Nhà văn Hoàng Văn Bổn (7/5/1930 - 12/5/2006) để lại cho cuộc đời một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, đóng góp không nhỏ ở cả hai lĩnh vực văn chương và phim tài liệu. Sau 15 năm nhà văn Hoàng Văn Bổn không còn trên dương gian, viết về ông cũng là một cách suy ngẫm về phẩm giá người cầm bút dấn thân vì đất nước, vì nhân quần.
Thật không đơn giản, nếu muốn tỉ mỉ liệt kê hơn 50 đầu sách và 25 kịch bản phim tài liệu cũng như các giải thưởng của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Chỉ cần biết rằng, nhà văn Hoàng Văn Bổn là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của văn học Đồng Nai nói riêng và văn học miền Nam nói chung. Thật thú vị khi hình dung, dòng sông Đồng Nai ở ngã ba chia ranh giới tự nhiên giữa huyện Tân Uyên của tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai, đã bồi đắp nên bốn nhân vật cầm bút nổi danh Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc và Hoàng Văn Bổn.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn tên thật là Huỳnh Văn Bản. Từ nhỏ, cậu bé ham học Huỳnh Văn Bản đã phải sớm ưu tư vì cảnh quê hương bị kẻ thù dày xéo. Gia đình đông anh chị em của Huỳnh Văn Bản cũng sớm hứng chịu mất mát đau thương, mà sau này ông trong cuốn “Tuổi thơ ngọt ngào” đầy xót xa: “Lần đầu tiên tôi và bà con xung quanh khóc, không hẳn khóc vì sợ Tây, sợ chết, tiếc nuối nhà cửa, tài sản. Mà lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình là con vật trong tay chúng, mình không còn chút quyền hành nào là của mình, của một con người. Đó là lần đầu tiên tôi xa quê hương giữa lúc hai chân tôi còn đứng trên mảnh đất quê hương”.
Đó là lý do chàng thiếu niên Huỳnh Văn Bản quyết định đi làm thư ký Việt Minh xã, thư ký Ủy ban Nhân dân xã, Chủ tịch Hội Nhi đồng cứu quốc xã… Năm 1951, Huỳnh Văn Bản gia nhập quân đội và hành quân từ Chiến khu Đ về Phân liên khu kháng chiến U Minh. Chính chuyến đi từ miền Đông Nam bộ về miền Tây Nam bộ đã hình thành nhà văn Hoàng Văn Bổn.
Lúc còn đi học ở Tân Uyên, chàng trai Huỳnh Văn Bản đã từng thử cầm bút viết tác phẩm “Hai khẩu súng lục” vì người chị của mình thích đọc tiểu thuyết. Tác phẩm “Hai khẩu súng lục” chỉ là những trang bản thảo dang dở, được lưu giữ như một kỷ niệm. Suốt 3 tháng lặn lội từ Đồng Nai về Cà Mau, những ký ức về cuộc tranh đấu của quân dân quê nhà đã cồn cào và thôi thúc Huỳnh Văn Bản viết văn. Ngày đi bộ, tối nghỉ bên đường, Huỳnh Văn Bản cặm cụi viết tiểu thuyết đầu tay “Vỡ đất” và ký tên Hoàng Văn Bổn.
Bản thảo “Vỡ đất” khi mang vào U Minh, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã nhờ cậy một cậu bé theo gia đình kháng chiến là Diệp Minh Tuyền đánh máy lại. Tiểu thuyết “Vỡ đất” đã lọt vào mắt xanh của những người chủ trì Chi hội Văn nghệ Nam bộ lúc ấy như Lưu Quý Kỳ, Hà Mậu Mai, Huỳnh Văn Gấm… và được trao Giải thưởng Cửu Long năm 1952, cùng đợt với tác phẩm “Bên rừng Cù lao Dung” của nhà văn Sơn Nam. Tiểu thuyết “Vỡ đất” được Nhà xuất bản Dân Chủ đóng ở Cái Nước - Đầm Dơi in thành hai ấn bản khác nhau, một bản giữ nguyên tên gọi “Vỡ đất” phát hành trong vùng kháng chiến và một bản lấy tên “Giọt mưa thu” để phát hành ngoài vùng kháng chiến.
Rừng U Minh không chỉ chứng kiến nhà văn Hoàng Văn Bổn không chỉ chính thức bước vào văn đàn Việt, mà còn đem lại cho ông nhiều chất liệu sáng tạo. Ngoài cậu bé Diệp Minh Tuyền lớn lên trở thành nhà thơ - nhạc sĩ nổi tiếng, thì những những đứa trẻ ở kênh 9, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau đã trở thành nhân vật để sau này nhà văn Hoàng Văn Bổn viết truyện dài thiếu nhi “Tướng Lâm Kỳ Đạt”.
Trải qua khói lửa, nhà văn Hoàng Văn Bổn có được bút ký “Hàm Rồng” và phim tài liệu “Hàm Rồng” tạo ấn tượng mạnh mẽ trong và ngoài nước, nhưng ông vẫn bày tỏ sự khiêm tốn: “Bản thân tôi cũng nhiều lần nhờ cái tính ngu ngơ, khờ khạo kém mắt, kém phản ứng linh hoạt mà thoát chết”.
