| Hotline: 0983.970.780

Một năm nhiều niềm vui của nông dân Krông Năng

Thứ Hai 06/11/2023 , 06:42 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Năm nay, rất nhiều cây trồng ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) như sầu riêng, cà phê, mắc ca..., cây nào cũng trúng mùa, được giá, nhiều nông dân thu tiền tỉ.

Đầu tháng 11, người dân huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đang tất bật thuê nhân công bón phân, tỉa cành phục hồi vườn sầu riêng sau mùa vụ bội thu. Nhiều hộ dân tại huyện Krông Năng năm nay thu hàng tỷ đồng nhờ sầu riêng năm nay được mùa, được giá.

Cây gì cũng được mùa, được giá

Gia đình ông Phan Viết Phương (ngụ thôn Lục Bằng, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) có hơn 3ha sầu riêng được trồng từ năm 2015. Năm nay, gia đình ông Phương thu hoạch được hơn 40 tấn sầu riêng với giá bán bình quân hơn 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình nông dân này lãi gần 2 tỷ đồng.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Phan Viết Phương lãi gần 2 tỷ trong vụ thu hoạch năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Phan Viết Phương lãi gần 2 tỷ trong vụ thu hoạch năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

“Trước đây gia đình trồng cao su tiểu điền nhưng sau đó giá xuống thấp nên đến 2015 phá đi trồng sầu riêng. Ngoài sầu riêng, gia đình cũng trồng 300 cây mắc ca. Ngoài sầu riêng, năm nay gia đình tôi thu được 3 tấn nhân mắc ca, có thêm 200 triệu đồng. Vùng Krông Năng đất tốt, rất phù hợp trồng cà phê và các loại cây ăn trái như sầu riêng, mắc ca. Với nông dân như chúng tôi, có được thu nhập như năm nay có thể nói là một giấc mơ”, ông Phương phấn khởi.

Ngoài sầu riêng, những gia đình trồng cà phê tại huyện Krông Năng cũng vui mừng khi giá năm nay cao hơn mọi năm. Gia đình ông Tạ Duy Thanh (ngụ thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có 3ha cà phê liên kết theo chuỗi sản xuất cà phê bền vững với Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak).

Theo ông Duy, nhờ tham gia chuỗi liên kết nên bà con được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các quy trình bón phân, tưới nước, bảo hộ lao động, sơ chế, bảo quản sản phẩm, phát triển cây trồng xen hợp lý nên vườn cà phê cho năng suất cao hơn từ 0,5 - 0,7 tấn/ha và giảm được nhiều chi phí đầu tư.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất cà phê bền vững, năm 2016, gia đình ông Thanh tiếp tục liên kết với Simexco DakLak sản xuất cà phê đặc sản, được hỗ trợ 50% chi phí để xây dựng nhà kính phục vụ quá trình phơi cà phê bảo đảm chất lượng.

Năm nay cà phê được mùa, giá cà phê lại cao nên nông dân Krông Năng rất phấn khởi. Ảnh: Quang Yên.

Năm nay cà phê được mùa, giá cà phê lại cao nên nông dân Krông Năng rất phấn khởi. Ảnh: Quang Yên.

Cà phê sản xuất theo quy trình bền vững, thu hái bảo đảm tỷ lệ quả chín trên 90%, sơ chế đúng quy trình nên đáp ứng được nhu cầu chế biến cà phê đặc sản. Năm nay cà phê gia đình tôi được mùa, lại được Simexco DakLak thu mua với giá cao hơn thị trường 30.000 đồng/kg nên rất vui”, ông Thanh nói.  

Ông Lý Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân (huyện Krông Năng) cho biết, HTX được thành lập năm 2015 với mục tiêu giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác cũng như có đầu ra ổn định. Hiện nay, các thành viên của HTX cũng như thành viên liên kết đều sản xuất theo quy trình cà phê cảnh quan. Đặc biệt, khi thu hoạch, HTX yêu cầu các hộ liên kết phải đạt tỷ lệ quả chín tuyệt đối.

“Năm nay, sản lượng cà phê của HTX đạt trên 350 tấn, toàn bộ đều được thực hiện theo quy trình chuẩn để làm thương hiệu cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Với việc thu hoạch quả cà phê đảm bảo độ chín, chất lượng hạt cà phê được nâng lên cao, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu", ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cho biết thêm, hiện giá cà phê tươi được mua tại địa phương đang ở mức 12.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. “Chất lượng cà phê tại Krông Năng được các chuyên gia đánh giá là đứng hàng đầu của cả nước bởi địa phương này có điều kiện tự nhiên từ chất đất, khí hậu rất phù hợp với cà phê. Nếu cà phê tại huyện Krông Năng làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thì rất phù hợp. Năm nay giá cà phê cao sẽ giúp nông dân có thu nhập tốt hơn”, ông Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác trong lần tới thăm vườn cà phê cảnh quan tại HTX Ea Tân. Ảnh: Quang Yên.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác trong lần tới thăm vườn cà phê cảnh quan tại HTX Ea Tân. Ảnh: Quang Yên.

"Cà phê chất lượng cao năm nay sẽ được doanh nghiệp liên kết (Simexco DakLak) thu mua với giá tăng cao hơn thị trường từ 15.000 đồng/kg, còn cà phê chín 100% (cà phê đặc sản) dự kiến sẽ được thu mua với giá cao hơn thị trường 30.000 đồng/kg. Hiện Simexco DakLak thu mua đến 85% sản lượng cà phê của HTX”, ông Lý Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân Thắng phấn khởi thông tin.

Khai thác lợi thế "trời phú" để phát triển bền vững

Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, địa phương có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Hiện huyện đang triển khai chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (còn gọi là Compact Krông Năng). Chương trình do Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH - Hà Lan) tài trợ, với sự tham gia của chính quyền địa phương, Tập đoàn JDE, Dự án VnSAT, Simexco DakLak… Chương trình thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2019 đến 2020, giai đoạn 2 từ 2021 đến 2025.

Chương trình được triển khai với mô ban đầu là 5.200ha cây trồng/4.000 hộ dân tham gia tại một phần của 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dlie Ya (huyện Krông Năng). Sau giai đoạn một thành công, UBND huyện đã đề nghị với Tổ chức IDH, Tập đoàn JDE và Simexco DakLak tiếp tục hỗ trợ triển khai chương trình và mở rộng quy mô ra toàn huyện, bao gồm 12 đơn vị cấp xã, thị trấn với tổng diện tích trên 23 nghìn ha cà phê, 3,6 nghìn ha hồ tiêu và 5,1 nghìn ha cây ăn quả các loại.

Huyện Krông Năng có tiềm năng rất lớn và thuận lợi để phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Ảnh: Quang Yên.

Huyện Krông Năng có tiềm năng rất lớn và thuận lợi để phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Lê Ký Sự, chương trình hướng tới các mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên đất, nước và tài nguyên rừng; sản xuất bền vững, tăng cường bón phân hữu cơ, phân sinh học, giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc BVTV, tăng tỷ lệ cây trồng xen, cây che bóng, cây phân tán, quản lý thảm phủ đất, tăng tỷ lệ tưới từ nguồn nước mặt và sử dụng nước hiệu quả; tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập từ cây trồng xen và tiếp cận thị trường.

“Địa phương có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như cà phê, sầu riêng, mắc ca, vải… Các loại cây trồng tại huyện Krông Năng như vải chín sớm, sầu riêng chín muộn hơn những địa phương khác nên có lợi thế về giá cả. Ngoài ra, trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các loại cây trồng trên địa bản tỉnh khi đưa vào sản xuất tại huyện Krông Năng đều phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao”, ông Sự thông tin.

Cũng theo ông Sự, chính quyền địa phương những năm qua rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp nên có nhiều chính sách hỗ trợ về cây, con giống, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản suất. “Với nhiều lợi thế và chính sách hỗ trợ, thời gian tới, ngành nông nghiệp Krông Năng chắc chắn sẽ phát triển bền vững”, ông Sự nói.

Huyện Krông Năng có trên 56 nghìn ha đất trồng cây nông nghiệp. Địa phương này có gần 25 nghìn hà cà phê với sản lượng trên 69 nghìn tấn, sầu riêng gần 6 nghìn ha với sản lượng 20 nghìn tấn.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.