| Hotline: 0983.970.780

Nam Định đối thoại với người dân việc thu hồi đầm bãi Nghĩa Hưng

Thứ Tư 21/06/2023 , 16:48 (GMT+7)

Chiều 23/6, Nam Định sẽ tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân về việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Nam Định báo cáo sự việc lên Trung ương

Tỉnh ủy Nam Định vừa thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan tới việc thu hồi đẫm bãi nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại Nghĩa Hưng để triển khai dự án thép gần 100 ngàn tỷ của Tập đoàn Xuân Thiện.

Trong Thông báo số 783 vừa ban hành ngày 16/6, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc khẳng định, đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại khu vực Cồn Xanh là đất do nhà nước quản lý. Việc thu hút đầu tư các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực này là phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển kinh tế ven biển Nam Định giai đoạn 2021 - 2025.

Hàng trăm ha đầm bãi nuôi trồng thủy sản của huyện Nghĩa Hưng bị thu hồi không đền bù. Ảnh: Kiên Trung.

Hàng trăm ha đầm bãi nuôi trồng thủy sản của huyện Nghĩa Hưng bị thu hồi không đền bù. Ảnh: Kiên Trung.

Thời gian qua, các cấp, ngành của Nam Định và huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phối hợp với nhà đầu tư tiến hành triển khai các dự án; quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng được triển khai theo đúng các quy định. Tỉnh đã áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, các hộ dân nuôi trồng thủy sản thuộc diện thu hồi đất đầm bãi tại khu vực Cồn Xanh chưa đồng thuận và có những ý kiến thắc mắc chủ yếu liên quan đến quyền lợi kinh tế. Người dân tập trung khiếu kiện đông người, 2 lần lên Trung ương để kiến nghị.

Nam Định cho rằng, động thái của người dân đã làm ảnh hưởng tới việc triển khai dự án, có tác động không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng nói riêng và của tỉnh nói chung.

Một hộ dân bị thu hồi đầm bãi ở Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

Một hộ dân bị thu hồi đầm bãi ở Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, phương tiện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ dân thuộc diện thu hồi đất trong tháng 6/2023; vận dụng các cơ chế, chính sách, nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng…

Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tang cường bám sát, nắm chắc địa bàn, tình hình, diễn biến tại khu vực Cồn Xanh, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục phù hợp, không để hình thành “điểm nóng” gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để người dân tập trung đông người lên tỉnh và các cơ quan Trung ương…

Nam Định cũng báo cáo sự việc này tới Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ…

Chủ tịch tỉnh Nam Định đối thoại với người dân

Ngày 18/5/2023, Ban tiếp Công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) có văn bản số 1404 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của ông Nguyễn Văn Cương (xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng) cùng một số người dân đại diện cho hơn 400 hộ nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh khiếu nại liên quan tới việc thu hồi đầm bãi, không đền bù…

Tập đoàn Xuân Thiện đang tiến hành san lấp mặt bằng tại khu vực đầm bãi bị thu hồi. Ảnh: Kiên Trung.

Tập đoàn Xuân Thiện đang tiến hành san lấp mặt bằng tại khu vực đầm bãi bị thu hồi. Ảnh: Kiên Trung.

Nội dung đơn kiến nghị đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Nam Định xem xét việc năm 2021 UBND tỉnh Nam Định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản để thực hiện dự án xây dựng nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng (nhà máy thép xanh Xuân Thiện), Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện (Nam Định) nhưng không bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân thep quy định.

Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tổ chức đối thoại, làm rõ 22 nội dung theo đơn đề nghị ngày 21/4/2023 kèm theo Giấy biên nhận thông tin, tài liệu ngày 26/4/2023 của Thanh tra tỉnh Nam Định. Buổi đối thoại có sự tham dự của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ NN-PTNT. Thời gian trong tháng 6/2023.

Ngoài ra, trong thời gian chưa được đối thoại, người dân mong muốn tiếp tục được chăm sóc, khai thác, thu hoạch thủy hải sản tại khu vực đầm bãi thuộc Cồn Xanh.

Rừng ngập mặn bị xói lở, xâm hại do hoạt động khai thác cát biển...

Rừng ngập mặn bị xói lở, xâm hại do hoạt động khai thác cát biển...

Kè sinh thái 300 tỷ đồng của huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát biển. Ảnh: Kiên Trung.

Kè sinh thái 300 tỷ đồng của huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát biển. Ảnh: Kiên Trung.

Căn cứ theo quy định pháp luật tại Thông tư số 04/2021 quy định về quy trình tiếp công dân và Thông tư số 05 về quy định quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân trung ương chuyển đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định giải quyết theo thẩm quyền, trả lời công dân theo quy định, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết tới Ban Tiếp công dân trung ương.

Theo kế hoạch, chiều ngày 23/6, UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân về việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Nghĩa Hưng.

Tháng 4/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt bài phản ánh việc tỉnh Nam Định thu hồi hàng trăm ha đầm bãi nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại huyện Nghĩa Hưng để triển khai các dự án phát triển công nghiệp. Việc thu hồi không đền bù đã ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân và ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, việc khai thác cát biển ven bờ khiến kè sinh thái 300 tỷ đồng của huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi sinh, môi trường; xâm hại rừng phòng hộ ven biển tại khu vực này.

Ngay tại thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đã chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra sự việc Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.