| Hotline: 0983.970.780

Mùa bắt vợ

Thứ Hai 29/03/2010 , 14:30 (GMT+7)

Mùa bắt trộm vợ bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến hết tháng 2 âm lịch, trai bản không phải canh giữ gái bản, ai muốn đến bắt cứ bắt. Nếu cô gái bị bắt về làm vợ không yêu, không thích chàng trai đã bắt họ, thì chàng trai ấy phải thả cô về. Yêu nhau thì bắt trộm về, tục bắt trộm vợ của người Lào đã có từ bao đời nay…

Mùa bắt trộm vợ bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến hết tháng 2 âm lịch, trai bản không phải canh giữ gái bản, ai muốn đến bắt cứ bắt. Nếu cô gái bị bắt về làm vợ không yêu, không thích chàng trai đã bắt họ, thì chàng trai ấy phải thả cô về. Yêu nhau thì bắt trộm về, tục bắt trộm vợ của người Lào đã có từ bao đời nay…

Yêu nhau thì bắt trộm về…

Khuya lắm rồi, tôi cùng Nguyễn Khắc Toàn, giáo viên trường Trung học cơ sở xã Mường Khoa vẫn ngồi uống rượu với ông Lò Tiến Ban. Vì chẳng ai say, chưa say thì chưa thể rời mâm rượu được. Phong tục tập quán của người Lào ở đây là vậy, khách đến nhà khi ra về mà chưa say thì chủ nhà áy náy lắm. Ông Ban là người dân tộc Lào, hiện đang cư ngụ tại bản Phiêng Hào, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; trước đây công tác với anh trai tôi ở Phòng Y tế huyện Than Uyên, vì thế ông coi tôi như “noọng trai” (em trai) mình vậy.

Buổi tối, người dân ở bản Phiêng Hào không có việc gì làm, bởi cả xã Mường Khoa chưa có điện lưới quốc gia, về mùa khô nước suối cạn nhe, nên những chiếc máy thuỷ điện nhỏ đã được tháo về. Một số hộ gần suối Nậm Mu thì có nước chạy, nhưng cũng tậm tịt lắm. Gia đình ông Ban giống như nhiều hộ ở đây sáng tạo ra thứ đèn điện mới, ông tháo mặt chiếc đèn pin xạc điện của Trung Quốc có những bóng đèn nhỏ xíu rồi nối vào mấy quả pin con thỏ.

Ánh sáng điện của loại đèn điện đó trong đêm tối chẳng khác chi ánh sáng của những con đom đóm đực, xanh lét, ma quái mà người ta gọi là ánh sáng “điện ma”. Ngồi uống rượu dưới ánh sáng “điện ma” mờ mờ ảo ảo, khiến cho câu chuyện của ông Ban kể cho tôi nghe về cuộc thiên di của dân tộc ông nghe vừa thực vừa hư.

Đường vào bản Phiêng Hào

Ông Ban kể rằng: Người Lào trước đây có nguồn gốc ở phía Nam Trung Quốc, qua những cuộc chiến tranh sắc tộc một bộ phận di cư xuống Bắc Lào, một bộ phận di cư xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam, còn một bộ phận khác di cư ra đảo Hải Nam. Các cụ kể lại, gia tộc chúng tôi trước đây ở đảo Hải Nam, sau đó di cư vào đất liền trên 7 chiếc thuyền gỗ, với 5 dòng họ, nhưng bị gió bão đánh đắm 4 thuyền, nên chỉ còn lại 3 thuyền cập được vào bờ. Chẳng biết vì sao họ lên được tới Phong Thổ, rồi xuôi sông Nậm Mu về cư trú tại đây. Phiêng Hào, nghĩa là vùng đất bằng phẳng, nơi đây có nhiều mạy Hao (cây Hao) dùng để làm nhà cửa và đóng thuyền, gỗ chịu nước rất tốt. Họ chọn đất này sinh cơ lập nghiệp, vì nơi này có đất làm ruộng, có cây Hao dựng cửa dựng nhà, nhất là có gỗ tốt đóng thuyền để đi lại trên sông Nậm Mu, đánh bắt cá và vận chuyển lương thực…

