| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Cát tặc ngày đêm 'rút ruột' sông Hồng

Thứ Ba 05/05/2020 , 13:10 (GMT+7)

Lợi dụng lúc người dân không có mặt ở bãi bồi, nhiều tàu hút cát trái phép thi nhau “rút ruột” sông Hồng.

Người dân chỉ biết kêu trời trước tình trạng bờ bãi bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: An Lãng.

Người dân chỉ biết kêu trời trước tình trạng bờ bãi bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: An Lãng.

Việc khai thác cát làm biến đổi dòng chảy, bờ bãi sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Bờ bãi tan hoang

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hàng ngày, người dân chỉ biết “kêu trời”, ngồi thẫn thờ nhìn từng tấc đất cuốn theo dòng nước; kéo theo đó là hoa màu, cây cối bị đổ rạp dưới chân bờ sâu hoắm.

Xuân Châu là xã thuần nông, có diện tích bãi bồi ven sông Hồng lớn. Người dân chủ yếu trồng hoa màu, ngô, chuối… để phát triển kinh tế. Trước đây, khi chưa có tình trạng khai thác cát trái phép, bà con nông dân tập trung toàn bộ thời gian vào việc chăm sóc, bón phân cho hoa màu, cây cối.

Song, nhiều năm trở lại đây, họ mất ăn, mất ngủ; vừa lao động, sản xuất, vừa canh giữ bờ xôi ruộng mật. Nhiều hôm, người dân phải thức trắng đêm để trông coi, xua đuổi tàu hút cát trái phép ra xa chân bờ.

Anh Nguyễn Văn N. (xóm 2, Xuân Châu) không giấu nổi nỗi bức xúc khi gặp PV. Anh bảo, sông Hồng bị xói lở ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân là do tình trạng hút cát trái phép diễn ra rầm rộ, cả ngày lẫn đêm. Hàng ngày, tiếng máy nổ phát ra từ những con tàu vang inh ỏi như xé tan bầu không khí tĩnh lặng.

Anh N. dẫn chúng tôi ra tận bờ sông Hồng để chứng kiến khu vực bãi bồi bị sạt lở. Một cảnh tượng tan hoang, hàng chục khóm chuối của gia đình anh bị đổ rạp xuống bờ sông, thối nhũn hết toàn bộ.

Bờ bãi thì bị xói mòn, sâu hoắm vào bên trong và đang có dấu hiệu sạt lở tiếp. Anh N. ước tính bãi bồi của gia đình đã bị sạt lở lên đến khoảng 2.000m2 đất.

Chỉ tay vào con tàu đang khai thác cát giữa lòng sông, anh N. rầu rĩ, chúng (tàu hút cát - PV) khai thác liên tục. Nhiều hôm, tàu hút cát đông kín một dải sông. Vừa rồi, có mấy tàu bị lực lượng chức năng bắt nên tình trạng hút cát dưới sông Hồng có dấu hiệu chậm lại.

“Gia đình tôi thuê bãi bồi này của UBND xã Xuân Châu với tổng diện tích 5 mẫu, chủ yếu là chăn nuôi bò thịt, trồng cỏ voi và chuối. Song, nhiều năm nay, do tình trạng hút cát diễn ra rầm rộ nên bãi bồi bị sạt lở nghiêm trọng.

Nhiều lúc phát hiện, tàu hút cát gần khu vực bãi bồi của gia đình, tôi chỉ biết đứng trên bờ cầm đá ném về phía tàu, đồng thời lấy điện thoại di động quay lại hành vi hút cát trái phép của tàu đó…”, anh N. cho hay.

Những khóm chuối bị đổ rạp, thối nhũn dưới bờ sông Hồng do bờ bãi bị sạt lở. Ảnh: An Lãng.

Những khóm chuối bị đổ rạp, thối nhũn dưới bờ sông Hồng do bờ bãi bị sạt lở. Ảnh: An Lãng.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Th. (xóm 3, Xuân Châu) cho biết, gia đình ông thuê 6 mẫu đất bãi ven sông để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ sông do nạn khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất.

Ông Th. cho biết thêm, phía bên kia sông là huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Thấy người dân làm căng lên thì tàu hút cát đánh lái ra giữa sông hoặc sang bên kia bờ. Được vài ngày thì lại sang bên này hoành hành.

Theo người dân nơi đây, các con tàu đều có “chim lợn” lượn vòng quanh trên đê. Nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì “chim lợn” có nhiệm vụ báo cho chủ tàu dừng hoạt động và lái tàu ra khu vực phía xa.

Quyết liệt

Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Châu chia sẻ, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua xã Xuân Châu đã diễn ra vài năm trở lại đây. Mỗi lần các tàu hút cát tiến gần bờ, người dân chỉ biết đứng trên bờ xua đuổi. Khi chính quyền địa phương xuất hiện, các tàu dừng hoạt động và tiến ra xa giữa sông Hồng.

“Bản thân tôi cùng lực lượng công an xã đã nhiều lần ra tận nơi để kiểm tra, nhưng khi có mặt thì các tàu lại bỏ đi hết. Khi nào lực lượng chức năng và người dân đi về thì chúng lại tiến vào bãi bồi để hút trộm cát”, ông Khánh giãi bày.

Ông Khánh cho biết thêm, trước sự việc phức tạp đó, chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc lên Công an huyện Xuân Trường, Công an tỉnh Nam Định để có hướng xử lý. Và, sau nhiều lần phối hợp, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt quả tang một số tàu hút cát trái phép trên địa sông Hồng, đoạn đi qua xã Xuân Châu.

Tàu hút cát trái phép hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật. Ảnh: An Lãng.

Tàu hút cát trái phép hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật. Ảnh: An Lãng.

Mới đây nhất là vào ngày 20/4, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05) phối hợp với Phòng CSGT (PC08), Công an xã Xuân Châu và Cty CP quản lý đường sông số 5 đã phát hiện, bắt quả tang 3 phương tiện thủy đang khai thác cát từ lòng sông Hồng tại khu vực bến đò số 6, xã Xuân Châu.

Đó là các tàu: NĐ68, trọng tải 300 tấn, do ông Đoàn Văn Ái (34 tuổi, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) là chủ tàu. VIR-16040270, trọng tải 390 tấn, do ông Nguyễn Văn Lương (22 tuổi, trú tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) làm chủ và một tàu không có biển kiểm soát, trọng tải khoảng 300 tấn, do ông Nguyễn Công Mạnh (34 tuổi, xã Xuân Hồng) là chủ tàu.

Tại thời điểm kiểm tra, các chủ tàu trên đều không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp, vi phạm Điều 44, Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Tổng khối lượng các tàu này đã khai thác khoảng 135m3. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ tang vật, phương tiện để tiếp tục xác minh, làm rõ.

“Mấy ngày nay, sau khi lực lượng chức năng làm quyết liệt thì tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn đi qua xã Xuân Châu có thuyên giảm”, ông Khánh bộc bạch.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng không khỏi lo lắng nếu thời gian tới, tình trạng khai thác cát trái phép trở lại, kéo dài thì bãi bồi ven sông Hồng bên xã Xuân Châu sẽ tiếp tục bị sạt lở và nghiêm trọng hơn…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất