Sông Ba đoạn qua 2 xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa và xã Hòa An, huyện Phú Hòa có tới 5 DN được cấp phép khai thác cát |
5 DN gồm Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, DNTN Xí nghiệp Xây dựng Hưng Thịnh, Cty CP Hồng Phúc, Cty TNHH Bình An Phú Yên và HTX KDTH Đông Hòa An; với tổng diện tích cấp phép hút cát gần 49 ha, trữ trượng khai thác khoảng 1,2 triệu m3.
Theo quy định việc cấp phép cho các DN khai thác chỉ được dùng máy múc để múc cát ở mỏ lộ thiên. Song thực tế, 3 DN là Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, Cty CP Hồng Phúc và DNTN Xí nghiệp xây dựng Hưng Thịnh lại dùng máy hút để hút cát lên bãi chứa.
Ông Nguyễn Ngọc Tứ, PGĐ Sở Xây dựng Phú Yên cho biết, việc các DN dùng máy bơm để hút cát là bất hợp lý. Bởi hầu hết các điểm cho khai thác ở mỏ lộ thiên được tính từ bề mặt địa hình đến cao trình khai thác là âm 1 mét.
Nhiều vật liệu đá thải, gạch, bê tông đổ dọc sông Ba làm đường vận chuyển cát |
Các DN bơm hút cát không chỉ sai so với giấy phép được cấp mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương. Bên cạnh đó, người dân sinh sống, sản xuất gần khu vực khai thác cát rất lo lắng vì tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông.
Ông Phạm Khi, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết thêm, Cty CP Hồng Phúc dùng máy hút cát có thể gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất của thôn Đông Phước, xã Hòa An. Vì vậy, huyện kiến nghị thu hồi một số diện tích khai thác gần bờ của DN này. Để đảm bảo an toàn nên cho DN khai thác ra xa khoảng 300 mét so với bờ.
Ngoài việc hút cát sai theo quy định, các DN khai thác còn ngang nhiên đổ các vật liệu đá thải, gạch, bê tông lấp sông để làm đường vận chuyển cát. Điều đáng nói, các DN làm đường không theo một quy hoạch nào mà mạnh ai nấy làm. Trong số 5 DN thì Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên mở 560 m đường dọc sông được san lấp bằng đá thải xây dựng.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Phú Yên đến hiện trường mỏ cát |
Việc làm này khiến nhiều người dân lo lắng bởi không chỉ gây biến đổi dòng chảy của sông Ba mà nhiều đoạn sông đang có nguy cơ biến thành những “dòng chảy chết”.
Còn ông Phan Quốc Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên, cho rằng, DN dùng chất thải vật liệu xây dựng đổ xuống sông chắn hết dòng chảy nên khi khôi phục môi trường phải tốn hàng tỉ đồng, trong khi ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường chỉ vài chục triệu đồng là không ổn.
Việc cấp phép cho các DN khai thác cát gây bức xúc trong người dân |