Bản Phiêng Hào có hai người làm cán bộ thoát ly từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, người thứ nhất là ông Lò Văn Sòi, Chánh án huyện Than Uyên, người thứ hai là ông Lò Tiến Ban, cán bộ y tế xã. Ông Sòi nghỉ hưu không về bản, chỉ có ông Ban về quê ở với người vợ già chân đất răng đen, ông cười ha hả: Chú mày ạ, năm nay anh ngót nghét bảy mươi tuổi rồi, chị chú cũng vậy. Anh đã đi khắp nơi, nhưng chẳng nơi nào bằng đất quê mình, mặc dù Phiêng Hào đây còn nhiều cái không lắm…

Ngày xưa hồi còn đang công tác, ông có yêu một người con gái cùng ngành, tên là Thoa (xin được đổi tên khác). Ông đưa cô ấy về nhà để mọi người xem mặt, gia đình chẳng chê cô ấy điều gì, nhưng anh em trong họ tộc thì dứt khoát không đồng ý. Mọi người bảo: Nếu mày lấy cô ấy thì không ai nhận mày làm anh em nữa... Ông buồn lắm, mấy tháng trời nằm ở nhà. Đêm đêm ông mang khèn bè ra đầu sàn thổi, tiếng khèn của ông buồn da diết:

Em ở đâu nơi ngọn núi nào, mà sao anh tìm chẳng thấy,

Em có nghe được tiếng khèn của anh?

Tình yêu của anh như dòng Nậm Mu xanh không bao giờ cạn,

Tiếng suối chảy rì rào là tiếng thở than của anh…

….

Ngủ đi em, ngủ đi em

Đêm nay trăng buồn không sáng

Em hãy gối đầu lên cánh tay trần của anh

Cánh tay biết cày nương, cánh tay biết mở ruộng…

Ngủ đi em, ngủ đi em

Xa em quay sợi đêm thành chăn ấm,

Tiếng khèn anh ủ ấm ngực em…

Tiếng khèn của ông vọng đến tai một người con gái - cô ấy là vợ ông bây giờ. Đêm nào cô cũng thức rất khuya để nghe ông thổi khèn bè, rồi một đêm vì không chịu nổi tiếng khèn buồn của ông, cô ấy chạy tới chân sàn nhà ông khóc nức nở: Em van anh, xin anh đừng thổi khèn nữa, trái tim em tan vỡ mất rồi…

Ông Lò Tiến Ban và cây khèn bè

Vợ ông Ban rót thêm rượu vào chén của tôi, đôi mắt long lanh nhìn ông như sống lại cái thời thiếu nữ. Bà cười bảo: Ai Ban pé tô lôộc cuốc, bố mí í xia hâng nẹo (anh Ban ngày ấy giống như con chim cuốc, không có chị chắc mất lâu rồi). Gần mười năm ông Ban đi ở rể. Ông bảo: Chàng rể là cán bộ nhà nước có làm được gì đâu, mùa cày cấy chỉ làm được vài buổi, mùa gặt cũng vậy. Hồi ấy lương chẳng đủ ăn, con cái sinh ra nhờ nhà bố mẹ vợ nuôi, khi ra ở riêng, mãi sau này anh mới làm được ngôi nhà sàn này chú ạ…

Tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người nói rất to, tiếng xe máy gầm rú chạy ràn rạt trên con đường phía sau nhà, ánh đèn xe loang loáng xé rách cả màn đêm cắt đứt câu chuyện của tôi với ông Ban. Vợ ông chạy vội xuống sàn, nghe tiếng người nói lao xao, một lúc sau bà quay lại bảo: Người ta đến bắt trộm vợ ấy mà. Ông Ban lại nâng chén rượu mời tôi: Bây giờ đang là mùa đám thanh niên đi bắt trộm vợ. Hơn tháng nay rồi, bản Phiêng Hào có đến hai chục cô gái bị các chàng trai ở các bản khác đến bắt trộm về làm vợ…

Ông lắc đầu: Thời anh ngày trước, cũng có người đi bắt trộm vợ, nhưng ít thôi, mỗi năm chỉ vài ba đám. Mọi người đều đi ở rể, những ngày đi rể, chàng rể phải lao động vất vả, bây giờ ngẫm lại thấy việc ở rể cũng phải. Đó là thời gian chàng trai thể hiện sự chăm chỉ lam làm, hiếu thảo với cha mẹ vợ, đền ơn với người đã sinh thành ra vợ mình, người đã trao gửi tình yêu thương, gắn bó cả cuộc đời với mình. Phiêng Hào ngày nay chẳng khác xưa là mấy, nhưng thanh niên họ không giống thế hệ anh chú ạ, thích cô nào là tìm cách bắt về làm vợ. 

Cô gái chuẩn bị về nhà chồng sau đêm bị bắt trộm về làm vợ

 

Tất nhiên rồi, họ chỉ bắt cô gái họ yêu, ngược lại cô gái ấy phải yêu chàng kia mới đồng ý cho chàng trai bắt, nếu cô gái nào không yêu sẽ kêu gào, về đến nhà chàng trai rồi cô ấy vẫn không chịu, kêu la, khóc lóc…buộc chàng trai phải thả cô ấy về nhà mẹ đẻ. Những người trốn rể mới phải tổ chức bắt trộm vợ, tất nhiên là bị nhà gái phạt rồi, bạc trắng, rượu, gạo nếp, gà, lợn…để làm lễ cưới và cho nhà gái đều phải gấp đôi. Nhưng được cái là xú phạ (chung chăn) ngay sau đêm cô gái bị bắt về. Đi ở rể phải sau một tháng, cũng có người phải một năm mới được chung chăn chung gối…Ông Ban cười mủm mỉm: Cái “chuyện ấy” chắc họ chả đợi đến ngày được chung chăn đâu, núi rừng bao la thế kia…

Năm ngoái tôi sang Nà Nghè thấy Lò Văn Sòi mới 38 tuổi đã lên chức ông nội. Sòi lấy vợ hơn mình đến 5-6 tuổi, Sòi cười: Phụ nữ họ khéo lắm, khi mình vừa lớn lên mới bắt đầu biết “chuyện ấy” thì họ đã dạy mình rồi… Con của Lò Văn Sòi tên Lò Văn Phanh sinh năm 1991, vừa học xong lớp 9 thì nghỉ học, vừa buông sách vở nó đã rủ bạn đi bắt vợ, vợ nó tên là Lò Thị Sòn kém nó một tuổi. Ở Nà Nghè nhiều đôi vợ chồng chỉ mới 16-17 tuổi. Còn “chuyện ấy” thì chẳng biết họ làm từ bao giờ. Sòi lắc đầu cười ngất ngư: Ngày xưa mình cũng thế mà…

Thầy giáo Nguyễn Khắc Toàn chen vào câu chuyện: Cháu đang làm chủ nhiệm lớp 7, đầu năm học vừa qua có cậu học sinh tên là Lò Văn Điều (đã đổi tên), người Lào bản Nậm Cung, cậu thích cô bé Lò Thị Pheng (đã đổi tên) cũng đang học lớp 7 bên cạnh, thế là cậu rủ bạn đi bắt về làm vợ. Cuộc bắt trộm này không thành, vì cô bé phản ứng dữ dội, buộc Điều phải thả cô ấy về. Khổ, sau vụ bắt vợ hụt, Điều không đến lớp vì xấu hổ và sợ chúng bạn trêu, chúng cháu phải nhiều lần lên nhà động viên cậu bé mới trở lại trường…Chỉ ít ngày nữa là kết thúc năm học, không biết cuộc bắt vợ đêm nay liệu có rơi vào đám học sinh cháu đang dạy hay không?

Ông Ban thở dài ngó ra ngoài trời, cánh đồng trước cửa nhà ông sương đêm mờ mịt, dòng Nậm Mu ngoài kia vẫn rì rào chảy, dòng sông là chứng nhân của mọi thay đổi trên mảnh đất này… (Còn tiếp)

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất