| Hotline: 0983.970.780

Nặm Đăm là làng, không phải phố!

Thứ Hai 01/05/2023 , 13:33 (GMT+7)

Bản người Dao Nặm Đăm nổi nật giữa các triền đá trên cao nguyên với những ngôi nhà trình tường màu sáp ong vàng óng cùng miền văn hóa mang đậm nét xưa hồn cũ.

Một góc làng Nặm Đăm. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc làng Nặm Đăm. Ảnh: Đào Thanh.

Lời hứa chắc như cây nghiến, cây lim

2023 là năm thứ 11 kể từ ngày ông Lý Quốc Thắng đón những vị khách du lịch đầu tiên về làng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ngày các chuyên gia trong nước và nước ngoài về đây cùng với sự kiện Cao nguyên đá Hà Giang được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, khái niệm làm du lịch bắt đầu nhen nhóm trong làng.

Chính quyền tỉnh Hà Giang chọn Nặm Đăm xây dựng làng văn hóa du lịch bởi nơi đây còn giữ được nét văn hóa nguyên sơ bản địa; những ngôi nhà trình tường còn tồn tại nhiều ở làng và văn hóa người Dao chàm bản địa còn độc đáo.

Ông Thắng nhận lời là người tiên phong làm du lịch không phải vì nhà ông là hộ khấm khá của bản, cũng không hẳn ông là người hiểu biết nhất bởi ngay cả tiếng Kinh khi ấy ông còn nói chưa được nhiều từ, nhiều câu. Nhưng cán bộ huyện, xã rồi Bí thư chi bộ thôn bảo phải đổi mới, phải làm du lịch vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa vừa có tiền đẩy lùi cái nghèo.

Nhận lời cán bộ rồi thì ông Thắng phải giữ lời hứa. Với người đàn ông Dao ở Nặm Đặm lời đã hứa ra thì chẳng khác nào cây lim, cây nghiến trên núi cao gió to mấy cũng không thể lung lay, không thể đổ gẫy.

Khu nhà homestay của gia đình ông Lý Quốc Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Khu nhà homestay của gia đình ông Lý Quốc Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà ông Thắng thuộc diện nghèo ở làng, người làng thấy ông làm du lịch thì ngó nghiêng xem hiệu quả ra sao. Theo sự giúp đỡ và hướng dẫn của cán bộ, ông Thắng đón những vị khách đầu tiên đến làng. Ông làm du lịch bắt đầu từ đôi bàn tay xù xì thô ráp chỉ biết nắm vào cái cầy cái cuốc, vào bùn đất những mong ngày đủ bữa no bụng cho cả nhà. Và từ du lịch, bàn tay ấy đã được nắm vào những đồng tiền của từng đoàn khách lạ ông mừng lắm.

Là người tiên phong làm du lịch của làng, được tiếp xúc với nhiều khách miền xuôi, cái đầu ông Thắng cũng sáng ra. Ông hiểu được để đủ no bụng thì chỉ cần lầm lũi mang cuốc, mang cầy lên nương nhưng để nghĩ được nhiều hơn chuyện no bụng thì phải có nhiều kiến thức, mà kiến thức thì cây ngô, cây lúa hay vạt đồi không thể đẻ ra mà phải học chữ. Bởi vậy mà sau này 3 đứa con của ông đứa nào cũng học hết 12, trong đó có 1 đứa làm công an, còn thằng con trai út Lý Văn Quang sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tình nguyện trở về làng làm du lịch homestay cùng bố.

Du khách đến tham quan trải nghiệm tại khu bungalow của gia đình ông Lý Quốc Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Du khách đến tham quan trải nghiệm tại khu bungalow của gia đình ông Lý Quốc Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Ông bảo, nó học được nhiều chữ, đi nhiều nơi, thế hệ của ông chỉ biết làm 1 cái nhà sàn, còn nó thì dám vay tiền để đầu tư xây dựng 10 căn bungalow trên rừng trúc, có nhà điều hành, nhà ăn tập thể, rồi liên kết với đám thanh niên cùng làm du lịch rất đông vui.

Dù ít học, không biết nhiều chữ, nhưng ông Thắng luôn tâm niệm và dặn thằng con trai của mình rằng, du lịch có phát triển thế nào thì các thế hệ cần phải giữ được văn hóa, phong tục tập quán của người Dao. Dù làng phát triển hiện đại đến đâu thì làng vẫn phải là làng, phải giữ được cái mộc mạc chân chất như hòn đá trên núi, như cây ngô, cây tam giác mạch trên nương…

Mong cái nghèo chạy ra khỏi Nặm Đăm

Nguyễn Đỗ Mười sinh năm 1988 là Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ. Là người trẻ tuổi nhưng do Mười có bằng Đại học, giỏi ngoại giao lại biết tính nhanh, biết hi sinh vì lợi ích của người làng nên được người làng tín nhiệm bầu làm Giám đốc. Bởi từ trước tới nay, người làng Nặm Đăm nhiều người còn không dám ra khỏi phía sau Cổng trởi Quản Bạ chứ đừng nói đến chuyện về đến thành phố Hà Giang hay là Thủ đô Hà Nội.

HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ, nơi kết nối người Dao ở Nặm Đăm cùng làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Đào Thanh.

HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ, nơi kết nối người Dao ở Nặm Đăm cùng làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Làng Nặm Đăm của Mười làm du lịch từ năm 2013, nhưng phải đến cuối năm 2017 đầu 2018 mới đông khách biết đến. Bởi vậy, năm 2018, Mười quyết định thành lập HTX với mong muốn hỗ trợ bà con cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa và kết nối đón khách du lịch; cùng nhau thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với làm du lịch; làm du lịch homestay bà con sẽ không bỏ ruộng vườn mà sẽ song hành cùng làm nông nghiệp.

Nhưng chuyện làm du lịch của HTX cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn như tiếp cận khách hàng; thiếu nguồn vốn nâng cao năng lực cho các thành viên thì cái khó khăn nhất là việc nhiều người làng chưa hẳn đã nghe Mười. Bởi Mười cũng chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu của họ nếu không lựa nói lời lọt vào lỗ tai của người già, không khéo lại thành thất lễ.

Như việc vận động người làng phải giữ gìn vệ sinh chung; phải biết xây dựng khu vệ sinh riêng tại mỗi nhà thật sạch sẽ; phải biết giữ nguyên bản ngôi nhà trình tường và giá trị văn hóa bản địa; phải không hám lợi trước mắt mà chặt chém hay bắt nạt du khách; biết học nấu ăn, dọn dẹp buồng phòng, tiếp khách chu đáo...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) đến thăm HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ của Nguyễn Đỗ Mười. Ảnh: Đào Thanh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) đến thăm HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ của Nguyễn Đỗ Mười. Ảnh: Đào Thanh.

Để người làng nghe mình, Mười nhờ những người già trong làng như ông Lý Tài Duyên, ông Lý Quốc Thắng… vừa là người uy tín, vừa là người tiên phong làm du lịch cùng mình khơi thông tư tưởng cho bà con.

Những người già nói lý lẽ với những người già sẽ dễ nghe hơn. Nhờ thế mà người bản Nặm Đăm đều vỡ ra rằng, tiền thì nhiều nhà đã vay của Nhà nước để xây nhà, chỉnh trang khuôn viên, nếu người làng không nghe, không đoàn kết liên kết nhau cùng xây dựng hình ảnh du lịch của làng, làng không đón được khách, không có tiền trả cho Nhà nước thì cái nghèo cứ chạy từ nhà này đến nhà khác mãi mà chẳng chịu chạy ra khỏi làng.

HTX du lịch cộng đồng Quản Bạ của Mười được thành lập từ năm 2018 đến nay có 30 thành viên, trung bình mỗi thành viên thu nhập 20 triệu đồng/tháng từ dịch vụ du lịch homestay.

Nông sản của địa phương luôn là món ăn hấp dẫn du khách khi đến Nặm Đăm. Ảnh: Đào Thanh.

Nông sản của địa phương luôn là món ăn hấp dẫn du khách khi đến Nặm Đăm. Ảnh: Đào Thanh.

Làm 1 tháng thu về mấy đồi ngô

Không chỉ những người già, những người trung niên, mà nhiều người trẻ có học hành, có kiến thức cũng quay về làng Nặm Đăm làm du lịch homestay. Họ vừa có ý thức duy trì văn hóa làng, vừa phát triển để văn hóa bản địa biết “đẻ” ra tiền nuôi sống người làng.

Lý Ngọc Lâm là chàng trai người Dao làm du lịch trẻ nhất bản Nặm Đăm. 24 tuổi, sau khi đi học, đi làm cho các nhà hàng ở khắp nơi trong Nam ngoài Bắc, Lâm về nhà bàn với bố mẹ rằng, ở nhiều nơi nếu làm du lịch tốt thì 1 tháng có thể làm ra cả mấy quả đồi ngô mẩy hạt.

Bố mẹ Lâm hỏi, làm thế 1 tháng còn có chỗ đựng, nhưng cả năm thì lấy chỗ đâu mà đựng ngô? Lâm chậm rãi giải thích: Khách du lịch họ sẽ trả bằng tiền mặt, mà tiền có trong tay mình rồi, muốn mua ngô, mua gạo thịt, hay váy áo là do mình.

Cả cuộc đời của bố mẹ Lâm chỉ biết đi mòn chân ở khắp các đỉnh núi, mảnh nương, sức lực của cả cuộc đời chỉ biết dồn hết cho đồi cho nương, vui buồn cũng chỉ có ở đó nên chuyện làm du lịch như thằng con trai bảo thì chưa bao giờ họ nghĩ tới.

Nhiều sản phẩm dược liệu, rượu được người Dao ở Nặm Đăm sản xuất có bao bì đẹp mắt phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều sản phẩm dược liệu, rượu được người Dao ở Nặm Đăm sản xuất có bao bì đẹp mắt phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Ở tuổi 24, dù Lâm còn trẻ nhưng tính cách tự lập và hành động dám vượt qua cả mấy ngọn núi mà đi ra khỏi làng lăn lộn với đời, học được nhiều thứ hay khiến bố mẹ Lâm tin tưởng ở thằng con trai mình đã là một con chim cứng cáp biết bay đường dài, đường xa.

Bởi thế, trước quyết tâm của cậu con trai út, bố mẹ Lâm chẳng nói gì nữa, chỉ thấy mấy hôm sau bảo sẽ ủng hộ góp sức, góp tiền làm cho Lâm 1 ngôi nhà trình tường mới. Việc còn lại là Lâm phải biết cách nghĩ ra xem làm thế nào để ngôi nhà ấy có thể biết đẻ ra thật nhiều ngô, nhiều gạo.

Lý Ngọc Lâm chia sẻ rằng, đã là người trai ở bản Dao Nặm Đăm, ai cũng sẽ biết cách làm ngôi nhà trình tường truyền thống. Bởi nó cũng giống như cách mỗi người trai lớn sẽ biết tay cầy tay cuốc trên nương, như một phần của cuộc sống, phần hồn cốt của văn hóa làng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ở giữa) nghe Lý Ngọc Lâm (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về cách làm du lịch homestay. Ảnh: Đào Thanh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ở giữa) nghe Lý Ngọc Lâm (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về cách làm du lịch homestay. Ảnh: Đào Thanh.

Để làm được ngôi nhà của mình, Lâm cùng bố đục đẽo các phần cột, phần kèo để dựng khung; trộn đất, đắp bùn để làm bức tường vàng óng dày đến 60cm. Ngôi nhà được làm kéo dài tới 2 năm, bởi chủ yếu Lâm và bố mình tự tay làm tranh thủ dịp Covid-19 không đi đâu. Đây là ngôi nhà được xem là kéo dài lâu nhất của làng nhưng cũng là ngôi nhà trình tường đẹp ở bản Dao Nặm Đăm.

Tháng 4/2022 ngôi nhà của Lâm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng để sắm đủ nội thất, đồ đạc phục vụ làm homestay thì phải đến tháng 11/2022 mới thực sự đón khách.

Từ ngày bắt tay vào làm homestay, Lâm có thêm nhiều mối lo. Lo nghĩ cách làm sao để có nhiều khách biết đến làng của mình, lo có được dịch vụ chu đáo và hấp dẫn với du khách. Bởi vậy, những ngày rảnh, Lâm thường đi xuống thành phố Hà Giang học cách làm du lịch; làm clip quảng bá. Hiện nay, trung bình mỗi tháng homestay của Lâm thu được 15 đến 20 triệu đồng.

Những đứa trẻ ở thế hệ như Lý Ngọc Lâm, từ khi sinh ra đã ở trên nương, ăn ngủ trên lưng mẹ và những bước đi chập chững đầu đời cũng được sinh ra từ những vạt nương, hốc đá. Từ ngày du lịch về làng, người bố, người mẹ có tiền những đứa trẻ thế hệ sau của Lý Ngọc Lâm tương lai sẽ tốt hơn, chúng được học nhiều chữ, cái đầu sáng ra nhiều hơn. Chúng sẽ vẫn lớn trên nương, lấm lem bởi bụi đất từ vạt nương của quê hương như phần máu thịt nuôi lớn tâm hồn của chúng nhưng tương lai sẽ mở ra nhiều hi vọng đổi thay sáng lạn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.

Bình luận mới nhất