| Hotline: 0983.970.780

Một số thành tựu cơ bản trong xây dựng nông thông mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở Nam Định

Thứ Hai 10/10/2022 , 14:52 (GMT+7)

Tỉnh Nam Định luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân...

Huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: vietnamhoinhap.vn.

Huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: vietnamhoinhap.vn.

Xây dựng nông thôn mới đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới năm 2019. 

Vai trò của xây dựng nông thôn mới

Nông thôn và nông thôn mới (NTM) là vấn đề quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng NTM đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X (ngày 5/8/2008) ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển mới trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng về vị trí trọng yếu của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng NTM là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị (HTCT) nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của đất nước.

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các vùng nông thôn trên cả nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển nhất định: Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020; Quyết định số 1600/QĐ- TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Những chính sách này đã có tác động định hướng cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong cả nước nói chung và đối với Nam Định nói riêng làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế xã hội của nhiều vùng nông thôn nước ta.

Cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã nông thôn mới nâng cao Giao Xuân, huyện Giao Thủy.

Cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã nông thôn mới nâng cao Giao Xuân, huyện Giao Thủy.

Xây dựng NTM là cuộc vận động và phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia xây dựng nông thôn trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gắn với những nội dung và tiêu chí cụ thể; nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng xã hội nông thôn giàu mạnh, dân chủ, bình đẳng; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường và an ninh nông thôn được giữ vững.

Xây dựng NTM góp phần tạo động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện của nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh; là cuộc vận động lớn để cộng đồng nông thôn tham gia vào xây dựng, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực làm thay đổi bộ mặt xã hội nông thôn, giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, môi trường và an ninh được đảm bảo.

Xây dựng NTM giúp cho người dân tin tưởng vào chế độ, tích cực, chăm chỉ, đoàn kết xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh. Đồng thời, tạo ra điều kiện cho người dân được hưởng thành quả của sự nghiệp xây dựng, đổi mới nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Một số kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở tỉnh Nam Định

Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, Nam Định là một trong hai tỉnh về đích NTM đầu tiên trong cả nước năm 2019. Nhận thức vai trò và nhiệm vụ của xây dựng NTM, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Để triển khai xây dựng NTM  nâng cao, NTM kiểu mẫu, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tập trung lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM một cách đồng bộ và đạt được những kết quả như sau:

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định  ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021–2025. HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 17/4/2020 về việc quy định cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, quản lý Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gồm các văn bản: Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Các quyết định kiện toàn BCĐ xây dựng NTM, quyết định kiện toàn Hội đồng thẩm định xét công nhận xã NTM nâng cao, quyết định kiện toàn Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quyết định kiện toàn Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2021-2025, quyết định kiện toàn Đoàn thẩm định xã NTM nâng cao;

Các quyết định điều chỉnh Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 – 2020; Quy định mức chi hỗ trợ triển khai, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2021; Quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh; Quyết định phân bổ kinh phí thường xuyên Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2021; Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021; Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP năm 2021; các Quyết định công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (1);…

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đều có các hoạt động thiết thực để hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình OCOP năm 2021.

UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng NTM, các đoàn thể xã hội thực hiện tốt tuyên truyền tiến độ, kết quả, cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, tập hợp quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Khung cảnh đường hoa khang trang, sạch đẹp ở xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu (Nam Định).

Khung cảnh đường hoa khang trang, sạch đẹp ở xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu (Nam Định).

Về kết quả đạt chuẩn NTM: Đến hết tháng 7 năm 2020, Nam Định có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 19 tiêu chí/xã. Năm 2020, có 51 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 05 thôn/xóm NTM kiểu mẫu đã được công nhận, các huyện đang chuẩn bị thêm 134 thôn/xóm/tổ dân phố NTM kiểu mẫu.

Kết quả thực hiện một số tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 52 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn đạt 0,83%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn đạt 88,5% (2).

Về thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu: Năm 2021 có 93 xã, thị trấn được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 106 xã, thị trấn (bằng 52% tổng số xã thị trấn) đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến hết năm 2021 có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đã được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021 nhận được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là sự vào cuộc của người dân và toàn xã hội.

Một số huyện có kết quả nổi bật như: huyện Hải Hậu đã có 100% số xã, huyện Nghĩa Hưng có 71% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (3). Huyện Hải Hậu đã xây dựng và cơ bản hoàn thành 3 xã NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, gồm: Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu; hoàn thành 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện; xây dựng 64 mô hình văn hóa, thể thao kiểu mẫu; xây dựng 01 mô hình khu xử lý rác thải cấp xã thân thiện với môi trường tại xã Hải Hà và 51 mô hình quản lý, phân loại rác thải.

Về thực hiện Chương trình OCOP: Trong năm 2020, Chương trình OCOP tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. UBND tỉnh ban hành các văn bản: Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 30/3/2020 triển khai Chương trình OCOP tỉnh năm 2020, Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 14/5/2020 quy định mức chi hỗ trợ triển khai, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2020. Tỉnh đã phê duyệt đánh giá, phân hạng và công nhận 26 sản phẩm OCOP (trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao); năm 2020, toàn tỉnh có 62 sản phẩm của 29 cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, trong đó, có 18 sản phẩm 4 sao và 44 sản phẩm 3 sao (4).

Năm 2021, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, vượt 82% so với kế hoạch, trong đó có 01 sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger là sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 212 sản phẩm 3 sao và 39 sản phẩm 4 sao; có 04 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger (của Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam – TP Nam Định) và Gạo sạch Toản Xuân (của Công ty TNHH Toản Xuân – huyện Ý Yên) là sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP năm 2021 được sự tham gia tích cực của các Sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

Thịt ngao đóng hộp được chế biến trước khi xuất khẩu tại Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam – TP Nam Định. Ảnh: TTXVN.

Thịt ngao đóng hộp được chế biến trước khi xuất khẩu tại Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam – TP Nam Định. Ảnh: TTXVN.

Một số địa phương đạt kết quả khá, tiêu biểu như: huyện Giao Thủy có 49 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, huyện Hải Hậu có 4 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, thành phố Nam Định có 01 sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger là sản phẩm tiềm năng 5 sao (5).

Một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở tỉnh Nam Định cũng còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả xây dựng NTM ở tỉnh Nam Định cụ thể như sau:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ở một số địa phương còn mang tính hình thức, có biểu hiện, tư tưởng bằng lòng với kết quả đạt được; ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên.

Công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình OCOP ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ, nhất là cấp xã chưa thực sự quan tâm vào cuộc; việc thực hiện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh,… tham gia Chương trình OCOP ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát. Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm có quy mô nhỏ và vừa nên năng lực đầu tư cải tiến công nghệ, sản phẩm còn hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm OCOP chế biến sâu để tạo ra giá trị gia tăng cao.

Phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chưa đồng đều giữa các địa phương, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm. Kết quả thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí bảo vệ môi trường, tiêu chí sản xuất, thu nhập. Tiến độ thi công công trình cung cấp nước sạch tập trung tại một số địa phương còn chậm.

Tiêu chí bảo vệ môi trường ở một số xã NTM của Nam Định chưa thực sự bền vững (Ảnh minh họa).

Tiêu chí bảo vệ môi trường ở một số xã NTM của Nam Định chưa thực sự bền vững (Ảnh minh họa).

Thứ hai, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội trong thực hiện tuyên truyền, vận động người dân chung sức tham gia xây dựng NTM còn chưa thực sự hiệu quả. Việc giải quyết những thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của người dân chưa được kịp thời, thỏa đáng; các hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM chưa có sự đổi mới, hạn chế trong việc áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM.  

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM chưa thực sự nhận thức được đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của xây dựng NTM; chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện xây dựng NTM. Một số cán bộ còn tỏ ra lúng túng, thiếu trách nhiệm, chưa phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, một bộ phận đội ngũ cán bộ còn lợi dụng chức vụ trong thực hiện nhiệm vụ để trục lợi cho bản thân, gây phiền hà, khó khăn cho người dân trong giải quyết những thắc mắc, kiến nghị về những nội dung trong xây dựng NTM; điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện xây dựng NTM.

Thứ tư, trình độ nhận thức của người dân trong thực hiện xây dựng NTM còn hạn chế. Người dân đóng vai trò là chủ thể chính trong thực hiện xây dựng NTM. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của xây dựng NTM còn hạn chế; họ có tư tưởng ỷ lại, thái độ coi đó là công việc của chính quyền, của Nhà nước; không hiểu được lợi ích của việc xây dựng NTM hướng đến đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Do đó, người dân chưa thực sự phát huy hết tinh thần tích cực, chủ động, hăng hái tham gia xây dựng NTM; còn tư tưởng e ngại, chần chừ trong việc hiến của, hiến công để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.

Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định trong thời gian tới

Một là, đổi mới, nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng NTM. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản triển khai thực hiện xây dựng NTM sao cho hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; thực hiện công khai cho người dân biết những thông tin về nội dung xây dựng NTM nhằm tập hợp người dân chung sức tham gia xây dựng NTM.

Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Hòa, huyện Xuân Trường.

Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Hòa, huyện Xuân Trường.

Hai là, nâng cao năng lực nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác xây dựng NTM. Tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện xây dựng NTM; tạo ra đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong triển khai thực hiện xây dựng NTM.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, có những chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm khuyến khích những cán bộ tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về công tác xây dựng NTM.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng nhận thức, phát huy cao tinh thần tích cực, chủ động của người dân trong xây dựng NTM. Phát động các cuộc vận động “chung sức xây dựng NTM”; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “khu dân cư tiên tiến”…; phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng NTM, làm cho người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng NTM. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện cho người dân được “thụ hưởng” những thành quả từ việc xây dựng NTM một cách công bằng, thỏa đáng nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Bốn là, tăng cường các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng NTM; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong tỉnh, doanh nhân, và huy động các nguồn lực đóng góp công sức, tiền của từ người dân trong tỉnh để thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững.

Năm là, tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong xây dựng NTM. Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng truyền thống của tỉnh.

Nam Định cần xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa).

Nam Định cần xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa).

UBND tỉnh cần khẩn trương ban hành hướng dẫn, triển khai thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 924/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 8 năm 2022, phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021- 2025.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm: “nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” (6).

Vì thế, tỉnh Nam Định luôn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân hướng tới mục tiêu xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM thông minh; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

* Chú thích:

(2), (4) UBND tỉnh Nam Định (2020): Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2020 và dự kiến kế hoạch năm 2021, ngày 15 tháng 8 năm 2020.

(1), (3), (5) UBND tỉnh Nam Định (2022): Báo cáo một số kết quả chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 trên địa bàn tỉnh; mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, ngày 25 tháng 01 năm 2022.

(6) Ban Chấp hành Trung ương (2022): Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội. 

(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.