| Hotline: 0983.970.780

Mưa kéo dài, nhiều bệnh hại cúc Tết

Thứ Năm 03/11/2022 , 07:20 (GMT+7)

Thời gian qua, Bình Định mưa kéo dài, khiến cúc trồng bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 bị bệnh hại rất nhiều, người trồng lo bị thất thu.

Sợ nhất bệnh bã trầu

Hiện nay, những lứa cúc trồng sớm ở Bình Định đã được hơn 3 tháng tuổi, lứa trồng muộn nhất cũng đã được 3 tháng. Thế nhưng quan sát hàng ngàn chậu cúc được đặt tại bãi đất trống bên cạnh Cụm công nghiệp phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), chúng tôi thấy có nhiều chậu cúc bị vàng lá, còi cọc, hỏi ra mới biết do thời gian vừa qua mưa kéo dài khiến cây cúc bị bệnh, chậm phát triển.

Anh Nguyễn Văn Tuấn đang cắm cọc cho 350 chậu cúc của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Văn Tuấn đang cắm cọc cho 350 chậu cúc của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bình Định (thị xã An Nhơn), vừa cắm cọc cho 350 chậu cúc của mình đặt tại bãi đất trống bên cạnh Cụm công nghiệp phường Bình Định, vừa trò chuyện: “Muốn cây cúc phát triển như ý mình muốn thì cách 2-3 ngày phải bơm thuốc 1 lần. Khi thì bơm thuốc phòng bệnh, khi thì phun thuốc trừ sâu, cứ thế xoay vòng cho đến khi xuất bán”.

Theo kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cúc của anh Tuấn, cây cúc rất mẫn cảm với nhiều bệnh, nhưng thường bị nhất là bệnh bã trầu và bệnh chí sắc. Bệnh bã trầu ăn từ gân lá nằm bên dưới chiếc lá lan dần lên đến mặt lá. Bệnh này khiến lá cúc xuất hiện những đốm màu đen trông như những nốt ghẻ, bệnh này gây hại từ gốc lên đến lá cây. Khi cây bị bệnh gặp lúc trời nắng thì còn phun thuốc điều trị được, nếu gặp mưa kéo dài thì chủ nhà vườn bó tay, vì phun thuốc cũng chẳng hiệu quả gì.

350 chậu cúc của anh Tuấn đã được cắm cọc đều tăm tắp. Ảnh: V.Đ.T.

350 chậu cúc của anh Tuấn đã được cắm cọc đều tăm tắp. Ảnh: V.Đ.T.

“Cây cúc bị bệnh bã trầu nhìn bên trên mặt lá mình không biết là cây đang bị bệnh, bởi những đốm đen ăn từ gân lá bên dưới trước, sau đó mới ăn dần lên mép lá rồi ăn sâu vào thân lá, lúc này những chiếc lá xuất hiện những mảng màu đen. Cây cúc bị bệnh này nếu 2-3 ngày không được phun thuốc thì lá sẽ bị héo. Thuốc bảo vệ thực vật bây giờ thì nhiều đến loạn, nhưng điều trị chẳng thấy hiệu quả là mấy. Khi nắng lên thì bệnh thuyên giảm, nhưng có mưa xuống thì cây lâm bệnh trở lại ngay”, anh Nguyễn Văn Tuấn ngắt 1 chiếc lá cúc bị bệnh bã trầu đưa cho chúng tôi xem bên dưới chiếc lá có những mảng màu đen vừa giải thích.

Cúc chậm phát triển

Tay chỉ 350 chậu cúc được trồng trong những chậu có đường kính 50cm của mình, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thêm: “Năm nay thời tiết ở Bình Định ít lạnh, nhưng mưa kéo dài khiến cúc bị bệnh tràn lan, nếu không bị bệnh thì giờ 350 chậu cúc của tôi đã cao lắm rồi chứ không lùn lùn kiểu này đâu, cây cúc chậm phát triển từ nửa tháng đến 20 ngày, bị mất chiều cao đến 20cm. Cúc trồng trong chậu 50cm phải có chiều cao cây đạt trên 1m nhìn chậu cúc mới cân đối, người mua mới thấy thích, chứ nếu thấp dưới 1m trông rất xấu”.

Những chậu cúc của anh Tuấn đang bị vàng lá, chậm phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Những chậu cúc của anh Tuấn đang bị vàng lá, chậm phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Nhìn những líp cúc của anh Tuấn đã được cắm cọc đều tăm tắp, nhưng nền lá không được tươi xanh mà có màu vàng nhạt trông rất yếu ớt. Người trồng cúc bán Tết ở Bình Định hiện đang rất mong trời đừng mưa kéo dài mà nắng lên để cây cúc phát triển kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nỗi lo của người trồng cúc hiện nay là nếu trời cứ tiếp tục mưa thì cây cúc khó thoát được bệnh, lá sẽ khó phục hồi màu xanh. Lá cúc còn màu vàng thì cây cúc cũng không “ăn” phân nên không thể phát triển.

Anh Tuấn chăm sóc những chậu cúc đang bị bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Tuấn chăm sóc những chậu cúc đang bị bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

“Cúc trồng trong chậu có đường kính 50cm nếu suôn sẻ tết đến sẽ bán giá sỉ được 300.000đ/chậu, sau khi trừ chi phí giống, thuốc BVTV, phân bón, tiền mua tre vót cọc và dây thép cột cành, tiền điện, tiền thuê công làm… người trồng cũng còn lãi khoảng 150.000đ/chậu. Nếu cây cúc sinh bệnh không phát triển được, bán giá thấp thì người trồng mất lãi, công mấy tháng trời chăm sóc sẽ trở thành công cốc”, anh Tuấn chia sẻ.

“Cuối tháng 10 âm lịch tôi sẽ cắt điện, những bóng điện không còn được thắp sáng hàng đêm trên những chậu cúc nữa. Điện được chong là để hãm không cho cây cúc ra búp sớm, sức của cây cúc dành để phát triển chiều cao. Đầu tháng 11 âm lịch bắt đầu cắt điện cho cây cúc bắt đầu ra búp, như vậy cúc sẽ cho hoa kịp Tết Nguyên đán”, anh Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

Xem thêm
Chuỗi chăn nuôi gà '3 chung' Gò Công

TIỀN GIANG Các thành viên của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cùng nhau chăn nuôi gà theo 3 chung, đó là mua chung, nuôi chung và bán chung.

Đến tận nhà tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo

CẦN THƠ Dại là loại bệnh rất nguy hiểm xuất hiện trên các loại vật nuôi như chó, mèo và có thể truyền nhiễm sang người gây nguy hại đến tính mạng.

Vinh danh 9 đặc sản chè nổi tiếng của 'Thủ đô gió ngàn'

9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Bắc năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên đều là các thương hiệu chè nổi tiếng.

Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Cần giám sát độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch trước khi vận hành đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.