| Hotline: 0983.970.780

Mùa vá lưới

Thứ Sáu 13/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đến mùa vá lưới, các làng chài như bừng lên bởi đa dạng sắc màu của những tấm lưới: đỏ rực, tím, lam, xanh, trắng…

Sắc màu vào mùa

Vá lưới là nghề làm quanh năm, nhưng với phụ nữ các làng biển, từ tháng 10 đến tháng Chạp âm lịch hằng năm mới là thời điểm chính vụ.

Bởi lẽ, những tháng này biển động, tàu cá không ra khơi được; rồi cận kề Tết, nhiều tàu neo bờ cho thuyền viên ăn Tết cổ truyền, các chủ tàu tranh thủ những ngày này đại tu ngư lưới cụ. Thế là những thợ vá lưới có việc làm.

Đôi tay vừa thoăn thoắt lia chiếc ghim nhựa móc vào những mắc lưới, bà Trần Thị Xuân (60 tuổi) ở làng chài Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ, Bình Định) xởi lởi: “Phụ nữ ở các làng biển không ai là không biết vá lưới. Đến con trăng, tàu thuyền hầu hết đều cập bờ.

Sau hàng tháng lênh đênh trên biển, khi tàu buông neo là cánh đàn ông túm tụm chén tạc chén thù kể chuyện đánh bắt cá, cánh phụ nữ bọn tui lo ghim lo cước vá lành những lỗ thủng trên tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới.

Một tấm lưới dùng rất nhiều mùa biển, nên phải vá đi vá lại nhiều lần vì trong quá trình đánh bắt vướng cây trôi, san hô trên biển rách miết thôi, nghề lưới theo đó mà thành”.

Trước kia, khi tàu cá còn hiếm, lưới nhà ai nhà nấy vá, kẹt lắm thì làm đổi công. Khi nghề đánh bắt thủy sản xa bờ tại Bình Định phát triển, số lượng tàu bè tăng cao, theo đó, số lượng lưới cũng tăng theo nên đã hình thành nên nghề vá lưới chuyên nghiệp.

Chị Trần Thị Phượng (49 tuổi) ở thôn Nhuận An, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn, Bình Định), tổ trưởng tổ lưới Tam Sanh, cho biết: “Bây giờ bạn thuyền nhiều, tàu được nâng cấp ngày càng to hơn nên lưới cũng được trang bị lớn hơn, công làm lưới cũng cần nhiều hơn.

14-48-05_v_luoi-2
Thợ vá lưới cần nhất tính tỉ mỉ, chăm chỉ

Do đó, nghề vá lưới bây giờ không còn làm nhỏ lẻ như xưa, mà được tập hợp thành những tổ. Tổ lưới chia thành hai nhóm, nhóm chuyên làm lưới mới và nhóm chuyên vá lưới. Người vá lưới được trả công 100.000 đ/ngày, làm lưới mới được trả 150.000đ/ngày”.

“Nghề không khó, người nhanh trí chỉ cần học 1 tuần là thạo việc, người chậm lắm cũng mất chừng 1 tháng là có thể đi làm kiếm tiền. Đặc điểm của nghề là đòi hỏi cao sự chăm chỉ, chịu khó và tính tỉ mỉ”, chị Đặng Thị Năm (47 tuổi) ở phường Hải Cảng, người có thâm niên 15 năm vá lưới thuê ở Cảng cá Quy Nhơn, cho hay.

Những gam màu buồn vui

Sống ở vùng quê biển, nếu gia đình không đủ điều kiện sắm tàu cá vươn khơi thì hầu hết các chàng trai đều làm nghề đi bạn, phụ nữ thì theo nghề vá lưới để tạo kế mưu sinh. Khi những cặp đôi lập gia đình, chồng đi bạn, thu nhập từ những chuyến biển để dành lo cho con cái ăn học, vợ ở nhà làm nghề vá lưới chạy bữa hằng ngày cũng có được cuộc sống ổn định.

“Hai vợ chồng tui lấy nhau đến nay đã 4 năm, giờ đã có 2 mặt con. Chồng đi bạn cho tàu cá trong vùng, tui ở nhà theo chị em đi vá lưới. Thu nhập không cao, nhưng mỗi ngày hơn 100.000 đ cũng đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Tiền nhận được từ mỗi chuyến biển của chồng được dành dụm xây nhà, lo cho con ăn học, cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên”, chị Lê Thị Anh Sự (27 tuổi) ở làng biển Hoài Hương, bày tỏ.

Đối với nhiều gia đình, nghề vá lưới chính là chiếc cầu nối đưa lớp trẻ làng chài đến với giảng đường đại học. Ví như chị Trần Thị Thanh (48 tuổi) ở thôn Thạnh Xuân Bắc, chồng mất sớm, nhờ nghề vá lưới mà chị đảm đương cuộc sống cho người cha già và 3 con ăn học, trong đó có 2 cháu đang học đại học và 1 cháu học lớp 7.

14-48-05_v_luoi-1
Cung cấp nguyên liệu cho thợ vá lưới

“Thu nhập từ nghề vá lưới không cao, nhưng giải quyết được việc làm cho khoảng 500 phụ nữ trong xã với mức thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng”, ông Võ Hồng Kha, chủ cơ sở chuyên vá lưới ở xã Hoài Hương, cho biết.

Chị Thanh tâm sự: “Một nách nuôi con khó khăn tứ bề, nhưng dù khó khổ đến mấy tui cũng cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Đời mình đã khổ, chỉ mong các con có cuộc sống tốt hơn. Thiệt ra, tụi nhỏ đi học được cũng nhờ cái nghề vá lưới của tui. Nửa tháng tui vá lưới ở quê, nửa tháng theo tàu vào miền Nam vá lưới, đi xa thì tiền công được gấp đôi”.

Những thợ vá lưới không chỉ hành nghề ở địa phương, mà ở đâu có nghề biển là các chị đều có mặt. Riêng tại xã Hoài Hương hiện nay đã có đến 5 đội vá lưới chuyên nghiệp, mỗi đội có từ 15 đến 30 chị tham gia. Sau khi vá hết lưới cho các tàu thuyền ở quê, các chị liền tay nải tay xách khăn gói vào đến các cảng cá Khánh Hòa, Vũng Tàu, Cà Ná, Tiền Giang… nơi các tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ bán sản phẩm có nhu cầu vá lưới để hành nghề mưu sinh.

Hầu hết những góa phụ ở xã Hoài Hương có chồng bị chết khi đang hành nghề trên biển đều đang theo nghề vá lưới để kiếm tiền nuôi con. Những chuyến hành nghề xa nhà của các chị xen lẫn nhiều niềm vui và nỗi buồn. Các chị vui vì đi vá lưới xa công được nhận cao hơn, có tiền thong thả lo tết tư cho con cái. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, sâu lắng trong lòng các chị là nỗi buồn day dứt.

Tàu cá thường cập bờ vào mùa trăng. Do vậy, từ mùng 10 âm lịch hằng tháng là vợ các ngư dân sắm sửa hành lý, chuẩn bị thuê xe lên đường đi thăm chồng. Mỗi mùa trăng, tại Hoài Hương ít nhất có đến 10 chiếc xe khách, mỗi chiếc chở 50 chị đi thăm chồng. Chiếc thì ra Quảng Bình, Đà Nẵng; chiếc vào Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang… Những chị không có chồng để thăm vì chồng đã chết ngoài biển, nhưng cũng theo những chuyến xe này đi vá lưới cho những chiếc tàu cập bờ.

“Đi cùng chuyến xe nhưng tâm trạng mỗi người mỗi khác. Người đi thăm chồng thì vui vẻ rộn rã, vì vừa được gặp chồng, vừa được nhận tiền đi bạn của chồng. Người đã mất chồng, đi vá lưới thuê kiếm từng đồng thì đi với nỗi lòng não nề”, góa phụ Nguyễn Thị Kha, kể.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm