| Hotline: 0983.970.780

Mùa vịt

Thứ Sáu 03/07/2020 , 07:35 (GMT+7)

Xưa, thịt vịt không sẵn như bây giờ mà phải có mùa, mùa vịt là vào mùa hè.

Cuối chợ, dãy hàng gà vịt mùa này rôm rả lắm, người ta hay bảo vịt trắng chợ, hàng gà có khi còn bị lép vế vì mùa vịt nhà nào chẳng làm đôi ba bữa. Ăn vịt mùa hè vừa ngon lại vừa mát, với lại vịt vào mùa không đắt như gà.

Để mùa hè có đàn vịt bầu, vịt đàn bán được thì ngay sau tết, khi cấy hái xong, nông nhàn là người ta đã phải "gột vịt".

Gột vịt là nuôi cho vịt cứng cáp khoảng mươi ngày sau khi vịt nở, việc này đòi hỏi những người có nghề, thường là người trong các làng nghề chuyên gột vịt. Họ có thể có lò ấp trứng, hoặc mua vịt mới nở về "gột" rồi mới bán lại cho người mua làm giống.

Chăn nuôi vịt thường phải có khâu này, thì số lượng vịt nuôi ban đầu với lượng xuất bán mới ít hao hụt. Gột vịt thật vất vả, vì vịt vừa mới nở cần chăm sóc, vịt này có thể ăn cám, ăn tấm, có khi người ta còn phải nấu hồ quệt lên lưng từng con để cho bọn vịt lấy nguồn thức ăn từ đó.

Khi vịt gột cứng cáp, được cho vào các bu, các lồng đem đi chợ phiên trong vùng bán. Người mua ít về nuôi khoảng 1-2 chục con, người mua nhiều thì mua cả đàn hàng trăm con. Nhưng thường thì, họ tìm đến chợ giao lưu, nếu mua cả đàn, họ sẽ đến tận nhà người gột mua.

Xưa những nhà trong làng có ao hay gần ao làng mới hay nuôi vịt, chứ vịt nuôi cạn không được bơi hàng ngày sẽ không lớn và ăn rất hôi.

Ao nhà thì cả ngày chúng ngụp lặn mà kiếm ăn, thi thoảng vãi mớ tép hay rổ rau cho rỉa, cứ thế đến ngày đến tháng là có vịt ăn, vịt bán. Còn nếu ao làng hay mương máng gần nhà thì phải quây lưới, sáng lùa ra, tối lùa về.

Phần lớn là chúng tự kiếm ăn, nhưng kiếm được mớ ốc hay tép rẻ chủ vẫn mua băm cho cả đàn ăn. Vịt là giống phàm ăn, chúng lùng sục khắp dưới nước, trên bờ, chúng tụ tập ở đâu là ở đó đất mòn, cỏ trơ gốc.

Nhiều người trong làng có khi năm nào cũng nuôi một đàn vịt một trăm đến vài trăm con. Sáng sớm đã đeo túi cơm ăn và thóc trên vai, tay cầm cờ lùa cả đàn ra đồng. Cả ngày phất cờ điều khiển chúng kiếm ăn, đội nắng, đội mưa, áo ướt rồi lại khô. Mang cút rượu ra đồng cũng phải lúc thuận lợi mới ngả ra nhắm được, còn phấn lớn phải để mắt đến chúng, nếu không lạc một đôi con ngay. Mà ngày nào cũng thế có mà vợi đàn.

Chiều ngả bóng người với vịt mới lại tíu tít về làng. Cái ngõ làng bé tí thấy bầu đoàn này đôi người phải né, hay xuống xe đạp cho vịt đi qua. Anh chăn vịt thường đen nhẻm, tóc cháy nắng luôn mồm "kiu kiu". Có những hôm về làng mặt buồn thiu xách xác một con vịt bị chết, ai gặp cũng phải hỏi thăm.

Thấm thoắt mới hôm nào vịt con còn vàng ruộm, rồi vịt mọc lông măng xong mọc lông đuôi và chéo cánh, đôi con đen, còn phần lớn là trắng tinh. Và cũng là khi nắng đã lên, có sấm, có mưa. Chăn vịt tầm này không nhàn hơn là mấy mà lại cần vốn, vịt ăn thóc rào rào hàng ngày thì chớ, lại lo nhỡ có giây, có rù thì sạt nghiệp.

Có bữa sau khi trời mưa, nước lên, đàn vịt bơi ngụp dưới mương nước, đấu, hay chuôm, cừ ngoài đồng đầy sung sướng. Loài này đến lạ, chỉ lúc lạc đàn là kêu thảng thốt, chứ cứ có bầy đàn là kiu kiu rất vui.

Trong khi đó người chăn vịt thì nhìn trời lo mưa tiếp phải về sớm, phất cờ để chúng lên bờ mà quá khó. Chạy thuỳnh thuỵch hết mé này đến mé kia. Những đàn vịt ít thì còn về làng buổi tối, sớm hôm sau mới lại ra đồng, chứ những đàn vịt vài trăm con trở lên người ta thường phải ăn ngủ ngoài đồng luôn.

Người chăn vịt thường dựng cái lều lá giữa đồng để trông vịt, có khi lều được dựng lên trên mặt nước của ao chuôm, bốn bề gió lộng, phần lớn thời gian trong ngày chỉ có vịt làm bạn với người.

Vui với thành quả lao động của mình một phần, còn thì ai cũng thấy của đống tiền thế này ai mà bỏ được. Nếu muốn về thì người nhà phải ra trông thay, hay là tiện ao hồ có nguồn nước tắm táp thì người nhà chỉ việc mang cơm ra. Ròng rã cả 3, 4 tháng trời chứ ít đâu.

Vịt đàn thường được bán sớm, nhỏ con, nhưng ngọt thịt và thơm ngon. Nhà 4 người cũng phải ăn đôi con mới đủ. Vịt bầu thường to hơn, dầy thịt, béo mỡ, cắn miếng thịt ngập răng.

Vịt luộc, vịt nướng đều ngon cả. Vịt luộc chặt đĩa, ăn với rau thơm, cổ cánh xáo măng, chan bún. Muốn ăn vịt nướng thì quạt than hoa, tẩm ướp gia vị với mỡ nước, phết lên là tay giở, tay quạt nướng cho giòn da, dậy mùi thì được.

Nhưng có lẽ cánh đàn ông mê nhất là món tiết canh vịt. Muốn ăn tiết canh là phải chọn vịt đã chéo cánh, tức là vịt đã trưởng thành, không bị tanh như vịt non. Tiết cắt ra, hãm nước mắm đúng tỉ lệ, muốn ăn tiết canh cứ phải dành một con mới đủ nhân.

Lọc xương, băm thịt, nhất là phần cổ cần băm kĩ hơn, gan thái mỏng, lạc rang giã dập, rau húng, mùi tàu cùng chanh tươi thơm dậy.

Tiết canh đánh trước, để kịp đông, canh măng chưa vội cứ đun riu lửa cho nóng, vịt chặt bầy đĩa xong leng keng mâm bát là vừa.

Chai rượu ba để cạnh mâm là đám trẻ con háo hức lắm rồi, đem vào mâm cả rổ rau thơm gồm mùi tàu, húng chó, củ hành mới vớt chưa kịp vẩy. Mẹ chúng lại phải đứng lên ra sân vẩy cho ráo nước. Nhà ăn vịt, đến con mèo cũng về dụi chân chủ để chờ xương.

Chả hẹn thì đến mùa vịt nhà nào cũng làm ít nhất một bữa, nhiều thì đến dăm bữa, nếu không trẻ con lại thắc thỏm, so đo với nhà hàng xóm. Chúng thích ăn vịt vì còn bán được lông cho các bà "lông gà lông vịt, đồng nát, nhôm nát" đi suốt ngõ mùa này.

Có thể chúng bán lấy tiền cất đi để dành, hay đổi đôi dép mới để diện. Có thằng con trai lại đổi bi để chơi trong mùa hè tới.

Ăn vịt thì đám trẻ thích, nhưng làm lông vịt không phải ai cũng biết làm. Cắt tiết khó, làm lông cũng khó, nhất là con nào nhiều lông măng, không biết miết tay khi vặt lông thì có mà lấy nhíp nhổ từng cái không xong.

Mổ vịt, làm lòng, làm mề cũng phải học, nếu không sẽ không bóc được mề và lòng sẽ đứt đoạn. Bọn trẻ con ở quê xưa không được mẹ dạy, nhưng chầu chực người lớn làm, rồi đến tuổi mặc nhiên phải làm.

Có đứa cắt tiết vịt thế nào mà để xổng, con vịt chạy ra rồi xuống ao bơi. Người trên bờ, vịt dưới ao kêu quàng quạc, người lớn lắc đầu chê vụng, trẻ con cười khoái trá.

Xưa có những làng đồng trũng, lúa rất dễ mất mùa, nuôi vịt như thể là cách cứu đói. Thóc lép, lúa ngoi nuôi những đàn vịt lớn bằng nhau chằn chặn, chủ nhân dựng lều vợ chồng con cái dọn hết ra đồng ở chăn vịt. Vịt đàn bán sớm cho được giá, đàn vịt bầu bán lại được tiền ra tấm ra món hơn, đàn vịt đẻ lấy trứng… nhiều nhà không chỉ thoát đói mà còn giầu lên sau những mùa vịt.

Ban đầu còn phải đem vịt đi khắp các chợ phiên bán, sau này cánh buôn về tận lều mua cả đàn vịt, bắt dần độ dăm ngày là hết. Trứng cũng được cánh buôn đếm từ vài trăm rồi lên cả nghìn quả. Trứng không để trong trấu nữa, mà xếp vào khay cho dễ vận chuyển.

Vào ‘’mùa vịt’’ lại nhớ cảnh đi chợ đón người gột vịt làng xa về chợ làng mình. Bố mẹ thường mua một hai chục con cho bọn trẻ chăn mùa hè để bớt nghịch mà lại được ăn tươi. Không ít đứa trẻ nhớ đàn vịt mình đã chăm khi xưa đến tận giờ và nhớ những trận đi câu cá, hôi cá, hay tát vũng kiếm tép cho vịt ăn để vịt chóng lớn…

Một ngày nắng mới tôi lại nhớ tới mùa vịt và những niềm vui con trẻ tự xa lắc.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.