| Hotline: 0983.970.780

ThaiBinh Seed thúc đẩy xây dựng cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm

Thứ Năm 16/05/2024 , 06:04 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Cùng với việc cung ứng các giống lúa năng suất, chất lượng cao, ThaiBinh Seed đang khuyến khích nông dân xây dựng cánh đồng lớn để bao tiêu sản phẩm phục vụ chế biến.

Mô hình trình diễn giống lúa thuần TBR225 tại HTX Phú Lương 3 (xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: CĐ.

Mô hình trình diễn giống lúa thuần TBR225 tại HTX Phú Lương 3 (xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: CĐ.

Ưu tiên vùng sản xuất tập trung 20ha trở lên

Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed – Chi nhánh Bắc Trung bộ phối hợp với HTX Phú Lương 3 (xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vừa tổ chức hội nghị đánh giá mô hình liên kết sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao TBR225 vụ đông xuân 2023 - 2024.

Xã Phú Lương là địa phương thuộc vùng thấp trũng của huyện Phú Vang, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cũng như nhiều vùng khác ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, xã Phú Lương thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt. Vì vậy, mong muốn lớn của nông dân là có giống lúa thích ứng cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của địa phương để giảm rủi ro trong sản xuất.

Trên cơ sở tìm hiểu thông tin về những giống lúa thuần chất lượng cao được Bộ NN-PTNT công nhận lưu hành rộng rãi trên toàn quốc, vụ đông xuân 2023 – 2024, HTX Phú Lương 3 đưa vào sản xuất thử 50ha giống lúa TBR225. Đây cũng là vụ lúa đầu tiên HTX đưa vào sản xuất giống lúa do ThaiBinh Seed cung ứng.

Giống lúa TBR225 được nông dân Thừa Thiên - Huế đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống đại trà đang sản xuất tại địa phương. Ảnh: CĐ.

Giống lúa TBR225 được nông dân Thừa Thiên - Huế đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống đại trà đang sản xuất tại địa phương. Ảnh: CĐ.

Anh Lê Văn Lời (HTX Phú Lương 3) cho biết, sau một vụ sản xuất giống lúa thuần TBR225, nhiều ưu điểm của giống lúa này đã được khẳng định trên thực tế như ít sâu bệnh, cứng cây, thấp cây, bông lúa dài, cơm ngon, thơm... Đặc biệt, năng suất bình quân vượt trội so với các giống đại trà khác đang được trồng rộng rãi nhiều năm qua ở địa phương.

"Sau một vụ, qua đánh giá, bình quân năng suất giống lúa thuần TBR225 đạt khoảng 95 - 97 tạ/ha, cao hơn hẳn so với nhiều giống đang sản xuất đại trà tại địa phương. Bên cạnh đó, giống lúa này còn có nhiều ưu điểm như cứng cây, thời gian sinh trưởng ngắn. Hạt gạo sau xay xát dài, trắng, trong, khi nấu thành cơm rất mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng", anh Lời đánh giá.

Cũng theo anh Lời, một trong những lý do mà nông dân Phú Lương "mê" các giống lúa của ThaiBinh Seed là sản phẩm sau thu hoạch sẽ được Công ty bao tiêu toàn bộ nếu đáp ứng được những yêu cầu theo thỏa thuận. "Khi liên kết sản xuất các giống lúa của ThaiBinh Seed, nông dân chúng tôi không còn phải lo đầu ra khá vất vả như lâu nay. Tôi sẽ vận động nhiều nông dân trên địa bàn nhân rộng sản xuất giống TBR225 trong các vụ tới nếu Công ty cam kết thu mua sản phẩm", ông Lời chia sẻ.

Giống lúa thuần TBR225 thích ứng với nhiều chân đất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Giống lúa thuần TBR225 thích ứng với nhiều chân đất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, ThaiBinh Seed đã đưa giống lúa TBR225 vào sản xuất tại huyện Quảng Điền, Phú Vang với tổng diện tích 54ha, riêng tại huyện Phú Vang đã phát triển được 53ha.

ThaiBinh Seed cam kết với tỉnh, đối với các giống lúa do Tập đoàn cung ứng, nếu các HTX xây dựng được vùng sản xuất tập trung trên 20ha thì doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Gắn cung ứng giống với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm

Tại buổi hội nghị đầu bờ, ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, năng suất lúa ở Thừa Thiên – Huế ước đạt 67 - 68 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm trước 1 - 1,2 tạ/ha. Đây là vụ lúa xuân được mùa nhất từ trước tới nay. Để đạt được năng suất cao lịch sử này, có rất nhiều yếu tố tác động nhưng công tác giống đóng vai trò then chốt

"Ngoài các yếu tố như điều kiện thời tiết thuận lợi, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì năng suất đạt cao như năm nay có vai trò rất quan trọng của công tác giống cây trồng", ông Văn Anh nói.

Đến nay, ThaiBinh Seed đã đưa giống lúa TBR225 và TBR97 vào sản xuất tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Đến nay, ThaiBinh Seed đã đưa giống lúa TBR225 và TBR97 vào sản xuất tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Cũng theo ông Văn Anh, trước đây mỗi vụ nhiều nhất trên địa bàn tỉnh chỉ bố trí được 17 giống lúa. Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024 tỉnh đã bố trí được 35 giống, trong đó ThaiBinh Seed tham gia 2 giống là TBR225 và TBR97. 

"Các giống lúa được đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh đều phù hợp với từng vùng, từng chân đất. Mục tiêu của tỉnh là sẽ đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt để dần thay thế các giống đã thoái hóa, năng suất thấp", ông Văn Anh cho biết.

Để tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai chuỗi liên kết từ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật cho đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung có diện tích 20ha trở lên. 

Cùng với đó, để việc thu mua, bảo quản lúa thuận tiện, tỉnh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến lúa gạo tại địa phương. Nhà máy sẽ có đầy đủ hệ thống sấy, chế biến và đóng gói thành phẩm đúng tiêu chuẩn. Nông dân chỉ cần thu hoạch và bán lúa tươi cho doanh nghiệp liên kết theo giá thỏa thuận.

"Tỉnh sẽ sớm xúc tiến triển khai các giải pháp trên trong thời gian sớm nhất bởi làm nông nghiệp mà không liên kết bao tiêu sản phẩm thì không bao giờ bền vững được", ông Văn Anh nói.

Nông dân sử dụng giống lúa do ThaiBinh Seed cung ứng sẽ được bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Ảnh: CĐ.

Nông dân sử dụng giống lúa do ThaiBinh Seed cung ứng sẽ được bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Ảnh: CĐ.

Ông Bùi Quang Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh Bắc Trung bộ cho biết, đây là vụ thứ 3 doanh nghiệp triển khai sản xuất thử nghiệm các giống lúa do đơn vị cung ứng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngoài giống TBR225 được đưa vào sản xuất lần đầu ở vụ đông xuân 2023 - 2024, trước đó, giống lúa thuần TBT97 cũng đã được doanh nghiệp này đưa vào sản xuất tại một số huyện, thị xã ở Thừa Thiên - Huế như Hương Thuỷ, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang... Qua đánh giá, giống TBR97 đã khằng định được những ưu điểm vượt trội của một giống lúa thuần chất lượng cao như chống đổ ngã tốt, ít sâu bệnh, gạo ngon, năng suất cao...

Để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân trồng lúa tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Bùi Quang Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo Công ty là liên kết sản xuất theo hướng bao tiêu sản phẩm đối với những diện tích lúa đủ điều kiện.

"Doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua ít nhất 300ha đối với các giống lúa TBR97, TBR225 ở vụ hè thu 2024 sắp tới. Đây là hai giống có nhu cầu tiêu thụ rất tốt hiện nay. Ngoài ra, nông dân sử dụng các giống lúa của Công ty nếu đủ diện tích theo quy định cũng sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm", ông Tuấn nói.

TBR225 là giống lúa thuần do Kỹ sư Trần Mạnh Báo - Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed và các cộng sự lai tạo, thuộc bản quyền của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, được công nhận giống quốc gia năm 2015.

Ưu điểm của giống là cảm ôn, ngắn ngày, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, thích ứng trên nhiều chân đất, đặc biệt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt tại các tỉnh miền Trung.

Xem thêm
Một con lợn 'giết mổ chui' chỉ cần một can nước là xong

Các cơ sở giết mổ động vật tập trung đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng ‘giết mổ chui’ vẫn chưa được kiểm soát.

Nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh do chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ còn nhiều bất cập.

Bí thư xã đầu tư công nghệ, nâng tầm đặc sản nếp cái hoa vàng

HẢI PHÒNG Trăn trở với giống nếp cái hoa vàng của địa phương, gia đình ông Lương Thanh Sắc đã đầu tư công nghệ hiện đại để biến những hạt gạo thành sản phẩm có giá trị.