãnh liệt. Con người đông lên, dù có những kẻ càn rỡ đem điều này điều nọ áp đặt, ngang ngược, nhưng chỉ là  chứng tỏ sự bé nhỏ, sự mông muôi trước tự nhiên, trước những gì vẫn trường tồn mà thôi. Làng quê chiếm bao nhiêu trên trái đất này thì đó là bấy nhiêu sự sống. Nó luôn khiến chúng ta ngưỡng mộ và cảm thấy lòng yên ả nhất khi hướng về. Chính là làng quê nhắc nhở con người hãy sống sao, làm sao để làng quê, núi sông, đồng bãi, mùa màng luôn là nơi cho đi và nhận về sự bình yên, xanh, sạch, ấm êm.

Làng tôi, làng bạn, làng người, hết thảy mọi làng quê luôn chiếm lấy tâm trí chúng ta. Trở về đó, đi đến đó, không muốn rời, tình cảm, cảm xúc không đo đếm được dành cho nơi vẫn không ngừng dung dưỡng, bồi thắm lên đời sống tinh thần con người. Trở về làng, cũng là trở về nhà, trở về nơi ôm ấp số phận chúng ta một cách ấm áp nhất và nhân ái nhất./.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm