| Hotline: 0983.970.780

Một miếng khi đói...

Thứ Ba 11/11/2014 , 08:20 (GMT+7)

Mỗi lần nấu cơm thì không quên bỏ một nắm vào hũ, mỗi tháng có được chục lon gạo để chia sẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn. 

Đấy là việc làm gần 15 năm nay của các gia đình ở xã Bình Tú (Thăng Bình, Quảng Nam).

TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI

"Một nắm gạo thì nhỏ, nhưng bỏ nhiều sẽ lớn dần. Đối với người có hoàn cảnh éo le, 5-10 kg gạo/tháng là quý lắm. Các cụ thường bảo một miếng khi đói bằng một gói khi no mà", bà Đỗ Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tú Ngọc A, xã Bình Tú chia sẻ việc làm của mọi người trong thôn.

Không riêng bà Hương mà tất cả các hộ dân trong thôn Tú Ngọc A, trừ những người có hoàn cảnh nghèo khổ đều tham gia “Hũ gạo Đồng Tâm” do Hội Phụ nữ xã Bình Tú phát động vào năm 2000. Việc làm này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Nói về chuyện này, bà Hương cho biết: Xuất phát từ thực tế ở địa phương có nhiều người tàn tật, gia đình khó khăn nên chị em phụ nữ tự phát động góp gạo. Ai nấy trong nhà cũng có sẵn một cái hũ để cạnh bếp nấu ăn và bữa nào cũng vậy, họ không quên bỏ một nắm gạo vào. 

Qua 14 năm, phong trào luôn phát triển, số gạo mọi người quyên góp ngày càng nhiều. "Ở thôn có nhiều gia đình dù vẫn còn bộn bề lo toan cuộc sống, kinh tế thiếu thốn, nhưng vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khó vơi bớt nhọc nhằn”, bà Hương tâm sự.

Trước đây thôn Tú Ngọc A hộ nghèo nhiều lắm nên số gạo được chia không đáng bao nhiêu, nhưng giờ hộ nghèo giảm xuống nên số gạo mà những người có hoàn cảnh khó khăn được chia tăng lên.

Cũng nhờ sự giúp đỡ mà không ít gia đình vươn lên thoát nghèo và trở thành người tham gia góp gạo. Điển hình cho sự nỗ lực đó là chị Nguyễn Thị Hạc, nhà đông con, trong nhà nhiều người hay đau ốm nên cuộc sống khó khăn. Mặc dù siêng năng làm ruộng nhưng bữa ăn chưa đủ no.

Trong những tháng giáp hạt, cái đói luôn gõ cửa nhà chị nhưng được thôn hỗ trợ gạo đã phần nào giải quyết khó khăn. “Nhờ sự giúp đỡ của bà con mà mẹ con tôi vững tâm hơn. Tôi cũng luôn động viên các con phải học hành cho tốt để không phụ lòng mong mỏi của dân làng”, chị Hạc tâm sự.

Bản thân chị Hạc cũng luôn cố gắng làm tốt hơn mọi việc. Ngoài việc đồng áng, chị nuôi trâu, nuôi lợn. Chẳng mấy chốc chị đã tự đưa gia đình mình ra khỏi danh sách hỗ trợ gạo của thôn. Gia đình thoát nghèo, chị lại “nuôi” hũ gạo nhân đạo để giúp những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Em Phan Văn Hậu (SN 1996) ở thôn Tú Ngọc A, thuộc diện nghèo nhất thôn. Ba Hậu mất sớm, mẹ đau yếu rồi qua đời, đẩy em vào con đường bế tắc. Từ nguồn gạo tiết kiệm của bà con, Hậu luôn nhận được sự giúp đỡ. Có tháng 10kg, có tháng 5kg.

Những hạt gạo nghĩa tình của bà con làng xóm đã giúp Hậu vượt qua những ngày giông bão của cuộc đời. Trước sự cưu mang, đùm bọc của bà con làng xóm, năm 2014 Hậu đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng). Hằng tháng bà con vẫn hỗ trợ 5kg gạo cho Hậu để học hành nên người.

Đặc biệt nhất phải kể đến hoàn cảnh thương tâm của anh Nguyễn Đình Thành. Anh bị bệnh tâm thần, trước đây sống với người mẹ già. Khi mẹ già qua đời, bệnh tình hành hạ, anh sống qua ngày nhờ sự giúp đỡ của người thân và số gạo của bà con xóm làng. Và 10 năm nay đều đặn mỗi tháng anh Thành được thôn hỗ trợ 10kg.

HẾT XÓM LÀNG, ĐẾN DÒNG TỘC

Chúng tôi đến thăm bà Phan Thị Hòe ở thôn Tú Ngọc B đúng lúc bà đang nấu bữa cơm trưa. Khi hỏi về hũ gạo đồng tâm, bà bảo: “Không chỉ tôi mà ở thôn này ai cũng làm rứa hết. Ngày mô cũng bỏ gạo vào hũ, cuối tháng mang sang cho mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn”.

22-16-05_nh-2
Đến bữa nấu ăn, bà Phan Thị Hòe không quên cho gạo vào hũ

Bà Hòe đã hơn 60 tuổi, cuộc sống trông vào vài sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà nên gia cảnh cũng còn khó khăn. Ấy vậy mà bà vẫn nhiệt huyết tham gia phong trào, sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh thương tâm. “Mình bớt một ít cũng không đói mà lo. Ở thôn ai cũng tham gia tích cực lắm, bởi phong trào rất thiết thực, vì giúp nhiều gia đình thoát khỏi cái đói và qua cơn hoạn nạn”, bà Hòe nói.

Ngoài nói về việc góp gạo giúp đỡ mọi người trong xóm, bà Hòe tiết lộ thêm, gia đình bà còn có thêm “Hũ gạo nhân đạo” giúp đỡ mọi người trong dòng tộc được thành lập từ năm 2006. Mỗi tháng, bà góp gần 10kg gạo để chia sẻ cho mọi người trong dòng tộc Nguyễn Đình khi gặp khó khăn.

“Việc chia sẻ để cùng nhau vượt khó được chị em chúng tôi nhân rộng trong từng suy nghĩ, hành động, việc làm cụ thể. Ban đầu mọi người tham gia ít nhưng thấy được hiệu quả nên đến nay đã ăn sâu và lan tỏa, được nhiều chị em đồng tình hưởng ứng, từ đó ngày một phát triển. Mỗi kg gạo đến với người già neo đơn, chúng tôi mãn nguyện lắm...”, Bà Đỗ Thị Hương tâm sự.

Bà Hòe làm dâu họ Nguyễn Đình được mấy chục năm rồi. Bà là người có uy tín lại tháo vát nên được cả họ tín nhiệm, giao cho việc thu gom các hũ gạo nhân đạo. Các gia đình mang gạo đến nhà bà dồn vào một mối. Căn cứ vào số gạo mà mọi người đóng góp được, bà đem phân phát cho những người gặp khó khăn. Mọi việc được bàn bạc dân chủ, công khai. Ai khó khăn, thiếu thốn nhất thì được giúp nhiều. Suốt 8 năm qua, bà Hòe làm việc “phân phối” này tận tình, chu đáo.

Bà Hòe kể, sống ở vùng đất nghèo khó này, thiên tai liên tục xảy ra, do đó không phải gia đình nào cũng đủ cơm ăn áo mặc. Đặc biệt là những gia đình neo đơn, phụ nữ đơn thân, già yếu, không có nơi nương tựa gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2000, nhân dân trong thôn đồng tình thực hiện việc tiết kiệm bằng cách, mỗi hộ gia đình treo một hũ. Mỗi ngày bỏ vào đó một nắm gạo, cuối tháng dồn lại rồi mang giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Trong dòng tộc của bà có nhiều người khó khăn nên cũng thực hiện phong trào. Dòng họ Nguyễn Đình năm nhiều đóng góp được 1 tấn, năm ít khoảng 6 tạ gạo.

Ngoài việc hỗ trợ trong dòng tộc, mỗi khi trong xã, trong thôn có hoàn cảnh nào éo le, thì họ Nguyễn Đình sẵn sàng hỗ trợ gạo. Như trường hợp ông Võ Bảng, thôn Tú Ngọc B thuộc diện nghèo khó của thôn, hằng tháng được hỗ trợ 5-10 kg gạo. Số gạo này tuy không nhiều nhưng đối với hoàn cảnh gia đình ông Bảng cũng như nhiều gia đình khác là cả một nguồn động viên lớn. Nhờ sự quan tâm của mọi người nên gia đình mới có gạo để ăn.

Tinh thần tương thân tương ái của vợ chồng bà Hòe cũng được mấy trăm hộ dân ở thôn Tú Ngọc B thực hiện. Cuộc sống của bà con nơi đây cũng chưa lấy gì làm khá giả nhưng xóm trên, xóm dưới luôn sống tràn đầy nghĩa tình. Từ phong trào của thôn Tú Ngọc B, Tú Ngọc A các thôn khác cũng học theo. Hiện phong trào đã “phủ sóng” trên địa bàn xã Bình Tú.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.