Năm 1953, nhà văn Hoàng Văn Bổn được bổ sung vào tiểu đội trợ chiến cho Tiểu đoàn 307 đánh trận Xẻo Rô. Và thực tế sinh động đã làm nên tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Hoàng Văn Bổn là “Bông hường bông cúc”. Vì sao tiểu thuyết “Bông hường bông cúc” được nhà văn Hoàng Văn Bổn ghi chú “Viết năm 1954 tại miền Tây Nam bộ. Xong năm 1956, biên giới Lào - Việt, miền Bắc”? Đó chính là sự lận đận và ly kỳ của một tác phẩm. Tiểu thuyết “Bông hường bông cúc” hoàn thành đầu năm 1954 và được Chi hội Văn nghệ Nam bộ đưa vào kế hoạch xuất bản. Thế nhưng, khi “Bông hường bông cúc” đang nằm ở nhà in thì Hiệp định Geneva được ký kết, nên bản thảo phải tháo dở để mang xuống tàu ra Bắc.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng tập kết, nhưng được Tiểu đoàn Thông tin của Bộ Tổng tham mưu đưa sang Lào làm đường dây bí mật vào vĩ tuyến 17. Lúc nhà văn Hoàng Văn Bổn đang ở trong sân nhà Hoàng thân Suphanuvong thì nhận được thư của nhà văn Đoàn Giỏi: “Bản thảo “Bông hường bông cúc” đã thất lạc. Có thể viết lại không?”. Phản ứng của nhà văn Hoàng Văn Bổn được chính ông ghi lại trong hồi ký: “Tôi đành nuốt nước mắt, ngày lao động nặng nhọc với anh em, đêm đốt đuốc nứa ra rừng nhớ lại, viết lại từ đầu tiểu thuyết “Bông hường bông cúc”. Có đêm, quá mệt mỏi, buồn ngủ, tàn thuốc rơi xuống cháy tóc khét lẹt, mới giật mình, tiếp tục cầm bút. Vắt bám đỏ chân, cổ. Viết xong, gửi hú họa về Hà Nội cho Nhà xuất bản Văn Nghệ. Vậy mà mấy tháng sau, nhận được thư của nhà văn Tô Hoài thông báo sách đã in”.
Trong sự nghiệp của nhà văn Hoàng Văn Bổn có những cuốn sách công phu như tiểu thuyết “Miền đất ven sông” với 3 tập, tiểu thuyết “Khắc nghiệt” với 4 tập hoặc tiểu thuyết “Nước mắt giã biệt” với 4 tập. Tuy nhiên, có một mảng đóng góp nữa rất quan trọng của nhà văn Hoàng Văn Bổn là phim tài liệu. Sau giai đoạn công tác ở Lào, ông được rút về Xưởng phim Quân đội, và trực tiếp có mặt trên nhiều mặt trận nóng bỏng như một phóng viên chiến trường. Những phim tài liệu có nhà văn kiêm nhà báo Hoàng Văn Bổn tham gia, được gần chục Bông Sen Vàng và Bông Sen Bạc. Trong đó, có phim tài liệu “Hàm Rồng” được Giải thưởng quốc tế Giorio Ivens.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn kể lại những ngày một người con của sông Đồng Nai tác nghiệp ở sông Mã để phản ánh cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa năm 1967: “Vừa đặt máy quay, hòm phim xuống, bỗng pháo chân cầu nổ liên động. Rồi cả vùng chân cầu chìm ngập trong khói bom… Một bầy phản lực bất thần hạ độ cao lướt ầm ầm sát ngọn cây… Một quả tên lửa “Bun - pớp” từ một tảng mây đục réo phừng lướt sát trận địa C5 giữa đống đá, chếnh choáng… Quả tên lửa mất cha ấy lao xuống nổ tung cạnh mâm cơm của chúng tôi. Chiếc chảo quân dụng tung vọt lên ngang đọt dừa quay tít… Trận địa C5 “bố già” Nguyễn Gia Nhuệ vẫn nổ súng đường hoàng, phóng từng chùm đạn hoàn toàn bất ngờ nguy hiểm vào sườn địch. Hăm hai chiếc (máy bay) trên đầu “bố già”, bám riết lấy trận địa giữa đống đất đá ấy… Máy quay chúng tôi chạy say sưa, nuốt gọn cảnh đọ sức kỳ diệu giữa “bố già” và hăm hai thằng giặc Mỹ. Một ngọn dừa bị phạt ngay cạnh máy quay. Hai mảnh bom bay tè tè, phang ngang vào mô đất chúng tôi ẩn nấp… Chúng tôi xông vào, luồn dưới một nòng pháo nóng rát quay vùn vụt về hướng 14… Ụych một cái, đất xích mạnh như đua võng. Sườn đập vào vách hào. Quả tên lửa thứ nhất nổ đánh rắc về phía “bố già”, khói xộc vào mũi sặc sụa. Quả thứ hai nổ cách chúng tôi độ bảy tám mét gì đó, khói cay xè”.
Sau 30 năm xa nhà hoạt động cách mạng, nhà văn Hoàng Văn Bổn quay lại sống với quê nhà từ năm 1980. Ông làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai rồi làm Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai. Hình ảnh ông già cao lêu nghêu mỗi ngày đạp xe trên đường phố Biên Hòa được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “anh Chín Bổn” trở thành một vẻ đẹp của văn hóa Đồng Nai những năm cuối thế kỷ 20.
Năm 2007, nhà văn Hoàng Văn Bổn được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhớ đến ông là nhớ đến một thế hệ cống hiến hết mình như ông bộc bạch: “Tôi viết bất cứ giờ trống nào, ở chỗ nào, nhất là lúc thiên hạ vui chơi, liên hoan chiến thắng, nghỉ ngơi…Trên ô tô ra chiến dịch, tôi tranh thủ chữa, viết. Bị bom đánh, tôi nhảy xuống hầm cùng anh em, xong lại viết tiếp. Ban đêm lúc mọi người ngủ, tôi viết. Viết lúc họp hội nghỉ Đảng ủy, viết lúc học tập chính trị…viết lúc B52 cạo gọt các ngọn đồi chung quanh, xiết vòng vây vào chỗ hầm tôi… Với tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Mỗi một dòng, một trang sách đối với tôi (ít tài năng) thì phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh”.