| Hotline: 0983.970.780

Mỹ - EU đang xa mặt cách lòng?

Thứ Ba 30/05/2017 , 11:11 (GMT+7)

Giai đoạn mặn nồng giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ có vẻ như đang bị gián đoạn sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Tương lai của khối này càng bị đặt dấu hỏi trước viễn cảnh Anh sẽ ra đi trong 2 năm tới.

Chia rẽ không cần che giấu

“Giai đoạn chúng ta phụ thuộc hoàn toàn hoặc mức độ nhất định vào người khác đã chấm dứt. Đã tới lúc châu Âu phải tự định đoạt tương lai bằng đôi tay của chính mình”. Đây là phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại buổi mít-tinh hôm 28/5 ở thành phố Muchen.

Đức đang cần mối quan hệ tốt đẹp với Pháp thay vì tiếp tục dựa cậy vào Mỹ?

Tờ DW (Đức) dẫn lời bà Merkel “chua” thêm rằng, bà đã thấm thía vấn đề trên “trong mấy ngày qua”. Đó là Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự tham dự của Mỹ, dẫn đầu bởi Tổng thống Donald Trump, kết thúc vào hôm 27/5.

Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump sau khi chính thức nhậm chức. Tổng thống Mỹ trước đó đã đi 1 vòng với chặng dừng chân đầu tiên ở Saudi Arabia, qua Israel rồi mới tới châu Âu. Chỉ nội việc ông Trump bỏ qua hai điểm công du truyền thống của những người tiền nhiệm (Mexico và Canada) và “quên” luôn cả EU lẫn NATO đã khiến giới chức châu Âu không khỏi phiền lòng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, sự thất vọng của khối EU càng tăng lên khi Washington thể hiện quan điểm khác biệt trong hầu hết các vấn đề nghị sự. Biển Đông là điểm sáng duy nhất khi khối G7 ra tuyên bố kêu gọi các nước “phi quân sự hoá các thực thể tranh chấp”.

Mỹ đã từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ thoả thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu, ký ở Paris năm 2015. Tổng thống Trump trên trang cá nhân Twitter tuyên bố, sẽ đưa ra quyết định về thoả thuận này “trong vài tuần tới” sau khi trở về Mỹ. Về thương mại, Mỹ nhất trí với cả khối bằng cam kết chống lại các hình thức bảo hộ. Tuy nhiên, ông Trump lại khiến Berlin mất vui khi chỉ trích Đức ngay tại Brussels bằng cụm từ “tệ, rất tệ”.

Theo ông Trump thì, Đức đã…bán quá nhiều hàng hoá vào Mỹ, trong đó có xe hơi. Khác biệt nhiều đến độ Thủ tướng Ý Paolo Gentilni cũng chả buồn phủ nhận sự khác biệt và chia rẽ giữa các thành viên. Trong khi đó, bà Merkel thì than rằng, G7 đang trong thế “6 chống 1”. Báo chí châu Âu được dịp gọi hội nghị thượng đỉnh lần này bằng cụm từ “G6+1” thay cho G7.

Theo DW, cho dù Anh thể hiện sự ủng hộ đối với thoả thuận Paris, nhưng việc nước này sắp rời EU hứa hẹn khả năng London sẽ theo con đường riêng, thay vì chung bước với EU. Đây có lẽ là lý do bà Merkel tuyên bố, đã đến lúc EU không thể dựa cậy vào Mỹ hay Anh, dù vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai.

Trước đó tại hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Trump cũng khiến các đồng minh phiền muộn khi liên tục nhắc lại “bài ca” trách nhiệm chia sẻ gánh nặng tài chính trong khối. Ông Trump cũng “quên” nhắc tới điều 5 về quyền phòng vệ tập thể của NATO, khiến Cố vấn An ninh quốc gia H.R McMaster sau đó phải nói lại.
 

Quan hệ mới Berlin-Paris?

Trước và sau khi người Anh lựa chọn Brexit, vai trò của Đức đối với EU càng trở nên quan trọng hơn. Theo giới phân tích, thực tế bà Merkel đang cố gắng để Berlin đảm nhiệm vai trò này tốt hơn. “Nơi nào Đức có thể giúp, Đức sẽ không ngần ngại bởi chúng tôi hiểu công việc chỉ tốt nếu cả EU cùng khởi sắc”, tuyên bố của bà Merkel phần nào thể hiện ý thức về vai trò trụ cột của Đức với khối châu Âu.

Theo DW, bà Merkel cũng đủ tình táo để hiểu trong bối cảnh Anh và Mỹ không còn dựa cậy được nhiều, Berlin cần một sự ủng hộ mới. Đó có thể là Pháp, nơi tân Tổng thống Emmanuel Macron là người có quan điểm yêu EU một cách nhiệt thành. Trong tuyên bố tại Muchen, Thủ tướng Merkel đã đặc biệt nhấn mạnh sự quan trọng của mối quan hệ nồng ấm giữa Đức với chính quyền mới của ông Macron.

(Theo DW, AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.