| Hotline: 0983.970.780

Một ngày với hành trình 'đòi đất' của người dân Thủ Thiêm ở Hà Nội

Thứ Sáu 11/05/2018 , 09:11 (GMT+7)

Trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, người dân Thủ Thiêm đang uất nghẹn, ngất xỉu với những cuộc tiếp xúc cử tri thì ở Hà Nội, nơi có một địa điểm vẫn được gọi là "làng Thủ Thiêm giữa Thủ đô", hành trình đi đòi công lý vẫn đang miệt mài.

Nửa năm Hà Nội, nửa năm Sài Gòn

“Làng Thủ Thiêm” ở Hà Nội thực chất chỉ là một khu nhà nghỉ vài ba phòng nằm cách Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) tầm 500m trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Đã hơn 10 năm nay, kể từ sau thời điểm 15.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Đô thị mới Thủ Thiêm, khái niệm “làng Thủ Thiêm ở Hà Nội” dần dà hình thành. Những năm đầu, chỉ là một nhóm đại diện, sau đó, số người dân Thủ Thiêm đi đòi công lý ngày một đông, lên đến hàng trăm, hàng ngàn. Họ cầu cứu nhiều nơi, nhưng thường thuê nhà tập trung ở quanh Trụ sở Ban Tiếp dân Trung ương. Đến nỗi người Hà Nội ở khu vực này đã quá quen thuộc, hễ nghe giọng miền Nam thì biết ngay người Thủ Thiêm đi khiếu kiện.

13-53-57_thu_thiem1
Bữa cơm của người dân Thủ Thiêm ở Hà Nội

Ông Hoàng Thăng Long người Thủ Thiêm ở Hà Nội đầu tiên chúng tôi gặp nói rằng “3-4 năm trở lại đây "dân oan Thủ Thiêm" chúng tôi quen nếp nửa năm Hà Nội nửa năm Sài Gòn rồi”.

Ở thời điểm hiện tại, số lượng dân Thủ Thiêm đang ở Hà Nội chỉ còn khoảng 30 người - những con người kiên trì và nhẫn nại nhất sau cuộc trường kỳ đi đòi công lý kéo dài hàng chục năm. "Cứ mỗi một năm chúng tôi ra đây khoảng tầm 3 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 2 tháng sau đó lại về kiếm việc tích cóp tiền bạc cho những chuyến đi tiếp theo", ông Long nói như giải thích về cuộc hành trình quá tổn thất về thời gian và tiền bạc, sức lực của họ.

30 "dân oan Thủ Thiêm" ra Bắc lần này là chuyến đi khiếu nại đầu tiên trong năm 2018. Năm ngoái họ đi 3 lần, có khoảng chừng 6 tháng trời ở Hà Nội. Cộng thêm những năm trước, đã 5 lần chính quyền Thành phố cử người ra vận động, thuyết phục dân Thủ Thiêm về quê sau khi có chỉ đạo giải quyết vụ việc từ Trung ương. Nhưng "cả 5 lần đó sự việc đều rơi vào im lặng nên lần này chúng tôi nhất quyết không nghe họ xúi về nữa. Bao giờ có kết quả xử lý thì lúc ấy bà con sẽ tự về”, ông Hoàng Thăng Long quả quyết.

Hiếm có một cuộc hành trình nào lặp đi lặp lại một cách kiên trì và nhẫn nại như thế. Ông Hồ Tuấn Thừa (42 tuổi ở phường Bình Khánh) từng ngất xỉu trước cổng Văn phòng Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Hồng rất nhiều lần tưởng không sống nổi khi ngã quỵ trước cổng Ban Tiếp dân Trung ương. Bà Lê Thị The và nhiều người già khác lúc nào cũng phải mang theo túi thuốc, thỉnh thoảng lai ho rũ rượi như muốn long cả phổi... Nhưng không có bất cứ biểu hiện nào cho thấy họ mất tinh thần cả. "Chúng tôi cũng mệt mỏi lắm rồi. Ròng rã hàng chục năm trời chứ có ít đâu. Tiền của, sức lực, máu, nước mắt chúng tôi đổ xuống theo dự án Đô thị mới Thủ Thiêm cả rồi. Nhưng chừng nào những sai trái của chính quyền chưa được đem ra ánh sáng, quyền lợi chính đáng của người dân chưa được giải quyết thì chúng tôi vẫn cứ phải đi thôi", ông Long nói bằng giọng mệt mỏi nhưng rất kiên quyết.
 

Cha mẹ mất con, vợ mất chồng

Nếu có ai đó làm phép thống kê về quãng đường người Thủ Thiêm đi đòi công lý, thống kê về vật chất và sức lực người Thủ Thiêm gom góp nhau để "ra Bắc" thì chắc hẳn phải nhiều vô kể.

Như bà Lê Thị The (địa chỉ ở khu phố 1 phường Bình An, quận 3, TP. HCM) người đứng đơn cùng với 5 hộ dân khác đại diện cho 63 hộ dân ở 3 phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh (quận 2, TP HCM) chẳng hạn. 12 lần đội đơn ra Hà Nội, quãng thời gian mà đứa cháu nội bà vẫn thường ví von từ lúc răng còn nguyên đến nay chỉ còn vài ba cái "răng mỏ lết". Ở tuổi 72, dự án Thủ Thiêm là biến cố quá lớn đối với gia đình khiến quãng thời gian còn lại của bà đẫm trong nước mắt.

“Hàng trăm hộ dân khu vực chúng tôi vốn sống yên ổn làm ăn, bỗng chốc dự án Đô thị mới Thủ Thiêm về đâm ra tanh bành hết. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, khổ đau, mất mát không thể nào kể xiết”.

Cả gia đình bà The, 14 khẩu, vốn sống dựa vào việc buôn bán trước cổng Trường tiểu học An Khánh và Trường cấp 3 Thủ Thiêm. Dự án về, những ngôi trường này bị phá bỏ. Nhà cửa cũng bị cưỡng chế. Đau đớn đến mức chồng bà The lên cơn tai biến. Trước khi chết, ông cầm tay bà dặn dò, bằng mọi giá đừng để sự bất công chiếm mất đất hương hỏa cha ông để lại. Liền sau đó, hai anh con trai lâm bệnh không tiền chạy chữa cũng qua đời. Những tưởng còn anh con trai cả có thể nương tựa tuổi già, nhưng rồi anh ta cũng không chịu nổi sự bất công, chọn cách giải thoát bằng việc thắt cổ.

13-53-57_thu_thiem_2
Bà Lê Thị The


Video: Trần Hồ

Bà The là một trong những người đầu tiên ở Thủ Thiêm đi đòi công lý và cũng là những người cuối cùng. Bà nói rằng, sở dĩ có thể bất chấp bi kịch gia đình, bất chấp bệnh tật để ròng rã nhiều năm trời tổn hao sức lực, tiền của như vậy là bởi vì vẫn còn niềm tin: “Sức khỏe chúng tôi, đời sống chúng tôi, mồ hôi xương máu, nước mắt chúng tôi đều chôn vùi theo dự án Thủ Thiêm rồi. Nhưng chúng tôi vẫn có niềm tin, những sai phạm của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị đưa ra ánh sáng. Lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được trả công bằng".

Nói rồi bà The khóc. Khóc rống lên và nói trong nước mắt: “Chúng tôi tin tưởng rồi đây người dân sẽ có cuộc sống ổn định. Nhưng chỉ sợ là những người như tui, như bà Hồng đây sẽ không được sống để chứng kiến. Chồng tui, chồng bà Hồng đều là chiến sĩ, từng đổ xương máu qua 2 mùa kháng chiến nhưng cuối đời cũng không được sống yên ổn đấy thôi”.

Bà The đang khóc thì bà Hồng có điện thoại trong quê gọi. Con cái gọi ra thông báo mấy hôm nay trong đó mưa lớn, dự án đổ đất ngang đường, nước không thoát được nên tràn hết vào nhà, thuê những 3 máy bơm nhưng bơm không xuể.
 

Không bỏ cuộc

Không khó để nhận thấy người dân ở "làng Thủ Thiêm" đã rất mệt mỏi và đang gặp vô vàn những khó khăn. Tiền bạc họ gom góp, vay mượn mang theo đã hết. Từ mấy hôm trước, bà Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Thị Hồng được đoàn cử về trong quê vay mượn thêm, nhưng khó khăn lắm, mất gần một tuần chạy vạy nhưng chỉ đủ tiền cho mỗi người 2 suất ăn, mỗi suất 10 nghìn đồng mỗi ngày. Còn tiền thuê trọ, 4 phòng cho đoàn, 450.000 đồng/ngày chưa biết tính sao.

Bà Nguyễn Thị Hồng

“Những năm trước, chúng tôi thuê trọ ngay cạnh cổng Ban tiếp dân Trung ương, chỉ 20.000 đồng/ người/ngày. Giờ chuyển sang chỗ này, chia nhau cũng 30-40 nghìn đồng. Chênh có mấy chục thôi, nhưng kéo dài hàng tháng nên chật vật lắm. Bà con gom tiền, vay mượn tiền trong dòng họ, bạn bè, chòm xóm. Ăn uống thì hùn nhau lại. Lâu lâu hết tiền cho 1-2 người về vay mượn tiếp, nhưng vay riết giờ cũng hết vay nổi rồi. Về quê một chuyến, bà con chòm xóm thương, cho gì đó đem ra đây cho mọi người ăn thôi”, bà Hồng chia sẻ.

Một ngày của những cư dân Thủ Thiêm ở Hà Nội bắt đầu từ rất sớm. Thường thì những người già như bà Hồng (74 tuổi) dậy từ lúc 3-4 giờ sáng cắm cơm cho cả đoàn 30-40 người ăn. Nhưng không phải cơm sáng mà là cơm trưa bởi mỗi ngày họ chỉ ăn 2 bữa. Khoảng 6 giờ đến 6 giờ 30, đồng loạt cư dân Thủ Thiêm xuất phát. Điểm đến thường là các cơ quan tiếp dân hoặc nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ… Tầm 11 giờ 30 họ về nhà trọ, cơm nước, nghỉ ngơi đến khoảng 17 giờ lại tiếp tục lên đường. Ngày nào cũng như ngày nào, ròng rã cả tháng trời chỉ trừ 4 ngày chủ nhật là không đi mà thôi.

Những ngày này Hà Nội bắt đầu đợt nắng nóng như thiêu. 11 giờ trưa, 4 căn phòng trọ người dân Thủ Thiêm thuê ở càng thêm bức bối. Bữa cơm trưa ăn vội để nghỉ ngơi dành sức cho chuyến đi buổi chiều trông thật thảm. Mấy quả bí cắt ra, mấy miếng đậu phụ nấu thành canh đựng trong một chiếc chậu lớn. Một bát nước mắm, một nồi cơm, một đĩa rau. Đã khá lâu, người Thủ Thiêm chỉ dám ăn mức ấy. Ở lại càng kham khổ.Trong căn phòng 8m2, một chiếc quạt điện được nhường cho những người già, người bệnh, còn lại nằm sàn hết.

Nhưng những khó khăn ấy dường như chẳng là gì so với những bức xúc bị dồn nén hàng chục năm chưa được giải tỏa. Bằng chứng là trong những tập đơn tố cáo, khiếu nại mà người dân Thủ Thiêm gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những cơ quan trung ương thể hiện, họ đã không còn tin vào chính quyền địa phương. "Bao nhiêu năm nay, người dân kêu đến đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố rồi nhưng họ không đếm xỉa", đơn viết.

Và nếu đọc những hoàn cảnh, những chi tiết người dân trình bày trong đơn có lẽ bất cứ ai cũng phải xót xa, bức xúc. Gia đình bà Hồng có 1.200 m2 tại phường An Khánh nếu theo bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996 thì không thuộc diện giải tỏa nhưng sau đó hoặc là bị giải tỏa, hoặc bị đổ đất bao vây. Gia đình ông Thừa có 30 nhân khẩu sống trong 6 căn nhà cũng chung số phận. "Tháng 6/2013, quận 2 đem quyết định cưỡng chế cùng hơn 500 người đến giữa lúc mẹ tôi đang trọng bệnh, hai người phụ nữ đang mang bầu. Bao năm nay, chừng ấy con người không có lấy một nơi ở ổn định" .

Miệt mài đi tìm công lý

Thực tế, cuộc hành trình trường kỳ gian khổ của người dân Thủ Thiêm cũng đạt được những thành quả nhất định. Năm 2016, Ban tiếp dân Trung ương ra quyết định 119 yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để làm rõ khiếu nại của người dân. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhiều lần ký ban hành các văn bản yêu cầu chính quyền thành phố giải quyết khiếu nại của người dân... Nhưng việc thực hiện chưa được thỏa đáng.

"Người dân Thủ Thiêm đang sống rất cùng cực, mong Đảng, Nhà nước sớm vào cuộc để trả lại công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp cho chúng tôi. Thành phố đập phá của chúng tôi một viên gạch phải trả lại cho chúng tôi một viên gạch, lấy một mét đất trả lại cho chúng tôi một mét đất. Bao nhiêu mất mát vật chất, thời gian, bao nhiêu tổn thương về tinh thần đời chúng tôi có thể gánh chịu. Nhưng con cháu chúng tôi rồi đây sẽ ra sao?” – một lá đơn có chữ ký của 65 hộ dân Thủ Thiêm khẩn cầu.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Video: vnExpress


Video: vnExpress

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm