| Hotline: 0983.970.780

Một thôn ôm nợ 22 tỷ đồng, nhà nhà cắm sổ đỏ chờ... xiết nợ

Thứ Tư 21/09/2016 , 13:15 (GMT+7)

Sau gần một năm bị “trời hành, người hành”, vùng đất thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đìu hiu đến lạ. Họ bỏ đồng ngao, ly hương kiếm sống, số còn lại thì đóng cửa đi chơi chờ ngày... ngân hàng đến xiết nợ.

Một thôn ôm nợ 22 tỷ đồng

Khi quyết định vay vốn đầu tư nuôi ngao Bến Tre, 43 hộ dân thôn Mai Lâm xác định sẽ có lúc thuận buồm lúc sóng gió, nhưng trong tâm khảm ai ai cũng tự động viên “qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai”. Tuy nhiên, sau gần 1 năm bị “trời hành, người hành”, mảnh đất từng nổi tiếng giàu nhất nhì xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà bỗng trở nên đìu hiu lạ thường.

Trưởng thôn Lê Xuân Hùng vừa là Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ vệ sinh môi trường Hùng Thuận, vừa là chủ đầm ngao 15ha thở dài bảo: “43 cái sổ đỏ của thôn Mai Lâm đang được ngân hàng giữ giúp”.

Ông Hùng cho hay, gần 1 năm nay (từ tháng 11/2015 đến nay) đợt rét đậm rét hại gần Tết quét qua khu vực khiến các đầm ngao chết như ngả rạ, sau rét bà con tiếp tục vay mượn thả nuôi lứa mới thì gặp phải sự cố nước biển bị ô nhiễm do Formosa xả thải, ngao chết dần chết mòn, số sống được thì bán không ai mua. Hai trận “bão” đổ dồn trong một năm khiến 100% hộ nuôi ngao Mai Lâm kiệt quệ.

HTX Hùng Thuận có 10 hộ dân đầu tư nuôi gần 32ha ngao ven sông Cửa Sót. Những năm tháng thuận buồm xuôi gió bình quân mỗi năm các hộ xã viên thu lãi hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thành lập HTX (2011), việc đầu tư nuôi ngao Bến Tre càng ngày càng khốn đốn, phần vì dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, phần vì đầu ra bấp bênh.

Theo thống kê chưa đầy đủ của thôn Mai Lâm, hiện tại 43 hộ đang ôm số nợ ngân hàng 22 tỷ đồng (chủ yếu vay Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội), đó là chưa kể vay lãi ngoài của anh em, bạn bè. Trong đó, hộ vay nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Việt (2,4 tỷ đồng), hộ thấp nhất cũng trên 50 triệu đồng.

11-33-20_2

 

Ông Lê Xuân Hùng cho biết, năm 2010 ông bắt đầu chuyển dần từ nuôi ngao bán thâm canh sang thâm canh với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 600 triệu đồng. Sau một vài vụ nuôi thắng lợi ông vay Ngân hàng NN-PTNT 2,2 tỷ đồng mở rộng diện tích, đùng một cái giáp Tết âm lịch 2016 toàn bộ ngao chết rét phơi trắng đầm.

Chưa bỏ cuộc, tháng 3/2016 ông vay mượn thêm anh em, bạn bè gần 1 tỷ đồng nữa mua ngao về thả, vừa nuôi được một thời gian thì xảy ra sự cố môi trường biển, một phần diện tích chết dần chết mòn, số ngao còn lại bán không ai mua, nản quá bây giờ ông tặc lưỡi đóng cửa đi chơi.

“Bây giờ có đi chơi mỗi tháng tôi cũng phải kiếm được 35 triệu đồng để trả lãi ngân hàng (20 triệu) và nuôi con cái ăn học, ma chay, cưới hỏi (15 triệu đồng). Nói cho cùng khả năng trả nợ hoàn toàn bế tắc, đến cái xe hơi mới sắm được hơn một năm cũng phải bán rồi, còn căn nhà, nước cuối cũng chắc cũng phải gán nợ cho ngân hàng mất”, ông Hùng ngán ngẩm.

Cách nhà ông Hùng không xa, ngôi nhà khá khang trang của ông Lê Đình Thành từng tấp nập kẻ bán người mua, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm nay tịnh không một bóng người. Gọi mãi mới thấy ông Thành ra mở cửa. Trong nhà, vợ ông Thành đang cầm xấp sổ nợ chuẩn bị đi trả lãi ngân hàng.

Ông Thành bắt đầu nuôi ngao từ năm 2002, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm ông mạnh dạn đầu tư nuôi 10ha ngao. Đợt rét đậm cuối năm 2015 gia đình ông mất trắng 6/10ha, tương đương khoảng gần 5 tỷ đồng (tính giá ngao thịt).

11-33-20_3
Ông Lê Đình Thành mất ăn mất ngủ vì ngày ngày phải chạy vạy kiếm tiền trả lãi ngân hàng

 

Sau rét, ông tiếp tục vay ngân hàng gần 1,4 tỷ đồng mua giống thả nuôi những mong bù đắp thiệt hại đợt rét, không ngờ môi trường biển bị đầu độc, thương lái thu mua ngao chê ỏng chê eo, thậm chí hạ giá đến 10.000 - 11.000 đ/kg cũng không ma nào ngó, cuối cùng toàn bộ vốn liếng của gia đình ông “đội nón ra đi”. Hiện tại số nợ bất di bất dịch 1,4 tỷ đồng của ngân hàng ông chỉ còn cách chờ chính sách hỗ trợ, đền bù của Nhà nước.

Hiện cả 10/10 hộ xã viên HTX Hùng Thuận đều đang gánh trên vai số nợ khổng lồ, đơn cử như ông Nguyên Đình Tiến, Lê Văn Thuận (nợ trên 700 triệu đồng/hộ); anh Phạm Văn Dậu, Phạm Văn Thế (nợ 300 triệu đồng/hộ)...

“Bây giờ dân nuôi ngao Mai Lâm chỉ mong các ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ và vay vốn ưu đãi để tái đầu tư. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thêm một vài năm nữa số phận chúng tôi không biết đi đâu về đâu”, trưởng thôn Lê Xuân Hùng lo lắng.

11-33-20_4
Vựa ngao Mai Lâm những tháng ngày lao đao

 

Cầm cự chờ... chết

Chưa đến mức “chết” hẳn như vùng nuôi ngao Mai Lâm nhưng 32 hộ nuôi cá đặc sản lồng bè xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà cũng đang cầm cự chờ... chết.

Số là đầu năm 2015 tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách hỗ trợ hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo Chương trình xây dựng NTM.

Một lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh ái ngại: Người nuôi trồng thủy sản lâm cảnh khó khăn ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bây giờ họ làm còn chưa đủ ăn thì nói gì đến trả nợ.

Chính sách này ra đời không khác gì trao cho dân ven sông Hộ Độ chiếc “cần câu”. Hàng chục hộ đổ xô vay mượn ngân hàng, anh em bạn bè đầu tư nuôi cá chẽm, cá mú, hồng Mỹ... Kết quả vụ nuôi 2015 nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có những hộ vì chưa nắm được kỹ thuật, môi trường nước không đảm bảo nên thua lỗ.

Đến cuối tháng 11/2015 bà con mua giống thả nuôi vụ cá 2016. Chăm chút đầu tư được hơn 4 tháng thì sự cố môi trường ập đến, thời điểm này cũng là lúc nhiều lồng bè bắt đầu đến kỳ thu hoạch. Oái oăm thay, cá Hộ Độ chẳng ảnh hưởng gì nhưng thương lái, người tiêu dùng ái ngại cá nhiễm độc nên tẩy chay luôn.

Một số lồng bè gọi được thương lái về mua thì chỉ bán với số lượng nhỏ giọt, giá bán rớt xuống còn 65.000 đ/kg (cá trên 1 kg/con), trong khi năm 2015 bán 120.000 đ/kg. Nóng ruột quá nhiều hộ vớt cá đem lên các chợ đầu mối TP Hà Tĩnh bán nhưng ngày nhiều bán được dăm con, có ngày chẳng bán được con nào.

Ngày chúng tôi đến, 20 lồng nuôi của 20 hộ dân thôn Vĩnh Phú, Hộ Độ vừa bị cơn bão số 4 đánh tan 2 lồng, mất đứt mấy trăm con cá chẽm. Ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1952) vừa vớt cá lên nhờ thương lái đem lên chợ TP Hà Tĩnh bán vừa than: “Dưới lồng còn gần 10 tấn cá trên 1kg không biết bán cho ai. Hơn tháng nay mỗi ngày chúng tôi mất 5 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Giờ cho cá ăn cũng chết mà không cho ăn cũng chết”.

Theo ông Toàn, hầu hết các hộ nuôi cá trên sông Hộ Độ đều vay tiền ngân hàng để đầu tư, riêng tổ hợp 20 lồng của ông và các hộ khác bình quân mỗi hộ vay trên dưới 100 triệu đồng. Nếu sắp tới không tìm được mối tiêu thụ chắc chắn vụ cá 2016 người nuôi trồng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Bên kia sông, ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng anh Trương Quang Dần (SN 1974), chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1982) chỉ có duy nhất chiếc xe máy là đang có giá trị. Vợ chồng anh Dần muốn thoát cái “mác” cận nghèo nên cầm cố hết tài sản vay mượn 175 triệu đồng từ ngân hàng và 30 triệu đồng lãi suất cao đầu tư nuôi 2 lồng cá chẽm, hồng Mỹ.

11-33-20_5
Chị Thủy với 3 cái sổ nợ vay lãi ngân hàng

 

Từ tháng 4/2016 đến nay thị trường ế ẩm, cá không bán được nên cả hai vợ chồng thay nhau đi làm thuê vừa kiếm tiền mua thức ăn cho cá (mỗi ngày hết 400.000đ) vừa trả lãi ngân hàng (mỗi tháng phải trả 4 triệu đồng).

Khuôn mặt chị Thủy bơ phờ, nói: “Người ta càng làm càng giàu còn chúng tôi càng làm càng nghèo. Trước không nợ ngân hàng đồng nào rứa mà hai năm nay số nợ đã trên 200 triệu đồng. Bây giờ làm không đủ nuôi 4 đứa con ăn học và trả lãi thì khả năng trả nợ gốc chơi vơi lắm”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm