| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển trước thách thức biến đổi khí hậu [Bài 3] Nuôi công nghệ Na Uy

Thứ Tư 27/04/2022 , 10:04 (GMT+7)

Ngoài mô hình cho nông hộ, trên vịnh Vân Phong, Khánh Hòa cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ nuôi biển với quy mô công nghiệp, hiện đại.

Trang trại nuôi cá biển của Viện I trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Trang trại nuôi cá biển của Viện I trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Chúng tôi nhiều lần tham quan trang trại nuôi đặc sản cá chim vây vàng khép kín kiểu công nghệ Na Uy của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (gọi tắt Viện I). 

Trang trại được thành lập giữa năm 2013 với diện tích mặt biển khoảng 10ha. Trong đó có 20 lồng tròn HDPE, mỗi lồng có chu vi 60m chủ yếu nuôi cá chim vây vàng thương phẩm. Còn 22 lồng vuông kích thước 5x5x5m dùng nhựa HDPE để nuôi cá bố mẹ và ương cá giống. 

Quy trình nuôi cá tại đây tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp. Cụ thể, tỷ lệ cá sống thường đạt từ 76 - 84% từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8-10 tháng. Có thể nói đây là một trong những đơn vị tiên phong nuôi cá chim vây vàng theo hướng công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trạng trại cho cá chim vây vàng ăn phun bằng máy. Ảnh: KS.

Trạng trại cho cá chim vây vàng ăn phun bằng máy. Ảnh: KS.

Anh Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao cho biết, hiện Trung tâm có tất cả 15 người, trong đó có 9 người trực tiếp ở trang trại để nuôi cá biển. Tất cả đều đã được tuyển dụng, đào tạo và tập huấn về nội quy an toàn lao động, an toàn sinh học, sơ cấp cứu và những kỹ thuật trong nuôi biển.

Bên cạnh đó, để phục vụ quá trình nuôi biển trang trại có trang bị một tàu công tác chuyên dụng. Con tàu này có nhiệm vụ vừa vận chuyển hàng hóa và nhân công, vừa thực hiện công việc nặng như bốc xếp hàng hóa, cẩu lưới và thu hoạch thay cho lao động chân tay nhờ mặt trước boong có lắp đặt cần cẩu lớn.

Tính từ năm 2018 đến nay, trang trại hoạt động ổn định với quy mô sản lượng khoảng 200 tấn/vụ, cỡ cá đạt trọng lượng từ 500-1.000 gram/con. Hiện sản lượng cá thương phẩm nuôi tại đây, ngoài tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông; với giá bán dao động từ 110-150.000 đ/kg, lợi nhuận 20-30%.

Trạng trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao nuôi đặc sản cá chim vây vàng. Ảnh: LK.

Trạng trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao nuôi đặc sản cá chim vây vàng. Ảnh: LK.

Theo Viện I, hiện các quy trình công nghệ áp dụng tại trang trại đã được Viện I làm chủ và ứng dụng vào thực tế thành công từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, quản lý thức ăn, cho cá ăn, phòng trị bệnh cho cá cho đến thu hoạch và bảo quản sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Đáng chú ý là một số quy trình công nghệ đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật như quy trình công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng; quy trình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong lồng quy mô công nghiệp và quy trình giám sát môi trường và phòng trị bệnh cá chim vây vàng nuôi lồng trên biển.

Đặc biệt, Viện I cũng đã làm chủ công nghệ thiết kế và lắp đặt lồng HDPE theo công nghệ Na Uy với vật liệu làm lồng được nội địa hóa, giảm được chi phí hơn 50% so với lồng ngoại nhập. Hệ thống lồng, neo được thiết kế chống bão cấp 11. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chịu được cơn bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15 mà bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm trang trại nuôi biển của Viện I. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm trang trại nuôi biển của Viện I. Ảnh: KS.

Vào tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng đã có chuyến tham quan trang trại nuôi cá biển này và đã đánh giá cao Viện I trong việc tiên phong nuôi cá biển bằng lồng kiểu Na Uy. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Viện I không chỉ đã làm chủ được quy trình công nghệ từ sản xuất giống cá chim vây vàng, sản xuất thức ăn công nghiệp theo công thức hợp tác giữa Viện I với Công ty De Heus (Hà Lan), mà còn nuôi thương phẩm an toàn sinh học; ứng dụng công nghệ lồng kiểu Na Uy phù hợp với điều kiện thực tiện thực tế tại Việt Nam.

Do đó, Thứ trưởng chỉ đạo Viện I tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi biển đối với nhiều đối tượng khác, cũng như tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ lồng nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng nuôi…Từ đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nuôi cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục vụ cho chiến lược nuôi biển trong thời gian tới.

Khu nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Ảnh: KS.

Khu nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Ảnh: KS.

Ngoài Viện I, trên vịnh Vân Phong, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, có vốn 100% nước ngoài của Mỹ, được thành lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hơn 12 năm cũng nuôi đặc sản cá chẽm quy mô công nghiệp hiện đại.

Cá chẽm của Công ty được nuôi trồng ở các khu vực nước biển trong các lồng nuôi lớn kiểu Na Uy với mức độ tự động hóa cao. Cụ thể cá cho ăn bằng hệ thống tự động, camare robot quan sát cá dưới nước đồng thời quan lý việc cho ăn chính xác, đảm bảo vệ sinh môi trường biển...

Được biết, hiện Công ty này có 3 vùng nuôi ở vịnh Vân Phong, mỗi vùng có 14 lồng và mỗi lồng nuôi có thể thu hoạch từ 250-300 tấn cá mỗi chu kỳ nuôi. Công ty thường thu hoạch cá từ 5 đến 7 ngày mỗi tuần và chế biến sản phẩm cá chẽm thành cá philê đông lạnh để phục vụ thị trường toàn cầu. Sản phẩm của Công ty được bán dưới thương hiệu Better Fish và Clean Harvest.

Đến nay, Công ty đã trở thành là nhà sản xuất cá chẽm lớn nhất thế giới với các cơ sở chế biến ở nhiều địa điểm khác nhau ở tỉnh Khánh Hòa. 

Tại hội nghị về phát triển nuôi biển bền vững từng được tổ chức tại Phú Yên vào cuối năm 2020, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, cho biết, Công ty này đã dành 3 năm để nghiên cứu 30 loài thủy sản toàn cầu và cuối cùng đã chọn cá chẽm là đối tượng nuôi biển tốt nhất tại Việt Nam. Bởi cá chẽm có hệ số chuyển đổi thức ăn tốt, sinh trưởng quanh năm và chất lượng thịt ngon tuyệt vời, có thể thay thế thủy sản nhiệt đới khác như cá mú, cá vược hay cá trác đang bị đánh bắt quá mức.

Chia sẻ về phương pháp để nuôi biển hiệu quả, đại diện Công ty này cho rằng, khu vực dành nuôi biển cần được ưu tiên và tách biệt với sự phát triển công nghiệp. Cùng với đó, có 4 yếu tố cần phải đảm bảo gồm nguồn giống, chẩn đoán và vacxin, đảm bảo nguồn thức ăn cho cá bố mẹ và thức ăn cho cá nuôi trong quá trình nuôi biển. Đây là yếu tố nuôi bền vững được công ty chú trọng trong quá trình nuôi biển và cũng là những yếu tố đã được các tổ chức hàng đầu thế giới chứng nhận.

Chế biến cá chẽm tại Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Ảnh: KS.

Chế biến cá chẽm tại Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Ảnh: KS.

Bên cạnh các yếu tố trên, việc sáng tạo, đổi mới và xây dựng thương hiệu cũng được Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chú trọng, ưu tiên cho chiến lược phát triển. Vì vậy, hiện các đối tác cung ứng sản phẩm của công ty là những chuỗi hoặc siêu thị hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ.

Doanh nghiệp này cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu về sản lượng trong lĩnh vực nuôi biển, phục vụ xuất khẩu, Việt Nam cần phải hợp tác, kích hoạt hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có việc ứng dụng công nghệ mới, chẳng như công nghệ Na Uy để giải quyết thách thức trong việc mở rộng quy mô sản xuất, cũng như chống chịu tình trạng thời tiết cực đoan là rất cần thiết.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, do đó cần có điều kiện bền vững cho nhà đầu tư, chẳng hạn về thời hạn thuê đất và khu vực nuôi trồng cần được bảo về trước tác động môi trường, cũng như cần chính sách phù hợp liên quan đến an toàn sinh học, phụ gia thực phẩm, phụ gia thức ăn…

Từng bước tiến lên nuôi biển quy mô công nghiệp

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, việc nuôi biển quy mô công nghiệp như của Viện I và Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam rất phù hợp với các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính lớn.

Còn đối với nông hộ do trình độ, tài chính đầu tư nuôi biển còn hạn chế nên không thể “nhảy” lên thẳng nuôi quy mô công nghiệp được. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đang hỗ người nuôi theo kiểu phù hợp quy mô nông hộ, không cần dùng máy móc rờm rà. Tuy nhiên khi nền tản nuôi biển của người dân vững chắc, có vốn tích lũy sẽ tiến lên nuôi quy mô công nghiệp để hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Khánh, ngoài cá biển, tôm hùm là loại đặc sản của tỉnh Khánh Hòa được người dân nuôi nhiều. Tuy nhiên đặc thù nghề nuôi tôm hùm cần phải nuôi trong lồng vuông. Do đó để giúp người nuôi tiếp cận công nghệ lồng nuôi vuông HDPE chịu được sóng gió thay lồng gỗ, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng mô hình này bằng nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.